Gần 13h ngày 3/6, xe bồn tiếp xăng vào bể chứa tại cây xăng dầu quân đội trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bốc cháy. Hàng trăm cảnh sát cùng toàn bộ phương tiện chữa cháy của Hà Nội đã được huy động khống chế vụ hỏa hoạn. Nhưng phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới dập tắt được ngọn lửa.
Sự việc trên đã nhận được hàng nghìn ý kiến tranh luận của độc giả gửi về VnExpress.net. Bạn đọc có nickname Vn4t147 nói: 'Vụ cháy xảy ra vào ban ngày, ở mặt đất, đường tiếp nhiên liệu chữa cháy thông thoáng, lực lượng PCCC gần đó... Tại sao hơn 5 tiếng đồng hồ mới dập tắt được ngọn lửa trên chiếc xe bồn? Nếu cháy xảy ra ở vị trí phức tạp hơn như: nhà cao tầng, khu đông dân cư... thì hậu quả sẽ như thế nào'. (>> Xem clip)
"Đúng rồi, đây không phải đám cháy lan như cháy nhà, cháy rừng, dập chỗ này bùng chỗ nọ. Chỉ có một xe bồn bùng cháy như một ngọn đuốc, trong khi các chiến sĩ PCCC đã được đào tạo và huấn luyện bài bản mà không thể dập tắt được nó ngay phút đầu. Rõ ràng có sự lúng túng trong phương pháp cứu hỏa", bạn đọc Nghĩa bày tỏ.
Nhiều tiếng nổ lớn vang lên trong lúc xe bồn cháy. Ảnh Hoàng Hà. |
Nói về phương pháp dập lửa của lực lượng PCCC, bạn đọc Trần Huy bức xúc: "Thật khó hiểu, tại sao các chiến sĩ cứu hỏa lại dùng nước xịt vào, cho dù là làm mát. Cách làm vậy, các chiến sĩ vô tình tạo ra hàng rào lửa bao vây lấy mọi người bên trong, làm cho lửa càng nhanh chóng lan tỏa. Cần phải rút kinh nghiệm triệt để trường hợp này".
Theo tôi "trường hợp này tốt nhất vẫn là bình bột chữa cháy hoặc CO2. Cát chỉ dùng cho đám cháy nhỏ. Còn bảo hộ cho lính cứa hoả phải là quần áo chống nóng, dài tay, mũ vành rộng, giày bảo hộ loại đặc biệt, đeo găng tay chống nóng, trường hợp cần thiết phải đeo mặt nạ chống độc/khói. Và còn nhiều nữa mới giảm thiểu được thương vong cho dân và cả cho đội cứu hoả".
Tuy nhiên, nhiều độc giả cho rằng cảnh sát Hà Nội đã làm khá tốt, vì nếu để xe tiếp xăng phát nổ thì sẽ là thảm họa. Độc giả Aloha cho rằng: "Chữa cháy xăng dầu rất khó. Trường hợp này, các chiến sĩ phải dùng nước để giảm nhiệt ống tuýp xăng".
"Chúng ta, chỉ có thể dùng nước làm tràn xăng từ tip chảy ra rồi dùng bọt CO2 xịt vào chỗ tràn đó. Còn phun trực tiếp bọt CO2 và cát vào trong trường hợp này rất khó phát huy tác dụng vì xăng đang ở trong tuýp, miệng tuýp nhỏ nên bọt CO2 lọt vào rất khó, mà nhiệt lượng tỏa ra từ 10.000 lít xăng là rất lớn, nên các chiến sĩ cứu hỏa làm như vậy là chuẩn rồi".
Bạn đọc Trần Linh dẫn chứng vụ nổ xe bồn xăng ở một nước châu Á và nói: "Nhìn kỹ cái đoạn vòi nước xịt vào bồn đang bị nung nóng và thấy nước nó bốc hơi như thế nào, phun nước lạnh vào mà còn thế huống chi không phun thì nó nóng cỡ nào. Thậy may là hôm qua cái bồn đấy không nổ như trong clip này":
* Clip Xe bồn xăng bốc cháy vì cứu hộ không thành |
Bên cạnh đó cũng nhiều ý kiến cho rằng cần phải di dời những cân xăng ra những nơi có địa hình rộng, đảm bảo cho công tác phòng, chống cháy nổ, không để các quán buôn bán bên cây xăng và cần xử lý nghiêm những người hút thuốc lá cũng như khi mua xăng không tắt máy động cơ. Độc giả Trungviet kể: " Nhà tôi sống cạnh một cây xăng trên một con đường chật chội đông đúc ở Sài Gòn, lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa".
"Đúng vậy, thật quá nguy hiểm khi những cây xăng được thiết kế gần khu dân cư như ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, TP.Biên Hòa (Đồng Nai)... Vụ cháy là bài học sâu sắc trong việc cấp phép cho các cây xăng tồn tại ở các trung tâm, khu vực đông dân cư, lân cận bệnh viện... Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với lái xe và nhân viên thao tác hút xăng từ xe vào hầm xăng", bạn đọc Minh nhận định.
* Clip Nổ xe bồn xăng ở sân bay Mỹ |
>> Xem thêm: Đám đông cổ vũ 2 người leo mái nhà dập cháy nổ
Trần Hưng tổng hợp
Chia sẻ hình ảnh, video của bạn về cháy nổ tại đây.