Bài viết chia sẻ của nữ doanh nhân trẻ Tuệ Nghi, TP HCM:
Nhiều người nói với tôi rằng: "Cuộc đời này thật thà là chết, chỉ có thủ đoạn mới sống được". Ở khía cạnh nào đó thì điều trên không hẳn là sai, nhưng nó cũng không đúng và hoàn toàn chưa đủ.
Cuộc đời sẽ dạy cho con người ta nhiều thứ, trong đó có cả khả năng phản kháng và tự vệ để sinh tồn. Nhưng nếu không giữ được bản năng thành thật làm gốc, người chưa tổn hại đến ta mà ta đã vội gian dối với người thì chắc chắn không bao giờ có kết quả tốt đẹp.
Năm 2012 là thời gian khó khăn nhất của công ty tôi. Là một người trẻ, trong tôi cũng chứa đầy hoài bão, khát khao và lý tưởng. Tôi tham vọng khôi phục lại làng lụa, ngành lụa truyền thống, điều mà rất nhiều tiền bối đi trước tôi đã từng nỗ lực để thực hiện.
Thời gian đầu, tôi cũng xuất được rất nhiều đơn hàng ra nước ngoài thông qua kênh thương mại điện tử cũng như các mối quan hệ của mình. Thừa thắng xông lên, tôi hùn vốn để sở hữu một phần xưởng sản xuất, để sản phẩm làm ra mang dấu ấn của tôi chứ không phải là B2B (Business to business) như tôi vẫn làm.
Tất nhiên, tôi phải gánh nhiều hơn những chi phí cố định. Hằng tháng tôi phải trả thêm chi phí nhân công, chi phí thuê nhà xưởng, chi phí nguyên phụ liệu… Hàng tá thứ trông chờ vào những hợp đồng ngày càng ít ỏi dần vì áp lực cạnh tranh.
Đến tháng thứ sáu, tiền vốn lưu động vơi dần đi, lợi nhuận do các hợp đồng thưa thớt mang lại chỉ đủ để bù đắp chi phí nhân viên và tiền thuê văn phòng. Nhiều công nợ không thu được vì các công ty, khách hàng người nước ngoài chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế trầm trọng đã tháo chạy về nước, bỏ lại những khoản nợ không thể đòi.
Tôi hoang mang vô cùng, mỗi ngày thức dậy là một ngày âu lo. Không có kinh nghiệm quản lý nhà xưởng, tôi bị thất thoát, bị kê khống giá thành nguyên liệu đầu vào. Những container hàng không xuất đi được nằm chết dí ở cảng và tiền kho bãi thì vẫn phải tốn đều đều không sót ngày nào.
Hàng tồn kho nằm đó, nhân viên thì xuống tinh thần, cá nhân tôi cũng chưa tìm được lối ra, mắt thâm quầng, mặt tái dại đi vì mất ngủ. Tôi đã từng nghĩ, hay là giải thể công ty, bán đi cổ phần trong xưởng sản xuất. Tôi còn quá trẻ để bắt đầu lại từ đầu.
Nhưng rồi nhìn những nhân viên của mình, tôi tự nhủ là một người cầm cương, ngay lúc khó khăn nhất tôi phải đứng ở đầu sóng ngọn gió để gánh vác chứ không phải là tìm cách tháo chạy bỏ mặc đời sống của những người đã đầu quân cho tôi để tới đâu thì tới.
Một buổi sáng, tôi nhận được điện thoại của một chị bạn, chị ấy bảo rằng có bà bạn Việt kiều ở nước ngoài mới về thăm quê, chuẩn bị sang tuần sẽ về lại bên đó, muốn tìm ít khăn lụa tơ tằm loại tốt để mang sang làm quà biếu.
Biết bên tôi có kinh doanh loại này nên giới thiệu sang cho tôi bán lẻ. Cuối cuộc nói chuyện, chị bạn không quên nháy nhỏ: “Bà ấy mua tầm mấy chục cái, mày cứ chém đẹp vào, tiền triệu vào, đừng mà lấy giá sỉ làm gì cho thiệt thòi. Việt kiều thì lắm tiền mà!”.
Buông điện thoại xuống, tôi ngẫm nghĩ, vài mươi cái khăn lụa bán lẻ, nếu tôi lấy tiền triệu như chị bạn tôi mách thì tiền lãi cũng không phải là ít, như thế tôi sẽ có thêm chi phí để trang trải trong thời gian khó khăn này.
Đúng hẹn, tôi tiếp chị Việt Kiều vào cuối giờ chiều để giới thiệu cho chị ấy xem mẫu và chọn lựa. Sau hơn hai mươi phút xem tới xem lui, chị ấy chọn được vài chục mẫu và yêu cầu đóng hộp, tuyệt nhiên từ đầu đến cuối không hề hỏi giá cả. Tôi bảo nhân viên in hoá đơn thanh toán, rảo thật nhanh qua tờ hoá đơn, chị ấy nhìn tôi thảng thốt mất vài giây rồi rút tiền ra trả.
Một tháng sau, tôi đã tính tới việc gọi kế toán lên làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh thì chị Việt kiều hôm nọ gửi email cho tôi. Chị ấy giới thiệu một khách hàng sang mua hàng của tôi, giá trị lên đến tiền tỷ. Toàn bộ hàng tồn trong kho được giải phóng ngay lập tức, công ty tôi như hồi sinh.
Trong email chị ấy viết: “Chị biết em hoàn toàn có thể bán với giá rất cao bởi vì chị có ra các hàng lớn để xem qua rồi, nghe chị là Việt kiều thì không ai dại dột lấy chuẩn giá sỉ cả, nhưng em lại làm điều đó. Chị tin rằng em trọng đạo đức kinh doanh hơn là một ít lợi nhuận, điều đó cho thấy em đáng tin cậy. Nếu hôm đó em “chặt chém” chị, thì chị không bao giờ dám giới thiệu đối tác cho em”.
Tôi đã chọn cách làm ăn thành thật, kể cả trong lúc khó khăn nhất. Và kết quả khiến tôi không bao giờ phải hối hận với thái độ kinh doanh mà mình đã lựa chọn.
Khi một doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh có suy nghĩ chèn ép, chặt chém đối tác hoặc khách hàng của mình thì trước hết cần phải hiểu rằng chúng ta không bao giờ có thể qua mặt được họ. Với hành động đó, chúng ta có thể thu về một ít lợi nhuận tức thời, nhưng sẽ mất đi các cơ hội tiềm năng. Họ có thể sẽ không nói ra, nhưng âm thầm rút lui tìm một đối tác khác đáng tin hơn.
Mất lòng tin của khách hàng là mất trắng, đó là hệ quả tất yếu của việc làm ăn gian dối. Kinh doanh là con đường rất dài, chỉ có uy tín mới giúp chúng ta đi hết được con đường đó, bằng không sẽ phải trả giá bằng sự thất bại, chết yểu.
>> Xem thêm: Từ bồi bàn trở thành giám đốc công ty du lịch
Tôi đã sống sót giữa Sài Gòn bằng nửa đôla như thế nào? |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.