Người gửi: Thuy
Có lần vô tình tôi đọc được một bài trên blog của Joe - anh chàng Tây siêu tiếng Việt viết về "Văn hóa sử dụng còi" của người Việt Nam mình, cụ thể là những người đang tham gia giao thông hàng ngày tại Hà Nội. Đúng là "Văn hóa còi xe" của người Việt cần phải được "cải tạo" thật.
Như anh chàng "Dâu" đã nói thì có những người sử dụng còi xe rất "không đúng lúc đúng chỗ". Có những người đi cách người phía trước mình đến cả vài mét đã ấn còi inh ỏi, có người thì lại sát sàn sạt người phía trước rồi mới vội vã ấn còi và quay lại... chửi. Thật không thể hiểu nổi.
Đó là chưa kể đến giai đoạn đợi đèn đỏ cũng có nhiều điều phải nói. Lẽ ra là đèn vàng thì "được vượt" dù đằng trước không có bóng cảnh sát nhưng lại có người dừng lại chắn đường cho nên cách duy nhất để rẽ đám đông vượt lên là bấm còi... liên thanh.
![]() |
Tắc đường ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để góp phần thêm vào phong cách sử dụng còi "độc đáo" này là các bác đi môtô đứng ở giữa dòng người hoặc tít dưới cuối hàng vẫn thường hay bày tỏ sự sốt ruột của mình bằng... còi khi đồng hồ báo hiệu mới chỉ ở những giây thứ 5 trước khi chuyển sang đèn xanh. Tuy nhiên, "lỗi văn hóa" này là không thể kiểm soát được mà phải do nhận thức và ý thức văn hóa của mỗi người khi tham gia giao thông.
Giả như, ở trường hợp "xấu nhất", người dân của chúng ta không thể từ bỏ được thói quen sử dụng còi "vô tội vạ" này thì bất quá cũng chỉ khiến người đi đường bực dọc đôi chút. Điều mà tôi muốn nêu ra ở đây đó là "văn hóa còi" của những người lái xe tải. Thành thực mà nói, đây là điều mà tôi đã bức xúc từ rất lâu nhưng mãi tới hôm nay mới quyết định gửi bài tới VnExpress để chia sẻ cùng mọi người và mong có một giải pháp thực sự cho vấn đề tưởng như là nhỏ này.
Những "lỗi văn hóa còi" mà tôi đã nêu ra ở trên đều xuất phát từ những người điều khiển môtô, với mức âm lượng còi còn có thể chấp nhận được mặc dù cũng gây không ít khó chịu đối với mọi người xung quanh khi cùng tham gia giao thông. Trong khi đó, "lỗi văn hóa còi" của những người lái xe tải không đơn thuần chỉ là sự khó chịu khi đi đường mà còn gây tác hại đối với những người đi trên đường.
Đã không ít lần tôi "vô tình" đi bên cạnh hay phía trước một chiếc xe tải và đột nhiên giật bắn người vì bị một thứ âm thanh có âm lượng cỡ lớn dội vào tai. Đó là khi chiếc còi hơi xe tải được sử dụng để xin đường. Lúc đi quá gần những chiếc xe tải kiểu như vậy, tôi tưởng như màng tai mình bị rách toạc và không khỏi choáng váng.
Tôi không hiểu tại sao những chiếc xe tải này lại có thể ung dung sử dụng còi hơi âm lượng lớn khi đang tham gia giao thông trong đô thị, nhất là tại Hà Nội - nơi mà mật độ người đi lại trên đường khá đông nên khoảng cách giữa các phương tiện khá hẹp, mà không bị xử phạt gì.
Nếu bạn là người tham gia điều khiển phương tiện giao thông thì tôi chắc rằng bạn đã học qua luật và biết rằng Luật Giao thông đường bộ quy định cấm sử dụng còi hơi trong thành phố. Hằng ngày, có biết bao chủ phương tiện giao thông bị xử phạt vì vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ sai làn đường, đi vào đường một chiều... nhưng dường như chưa lái xe nào bị phạt vì sử dụng còi hơi ở nội thành.
Thiết nghĩ, đây không phải là một vấn đề nhỏ, chỉ dừng lại ở một "lỗi văn hóa còi" mà còn là sự an toàn cho những người tham gia giao thông. Nếu những chiếc còi hơi âm lượng lớn vẫn còn được ung dung sử dụng trên đường phố đô thị thì sẽ còn không biết bao nhiêu người tham gia giao thông bị "tra tấn" và có thể bị ảnh hưởng xấu đến thính giác. Bầu không khí Thủ đô không chỉ bị ô nhiễm vì khói bụi mà còn trầm trọng thêm vì ô nhiễm âm thanh.
Tôi đã từng có dịp vào công tác tại Huế và cảm thấy rất ấn tượng với cố đô này. Ngoài những con người với ý thức tham gia giao thông rất tốt, Huế còn áp dụng nghiêm ngặt việc cấm lái xe tải sử dụng còi hơi trong thành phố.
Ngay tại đầu mỗi con đường dẫn vào nội thành đều có đặt biển "Cấm sử dụng còi hơi trong thành phố" và lái xe cũng thực hiện rất nghiêm túc quy định này. Do vậy, khi xe tải bắt đầu tiến vào nội thành, còi hơi sử dụng cho đường cao tốc được chuyển sang còi xe bình thường với âm lượng bé hơn và tuyệt đối an toàn cho những người tham gia giao thông xung quanh.
Như vậy, để Thủ đô của chúng ta ngày càng văn minh hơn thì những điều nhỏ nhất cũng phải được giải quyết triệt để và nghiêm khắc, nhất là khi điều đó không đơn thuần chỉ là gây phiền phức, khó chịu cho mọi người mà còn có khả năng gây tác hại. Mà một khi điều nhỏ có thể gây tác hại thì bản thân nó đã không còn là "chuyện nhỏ" nữa.
Tôi hy vọng rằng chia sẻ này cùng với ý kiến đóng góp của đông đảo bạn đọc VnExpresssẽ mang lại thay đổi nào đó đối với vấn đề "Văn hóa còi xe" này. Hy vọng một ngày rất gần đây thôi, khi ra đường sẽ không còn ai phải "giật bắn mình" vì những chiếc còi được dùng "không đúng chỗ".
Bạn nghĩ thế nào về "Văn hóa còi xe" hiện nay? Gửi ý kiến tại đây.