- 'Tiền bạc là quyền lực duy nhất của cha mẹ Việt khi về già'
Sau khi đọc bài viết 'Tiền bạc là quyền lực duy nhất của cha mẹ Việt khi về già' của bạn My Dinh, tôi nhận thấy những bậc cha mẹ có nhiều con, cụ thể là từ ba người con trở lên sẽ thường rơi vào cảnh không nơi nương tựa sau khi chia tài sản. Điều này xảy ra do các con đùn đẩy trách nhiệm với nhau.
Khi có nhiều con, dù muốn hay không thì cha mẹ luôn đối xử thiên vị giữa các con. Nhiều người sẽ nói: "con nào chẳng là con, thương không hết chứ sao nỡ ghét đứa nào", "con nào tôi cũng đối xử công bằng cả".
Xin thưa với các bạn, sự thiên vị này dường như vô hình, nó không biểu hiện rõ rệt như khi bạn chia một cái bánh làm hai với một miếng lớn hơn và một miếng nhỏ hơn, dễ thấy được.
Mà nó được biểu hiện ngầm qua cách cư xử, hành động, lời nói... của cha mẹ một cách vô thức. Chỉ có đứa con mới cảm nhận được (qua hệ thống cảm quan thần kinh) và cảm giác này sẽ đeo đuổi theo chúng từ lúc bé cho đến khi trưởng thành.
Tôi xin ví dụ ba trường hợp thiên vị này như sau:
- Thiên vị theo tuổi tác: thường cha mẹ sẽ thương đứa con nhỏ tuổi hơn, có phần quà bánh cũng nhường cho đứa út, đi chơi hay đám tiệc cũng ưu tiên dắt đứa út theo hoặc cùng nhau nghịch thì đứa lớn luôn có lỗi...điều này dễ làm cho những "anh trai", "chị gái" tổn thương, nhưng chúng sẽ không nói ra.
- Thiên vị theo giới tính: nếu nhà đã có hai con gái, khi sinh thêm được một con trai thì dĩ nhiên nó sẽ là "cục vàng" của gia đình. Các chị, các anh phải "chiều chuộng", "thương yêu" em. Sự quan tâm của cha mẹ với hai người con gái lớn cũng không còn như trước.
- Thiên vị theo "chỉ số IQ": thường đứa học giỏi nhất nhà sẽ được cha mẹ thương yêu, chiều chuộng nhất. Khi la mắng những đứa con còn lại, bậc sinh thành thường nói: "sao mày học tệ thế, nhìn thằng em/ anh mày kìa"...Điều này gây cho con cảm giác tự ti, thua kém giữa chính anh chị em trong nhà. Không học giỏi ở trường, biết đâu đứa con này tương lai là một vận động viên bơi lội xuất sắc, thì sao?.
Những cảm giác này đeo đuổi theo những đứa con từ lúc ấu thơ cho đến khi chúng lớn. Chính vì thế dù cho cha mẹ chia tài sản bằng nhau đến từng ly cũng sẽ xảy ra sự tị hiềm giữa các con. Cơm không lành canh không ngọt là điều tất yếu.
Và dĩ nhiên những trường hợp này thường xảy ra trước thế hệ 7X, như một di chứng của tư duy cũ kỹ, quan niệm cũ kỹ và thời đó cũng ít gia đình được tiếp cận với tâm lý gia đình.
Theo tôi, nếu bạn "trót" sinh nhiều hơn hai đứa con ở thời này, điều quan trọng nhất là cố gắng giáo dục các con thật tốt, thật công bằng. Tạo dựng cho con một nền tảng học vấn và việc làm để chúng tự nuôi bản thân, không nên trong chờ vào tài sản của cha mẹ.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Trần Bá Long