Vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) TP HCM đã đưa ra xét xử vụ án chặt tay cướp SH do Hồ Duy Trúc, Trần Văn Luông và đồng bọn thực hiện. Tại bản án sơ thẩm, TAND thành phố đã tuyên phạt Trúc mức án tử hình, Luông mức án tù chung thân.
Sau khi bản án được tuyên, có rất nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ quyết định của Hội đồng xét xử, tuy nhiên đâu đó cũng còn có một vài ý kiến cho rằng việc cướp tài sản chưa gây ra hậu quả chết người nên hình phạt trên là “hơi nặng” tay cho các bị cáo.
Là một luật sư, tôi xin đưa ra một vài ý kiến của mình về bản án trên như sau:
Theo nội dung của vụ án thì Trúc và Luông cùng đồng bọn đã dùng dao, mã tấu thực hiện 15 vụ án cướp giật tài sản khiến nhiều nạn nhân bị thương tật với tỷ lệ từ 1 đến 47%.
Đỉnh điểm là vụ cướp dưới chân cầu Phú Mỹ (Q.7, TP. HCM), Trúc đã trực tiếp dùng mã tấu chém đứt lìa bàn tay của chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy nhằm mục đích cướp xe SH. Hành vi trên không chỉ gây thương tích cho chị Thúy mà khiến dư luận hết sức bất bình.
Theo quy định tại khoản 4 điều 133 của Bộ luật hình sự về tội cướp tài sản thì Trúc đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cụ thể điều khoản này nêu rõ: “4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”
Trong vụ án trên, Trúc và Luông gây thương tích cho nạn nhân tỉ lệ là 47%, trị giá tài sản chiếm đoạt không thấy nói rõ nhưng có thể là dưới năm trăm triệu đồng. Vậy nhiều khả năng Tòa đã áp dụng điểm c (gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng) để quyết định hình phạt tử hình cho Trúc và chung thân cho Luông.
Về tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, theo hướng dẫn của TAND tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại, Bộ Công an và Bộ Tư pháp tại Thông tư liên tịch SỐ 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ghi rõ:
“Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.”
Như vậy, hành vi chém người cướp tài sản của Trúc và Luông gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản chưa đủ yếu tố cấu thành mức khung hình phạt tử hình như trên.
Tuy nhiên, trên thực tiễn thì như Hội đồng xét xử đã nhận định, Trúc và Luông đã thực hiện hành vi một cách có tổ chức, sử dụng nhiều hung khí nguy hiểm. Chúng lợi dụng lúc trời tối trên những tuyến đường vắng người để thực hiện hàng loạt vụ cướp gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an ninh. Cho nên, cần thiết phải áp dụng mức án nghiêm khắc mới đủ tính răn đe.
Do đó, Tòa án đã áp dụng điểm c, khoản 4, điều 136 để tuyên án tử hình và chung thân như đã phân tích ở trên là hoàn toàn đúng pháp luật, hợp tình và hợp lý.
Trong vụ án án trên còn có tình tiết gia đình của bị cáo Luông cho rằng bản án là quá nặng nên có một số hành vi không phù hợp đối với cơ quan tố tụng. Theo tôi hành vi trên là thiếu sự bình tĩnh và khôn ngoan cần thiết.
Tôi cho rằng họ cần suy nghĩ lại, có thể họ chỉ cần giúp bị cáo nộp lại các khoản tiền, tài sản đã cướp, khắc phục một phần hoặc toàn bộ chi phí thuốc men và các thiệt hại khác cho nạn nhân thì có khi bị cáo sẽ được Hội đồng xét xử xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ. Cùng với việc thành khẩn khai báo thì nhiều khả năng hình phạt tử hình sẽ không được tuyên.
Bộ luật hình sự về tội cướp tài sản (số 15/1999/QH10) Điều 133: Tội cướp tài sản 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điều 136. Tội cướp giật tài sản 1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; h) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. |
>> Xem thêm: Người mẹ kẻ chặt tay cướp SH đòi giết nạn nhân tại tòa.
Chia sẻ bài viết của bạn về vấn đề đời sống, xã hội tại đây.