Nếu bạn hỏi tôi rằng, lịch sử chúng ta có đáng trân trọng không? Có, câu trả lời dĩ nhiên là có. Lịch sử dân tộc nào cũng đáng được trân trọng.
Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có tình yêu nước, thế nên, niềm tự hào về lịch sử dân tộc cũng nằm ở đó, chẳng thể mất đi.
Có điều, tôn trọng môn lịch sử, hay yêu đất nước nơi mình sinh ra, không có nghĩa là bạn có khả năng ngồi học thuộc lòng 53 trang A4 kín mặt chữ, chằng chịt con số. Chúng tương đương với quyển vở 100 trang kín hết chữ từ trang đầu đến trang cuối. Đấy là chưa tính đến lịch sử thế giới và 5 môn còn lại (nếu thi tốt nghiệp môn sử).
Thưa người lớn, những người chưa bao giờ phải học sử để thi tốt nghiệp, đừng vội phê phán và mắng những em 'xé đề cương sử'. 12 năm đi học, có bao giờ môn sử được quan tâm đúng cách? Số học sinh thích môn sử được bao nhiêu?
Các vị có bao giờ hỏi học sinh học sử để làm gì, ngoài phục vụ cho mục đích thi cử không? Để chứng tỏ mình yêu nước sao? Không. Không ai học sử để chứng tỏ mình yêu nước cả. Cũng không ai nói với học sinh học sử là yêu nước.
Có bao nhiêu người đang đọc bài này nhớ Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán vào năm nào?
Người lớn phê phán các em không biết nghĩ, không tôn trọng kiến thức, lịch sử dân tộc khi xé đề cương sử như thế. Nhưng nếu định nghĩa kiến thức là thứ tri thức không quên được, cũng không thể quên, thì các môn học buộc phải thuộc lòng, cụ thể như môn sử, có thể gọi là kiến thức?
Nếu nó không phải kiến thức, nó là gì?
Thú thật, tôi thông cảm với những em đã xé đề cương sử ở Trường THPT Nguyễn Hiền. Còn người lớn, họ có bao giờ tìm hiểu các em trước khi buông lời trách móc chuyện này?
Không, họ không đi trong giày của các em. Tất cả họ nhìn thấy chỉ là những tấm hình, họ không nghe thấy các em đâu. Họ cũng không có cả bao dung.
Khi đọc thấy nhiều ý kiến yêu cầu môn sử là môn bắt buộc, tôi tự hỏi đó có phải là hành vi trả thù của người lớn cho bõ ghét đối với các em khi họ không thể hiểu? Vì dù sao đi nữa, các em đã và đang buộc phải nhớ những thứ các em không muốn, để rồi chắc chắn sẽ quên. Các em cũng sẽ hận môn sử, cũng xé nó sau khi thi xong.
Đó có phải là lỗi hoàn toàn thuộc về các em trong khi người lớn là những người vô can đứng ngoài bàn tán?
Đừng nhìn bề nổi, hãy hiểu tại sao các em lại làm thế. Chúng ta hãy để đề cương những môn các em thi trên bàn làm việc của mình, giở từng trang sách, và tự hỏi rằng chúng ta có muốn học thuộc lòng như các em đang phải học không?
>> Xem thêm: Nhiều thạc sĩ không đủ 'trình' dạy sinh viên
Scorpio
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây.