Gần đây, tôi có đặt vé máy bay từ Cần Thơ đi Đà Nẵng của một hãng hàng không có tiếng vào ngày 30/7 cho hai người bạn nước ngoài. Chuyến bay theo lịch trình khởi hành lúc 14h30, sau đó tôi được thông báo bị dời lại vào 15h45.
Bạn tôi lúc ấy đã làm thủ tục check out khách sạn, vì thế khi nhận được thông báo đổi giờ bay, tôi đành đưa hai người bạn của mình đi vòng vòng Cần Thơ, chờ đến thời gian lên sân bay.
Khoảng11h30, trong lúc chúng tôi đang ăn trưa lại nhận tin nhắn… dời chuyến bay đến 16h30. Sau bữa trưa, tôi phải đi làm và bạn tôi lại phải lang thang khắp nơi và chờ chuyến bay. Đến khoảng 16h, hai người bạn ấy có mặt ở sân bay thì tôi lại nhận được tin nhắn… dời đến 17h30. May mắn lần này là lần chót.
Mỗi lần nhận được tin nhắn đổi giờ bay, hai người bạn nước ngoài ấy lại hoang mang, và tôi lại phải liên hệ khách sạn ở tận Hội An để nhờ họ đổi giờ đến sân bay đón và đặt vé xe lửa, rất phiền phức và bực dọc.
Lần đầu tiên các bạn ấy đi máy bay ở Việt Nam và gặp phải chuyện đổi giờ bay liên tục, điều ấy đã gây ảnh hưởng đến hình tượng ngành hàng không Việt Nam nói chung và hãng bay ấy nói riêng.
Tôi đã yêu cầu hãng hàng không phải có lời giải thích và có sự đền bù thoả đáng cho hành khách, bởi đây không phải là tình trạng khẩn cấp (thiên tai, sự cố bất ngờ...). Họ delay đến 3 lần, khiến những người bạn của tôi cũng như hành khách cùng chuyến bay phải chờ cả buổi chiều, làm xáo trộn chuyến du lịch, phát sinh chi phí, tâm trạng bất an…
Đó cũng là nội dung thư tôi gởi khiếu nại ngày 30/7 đến hãng hàng không ấy. Họ hứa sẽ trả lời trong vòng 3 ngày, thế nhưng hôm nay đã là ngày 22/8, tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Tôi cũng đã gởi thư đến Hội bảo vệ người tiêu dùng ngày 11/8 nhờ can thiệp nhưng cũng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Vậy là tôi đành tự an ủi: "Cứ trông chờ vào thành ý và sự lương thiện của doanh nghiêp thôi, họ mà không có hai thứ này thì mình đành chịu vậy".
Vậy nên có thơ rằng:
"Có tiền mặc sức mà mua
Mua nhằm đồ dỏm thì thua cả làng
Nếu ai tâm trạng bất an
Thì đừng mua nữa cho an mọi bề".
Thời buổi cạnh tranh khốc liệt mà người tiêu dùng cứ phải "ngậm đắng, nuốt cục tức" vi bị đối xử tệ bạc. Ngoài những ngành độc quyền mà người mua bắt buộc phải sử dụng hàng hóa của họ, trong nhiều lĩnh vực khác, tình cảnh của "thượng đế" vẫn còn đáng thương lắm.
Vì sao nên nỗi? Doanh nghiệp không muốn làm ăn nên chẳng thèm khách? Người bị lừa không lên tiếng? Pháp luật chưa nghiêm? Thiếu cơ quan bảo vệ người tiêu dùng? Thiếu biện pháp chế tài?
Doanh nghiệp nào chẳng muốn làm ăn, thế nhưng, có kẻ làm theo kiểu ăn xổi ở thì chẳng quan tâm đến hậu mãi, không chú trọng chữ tín hay đơn giản chỉ lo chăm sóc các khách hàng lớn, còn khách nhỏ lẻ thì xin thưa: "Không mợ thì chợ cũng đông".
Trong khi các công ty nước ngoài lấy uy tín làm đầu thì ở ta lại không như vậy. Khi có khiếu nại thì họ tìm cách lấp liếm, giả vờ quên hay giãy nảy bị “xúc phạm danh dự” để đưa "thượng đế" vào tròng.
Người bị hại ý thức được quyền của mình nhưng quá trình đi tìm công lý quả là gian nan, tốn thời gian chờ đợi nên đành im lặng, hơn nữa cứ nghĩ “thôi thì chả đáng là bao”.
Pháp luật đã có những quy định, chế tài... thế nhưng, việc thực hành và đưa pháp luật đi vào đời sống thì thật quá gian nan. Người bán tiếp tục lừa gạt khách hàng, người mua tiếp tục chịu thiệt, đó là một thực tế nhức nhối mà ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng đành bất lực.
>> Xem thêm: Chuyến bay ám ảnh cuộc đời tôi
Vì sao phục vụ ở sân bay Singapore tốt gấp 10 lần VN |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.