Ngày xửa ngày xưa, tôi ăn tết to lắm. Bắt đầu vào ngày rằm tháng chạp, ba kêu tôi đi nhặt lá mai. Từ gốc mai to trước cửa cho tới cây mai nhỏ trong chậu đều phải nhặt lá thì mai mới nở được. Nhỏ bạn tôi nói là nhà nó có cây mai to đùng, anh nó phải bắc thang lên mới có thể nhặt được hết lá. Nghe mà khoái chí.
Rồi tới ngày tết ông Táo, mẹ tôi thường mua ít đồ ngọt và pha bình trà để cúng cùng ít vàng mã. Người miền Tây không cúng cá chép và cũng không thả cá chép. Vàng mã thì thường là bộ đồ ông Táo và ít gíây tiền vàng bạc, cúng xong thì đốt vàng mã. Còn bánh ngọt thì dành phần cho tôi và đứa em.
Cúng ông Táo xong thì ba tôi hay tuyên bố là tết đã bắt đầu. Chúng tôi được ăn hạt dưa, bánh kẹo và uống nước ngọt thoải mái. Cũng may là điều này sẽ chấm dứt vào ngày mùng bốn, không thì chắc tôi đã không có đủ răng để ăn cơm. Tôi được phân công cắt củ kiệu để ngâm dấm hay bào dừa làm mứt giúp mẹ. Em tôi còn nhỏ chỉ được dọn rác giúp thôi chứ chưa được cầm dao.
Hồi đó vẫn còn pháo tết. Tiếng pháo chuột do lũ trẻ trong xóm đốt cứ ỳ đùng làm ai cũng nao lòng ngóng tết. Tôi nhớ lúc tôi học lớp sáu, ngày 24 tết vẫn còn đi học. Tiếng pháo nổ khiến bài giảng của cô nghe tiếng được tiếng mất. Cô giáo nhìn bọn tôi rồi thở dài rằng: "Mặt các em coi cứ như trái dưa hấu, tết tới nơi rồi, cô giảng gì cũng bay hết trơn".
Ngày 29 tết, mẹ tôi thường đi chợ từ rất sớm. Hôm đó chợ quê đầy cành mai, hoa các loại, trái cây cùng đủ thứ hàng tết. Mẹ đi một lát rồi về gọi bọn tôi ra lấy mai và hoa. Tôi vác cành mai đẹp đem về cho ba chưng tết. Em tôi xúm xít cầm chậu vạn thọ vàng rực. Rồi chúng tôi còn phải trở lại để mang tiếp dưa hấu, bưởi để chưng tết. Hôm đó cả nhà đi chợ phải đến mấy tiếng đồng hồ.
Sau đó cả nhà tôi cùng nhau gói bánh tét. Mẹ tôi khéo tay nên phụ trách việc gói. Chúng tôi chia nhau ai làm việc đấy, từ việc lau lá, ngâm đậu đến việc xay bồ ngót lấy nước xanh để ngâm nếp. Gói xong thì nấu và canh nồi bánh tét bao giờ cũng khiến cả nhà tôi tràn ngập niềm vui.
Hôm ba mươi chúng tôi thường đi ngủ sớm. Tới chừng 11h 30 thì ba kêu chúng tôi dậy. Có muốn ngủ cũng không được vì hàng xóm đã đốt pháo inh trời. Nhà tôi ít khi đốt pháo vì ba mẹ tôi đều là giáo viên hoá sinh, đại khái là ý thức phòng cháy nổ rất cao. Còn hàng xóm thì thi nhau xem ai có phong pháo dài nhất. Bác hàng xóm giàu nhất xóm thì khỏi chê, tràng pháo đốt chừng 15 phút vẫn chưa hết. Cúng giao thừa xong tôi lại đi ngủ.
Sáng mùng một gia đình tôi thường đi chùa. Tôi lúc nào cũng được phép đi chơi, tuy là phải dẫn em đi cùng. Hồi tôi nhỏ, bọn trẻ hay kháo nhau là mùng một tết người đi bộ đuợc phép đi giữa lòng đường. Thực ra thì ai cũng đóng cửa ăn tết, làm gì có xe nên có xuống lòng đường đi bộ cũng chẳng sao.
Ngày nay, tôi đã sống ở nước ngoài. Sau mười mấy năm xa xứ, tôi vẫn cảm thấy tủi thân mỗi khi tết về. Trước hết là chẳng có mai để nhặt lá. Đành phải chịu khó ngắm đào vậy, âu cũng là một điều an ủi.
Tôi cũng đưa ông Táo như xưa, với hi vọng là ông Táo, bà Táo đã lên máy bay đi với tôi lúc tôi xa xứ. Bánh kẹo thì không thiếu, chỉ khó lúc đốt vàng mã thôi. Có năm tôi ở nhà chung cư, phải đem vàng mã ra trước sân cỏ đốt trong một cái nồi to. Tôi nhờ nhỏ bạn cầm vòi nước đứng sẵn bên, có gì thì xịt nước ngay. Các ông bà Tây đi ngang cứ ngó chằm chằm, may là họ chưa gọi cảnh sát.
30 tết giờ đây là ngày tôi đi chùa. Các ngôi chùa Vịêt ở nơi tôi ở đều tổ chức lễ hội đón xuân, có cả múa lân, dù các em nhỏ lớn lên ở đây không múa hay như các võ sư chuyên nghiệp. Nếu may mắn thì chùa có cả mai vàng cho mình ngắm. Chợ tết thì chỉ có ở những khu thật đông người Việt mà thôi.
Bây giờ tôi vẫn kiếm chút củ kiệu và tôm khô cùng bánh tét để nhấm nháp đầu xuân. Có năm tôi ăn tôm khô củ kiệu kèm với nước tương dầm ớt, vì cay quá nên nước mắt tôi giàn dụa. Ông chồng Tây lại tưởng tôi nhớ nhà nên vội an ủi. Thế là cũng xong cái tết.
Khổ nhất là ngày mùng một vẫn phải đi làm. Năm nào may thì mùng một vào dịp cuối tuần. Có năm mùng một ngay giữa tuần, tôi nhớ năm đó tôi đi làm, đi ngang qua phòng sếp vốn người Hong Kong. Sếp bảo tôi vào phòng, cho tôi một phong bì lì xì có 1 đô la và một cái kẹo nhân sâm, sau đó chúc tết. Chúng tôi ngồi uống trà và nói về cái tết năm xưa. Nhưng chỉ được 15 phút thôi rồi lại phải làm việc.
Tôi có lần tôi than với mẹ rằng, từ ngày xa quê tới giờ tủi nhất vẫn là tết. Mẹ bảo rằng, một năm 365 ngày, con đủ ăn đủ mặc, có nhà ở, có xe đi thì cũng phải chịu tủi thân một ngày chứ. Lại nhớ tục ngữ Việt Nam có câu "tha hương cầu thực", ngẫm đi ngẫm lại câu đó chắc là chỉ những kẻ như mình.
Hôm nay tết ông Táo ông Công ở Việt Nam. Tôi cũng cố sửa soạn một mâm để cúng ông Táo. Mong ông Táo báo với Ngọc Hoàng rằng tôi vẫn nhớ về quê hương cho dù có đi xa cách mấy.
>> Xem thêm: Từ Sài Gòn về quê ăn Tết như thế nào để tránh kẹt xe
Chia sẻ bài viết của bạn về Tết tại đây.