Bao nhiêu thức ăn, nước uống đưa vào cơ thể mẹ đều nôn ra sạch. Mẹ phải nằm cấp cứu cả tháng ở bệnh viện. Mẹ ói ra máu, ra mật… đến lúc bác sĩ nói với bà ngoại nếu truyền dịch mà mẹ vẫn còn ói ra máu thì bắt buộc bác sĩ phải bỏ tôi để bảo toàn tính mạng cho mẹ, gia đình chuẩn bị tinh thần. Có lẽ tôi cảm nhận được điều đó. Sau lời của bác sĩ bàn tính với bà ngoại thì mẹ tôi ngừng ói, xuất viện và bắt đầu trở lại ăn uống bình thường.
Ngày mẹ tôi vượt cạn ngay thời điểm đất nước vừa thống nhất, phương tiện vật chất lẫn bác sĩ giỏi đều thiếu thốn. Mẹ không có dấu hiệu sinh nhưng lại vỡ nước ối. Trong phòng sinh, bác sĩ ra điều kiện với ngoại một là mổ bắt tôi, hai là bỏ tôi giữ tính mạng cho mẹ. Thời điểm khó khăn, mẹ cần ba tôi nhất thì ba lại miệt mài với công việc ở Cần Thơ. Bên cạnh hai mẹ con tôi lúc ấy chỉ có bà ngoại. Theo tâm lý của người già, nghe đến sinh mổ thì rất sợ nên ngoại chấp nhận con đường thứ hai bỏ tôi.
Theo lẽ tự nhiên, trẻ con mới sinh ra đều oa oa cất tiếng khóc chào đời, đó là niềm hạnh phúc của ba mẹ, hai bên nội ngoại. Tuy nhiên, tôi chào đời hoàn toàn không có tiếng khóc, bác sĩ dùng dụng cụ y khoa hút lôi đầu tôi ra, tim tôi ngưng đập. Có lẽ tất cả bác sĩ trên thế gian này đều làm việc với tất cả tấm lòng thương người, bằng cái tâm của người thầy thuốc. Khi đã bảo toàn được mạng sống cho mẹ, họ quay sang cứu sống tôi. Dù không có một loại thuốc đắt tiền, dụng cụ y khoa nào nhưng đôi bàn tay kỳ diệu của e kíp bác sĩ năm ấy đã ấn lên thân thể nhỏ bé, xoa bóp cơ thể tôi. Cả thân người tôi lạnh ngắt, tím tái rồi dần hồng hào lên. Tôi đã sống lại trong niềm vui sướng của mẹ và ngoại. Lần thứ nhất trong đời, tôi sống nhờ đôi tay của bác sĩ.
Từ khi xuất hiện trên thế gian này tôi “hành” mẹ cực khổ. Tôi đau ốm triền miên, hầu như tháng nào cũng vào nằm viện, đôi tay mẹ gầy guộc, thô ráp chăm sóc tôi từng li từng tí. Vì di chứng của sinh khó, chân tay tôi luôn run rẩy, yếu ớt nên tới tuổi cắp sách đến trường tôi vẫn chưa biết đi. Đôi tay mẹ ẵm, bồng tôi đến lớp từng ngày. Mẹ bảo tôi ốm yếu, vặn vẹo thế này nên học được gì thì học. Mẹ đưa tôi vào lớp một nhưng chưa từng dạy trước cho tôi biết chữ A, B, C, đọc và viết như thế nào. Mẹ tôi là giáo viên, tin tưởng đồng nghiệp nên giao hẳn tôi cho cô giáo lớp 1 - cô Đầm dạy trường Đông Quy ở thị xã Sa Đéc - tỉnh Đồng Tháp. Đến giờ, tôi vẫn không quên được đôi bàn tay ấm áp của cô nắm chặt bàn tôi tay run rẩy, nhỏ xíu tập cho tôi viết từng chữ một cách khó khăn. Vì run rẩy nên tôi cầm viết bằng tay trái. Tay phải tì vào tay trái cho dễ viết vậy mà những cơn run bất chợt đã văng cây bút xuống sàn không biết bao nhiêu lần. Lúc đó bàn tay cô nhặt bút lên, đặt vào lòng bàn tay tôi. Cô động viên tôi cố gắng. Đôi tay dịu dàng, ấm áp của cô đã hình thành trong tôi quyết tâm phải học, phải tập viết và viết thật đẹp.
Thời gian trôi đi, như nhờ phép màu nhiệm từ đôi tay yêu thương, chăm sóc của mẹ, tay tôi bớt run, đôi chân vững chảy hơn. Tôi đã đứng lên và đi được trên chính đôi chân mình. Nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa, biết chạy xe đạp đến trường tôi thèm lắm, ở nhà không ai ngăn cản nhưng chẳng ai ủng hộ tập cho tôi chạy xe đạp. Một con bé bướng bỉnh như tôi, người ta làm được thì tại sao mình không làm được? Tôi tự mình tập đạp xe, rồi tôi cũng chạy được nhưng không biết bóp thắng. Khi thấy lũ bạn trong xóm thả thuyền trên sông thích quá, tôi mon men đến xem lúc đang ngồi trên xe vì không bóp được thắng xe nên cả xe và người đều rơi tỏm xuống nước. Lần thứ hai trong đời, tôi được cứu sống nhờ đôi bàn tay sần sùi, thô ráp của cậu Ba. Khi đang tưới hoa kiểng trước sân nhà, cậu nghe tiếng kêu cứu từ đám bạn tôi.
Tôi sống, làm việc được đến ngày hôm nay là nhờ những đôi tay kỳ diệu của bác sĩ, của mẹ, của cô giáo và cậu Ba. Tôi không biết mặt những bác sĩ đỡ đẻ tôi nên không có dịp cảm ơn. Tôi cũng quay lại tìm cô giáo lớp một mấy lần nhưng cô đã dọn nhà đi xa. Cô ơi, con bé Trang ngày xưa - học trò đặc biệt, nay đã thành đồng nghiệp của cô. Buồn nhất là cậu Ba, người cứu mạng tôi đã mất vì căn bệnh ung thư. Tôi muốn tri ân những đôi bàn tay kỳ diệu ấy đã giúp tôi trưởng thành.
Điều may mắn tôi tận hưởng đến tận bây giờ là đôi bàn tay của mẹ luôn xoa đầu, an ủi, vỗ về mỗi khi tôi gặp những trắc trở trong cuộc sống. Con yêu đôi bàn tay mẹ lắm mẹ ơi!
Trần Thùy Trang
Từ ngày 19/8 đến 30/9, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Những đôi tay kỳ diệu" do VnExpress cùng Green Cross phối hợp tổ chức. Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 500-1.000 từ, kể về những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng thông qua hình tượng đôi tay. Xem thể lệ chi tiết tại đây Gửi bài tham dự theo địa chỉ media@vnexpress.net hoặc tại đây |