Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, giờ đang sống và làm việc ở TP HCM. Những năm học đại học của tôi gắn liền với công việc gia sư nên tôi được tiếp xúc với nhiều em học sinh nhỏ. Tôi nhận ra rằng: “Tôi vẫn yêu và muốn trẻ em được lớn lên ở môi trường nông thôn hơn thành phố, bởi trẻ em nông thôn tự lập và ngoan hơn trẻ em thành phố nhiều”.
Những năm tháng đi dạy, tôi đã phải giảng những bài mà nhiều học sinh thời nay vẫn hay dè bỉu là “giảng đạo”. Bởi, tôi không chịu nổi cách những đứa trẻ thành phố xưng hô ngang ngược, thiếu chủ ngữ với người lớn. Tôi không muốn thấy cái gì bố mẹ cũng làm hết phần cho chúng để rốt cuộc bọn trẻ ỉ vào người lớn.
Thế nên nhiều hôm tôi đã phải dành cả 30 phút để kể về những câu chuyện cuộc sống về các đứa trẻ nghèo học giỏi vượt khó, biết làm việc chăm chỉ, biết lo nghĩ đến bố mẹ… ở vùng nông thôn cho các “quý tử”, “tiểu thư” đang là học trò của tôi nghe.
Sau một thời gian, tôi đã rất mừng khi nhận được nhiều lời cảm ơn từ phụ huynh các em. Vì những câu chuyện cuộc sống đó đã giúp các cậu ấm cô chiêu này biết phấn đấu, biết tự giác, ý thức hơn và xưng hô rất lễ phép với bố mẹ. Học sinh cũng vì thế mà tôn trọng và yêu quý tôi nhiều hơn.
Không phải vì tôi sinh ra ở nông thôn nên tôi ca ngợi trẻ em nông thôn đến thế. Các bạn hãy nhìn vào thực tế sẽ thấy những đứa trẻ em ở thành thị được chăm bẵm bao nhiêu thì khi về nông thôn bạn sẽ sững sờ trước cảnh trẻ em thoăn thoắt làm việc bấy nhiêu. Chúng biết tự làm những công việc giúp đỡ gia đình, chứ không chỉ là tự làm các công việc cá nhân.
Ở cái tuổi “vắt mũi chưa sạch” những đứa trẻ quê tôi đã biết chăn trâu, bắt cá giữa trưa hè nắng nôi, một buổi đi học, một buổi ra đồng đi làm. Trong khi những đứa trẻ thành phố được cưng “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Một bước, hai bước đều có người giúp việc, cần gì, muốn gì bố mẹ đều đáp ứng. Như thế con trẻ ở đâu sẽ biết cách tự lập hơn?
Trẻ em nông thôn học từ những người xung quanh, bố mẹ và gia đình sẽ là người chỉ dạy các em ngày qua ngày để chúng tự làm dần sẽ quen, chúng trở nên nhanh nhẹn hơn. Kỹ năng sống cũng được học từ đó. Trong khi trẻ em thành phố thì mở mắt ra từ sáng tới tối vùi đầu vào sách vở, với lịch học thêm kín mít như tra tấn cái tuổi thơ vô tư, hồn nhiên.
Kỹ năng sống là phải từ cuộc sống, phải được bồi đắp liên tục trong cuộc sống hàng ngày. Tôi cũng thấy vui khi một vài bậc phụ huynh ở thành phố thấy rõ được tầm quan trọng này, đã cho con đi học kỹ năng sống trong một thời gian ngắn ngày hè, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ.
Cuộc sống bận rộn cùng với xu hướng của công nghệ thông tin, con trẻ thành phố ít có thời gian được tiếp xúc, vui chơi cùng bố mẹ, bạn bè. Thay vào đó, các con lại có xu hướng thu mình lại, sống cuộc sống ảo trên mạng hơn là sống thực.
Nhìn lại thực tế, chúng ta lại thấy có biết bao những cô cậu sinh viên, những thủ khoa vượt khó học tập để được bước lên giảng đường đại học và ra đời cống hiến cho xã hội. Điều đó cho thấy rằng nhồi nhét kiến thức và chạy đua theo xu thế không phải là cách mà các ông bố bà mẹ nên làm để mong con mình thành những người tài giỏi.
Phải chăng người lớn chúng ta nên có một cái nhìn thực tế hơn để nuôi dạy con mình, xây dựng cho chúng cách sống tự lập từ nhỏ? Phải chăng chúng ta cần “nông thôn hóa” những trẻ em thành thị?
>> Xem thêm: Những kĩ năng cần thiết cho trẻ em thành phố /Sốc với người mẹ ‘chôn sống’ con ở lùm cây
Chia sẻ bài viết của bạn về kỹ năng dạy trẻ tự lập tại đây.