Tôi muốn so sánh như vậy để thấy rằng việc nuôi dạy con cái cũng đòi hỏi rất nghiêm túc, phải có phương pháp, mục đích và kế hoạch rõ ràng. Sau một thời gian tham gia các khóa học khác nhau tại Canada, đọc các cuốn sách về nuôi dạy con cái, cùng với sự quan sát cách nuôi dạy con của người Canada, với những sáng tạo và thử nghiệm trong cách nuôi dạy con, tới nay tôi nghĩ đã tìm ra được một số phương pháp nuôi dạy con mà tôi cho là khá hiệu quả cũng như định hình ra quan điểm và kế hoạch rõ ràng trong việc nuôi dạy con cái.
Ban đầu tôi không muốn viết về vấn đề này, vì con đường hướng tới vẫn còn dài và nhiều việc cần phải làm. Nhưng tôi nghĩ cần chia sẻ với nhiều người khác để có thể biết thêm những phương pháp và quan điểm nuôi dạy con mới cần học tập, đồng thời để nhắc nhở mình tuân thủ theo những kế hoạch đã đặt ra.
Có hai vấn đề có lẽ nhiều bố mẹ quan tâm đó là vai trò của bố mẹ đối với sự thành đạt của con cái và cách nuôi dạy con cái như thế nào.
Về vấn đề thứ nhất, tôi cho rằng sự thành đạt của con cái có vai trò quyết định bởi bố mẹ. Bởi vì thời gian mà con cái sống và tiếp xúc với cha mẹ là một quãng thời gian dài, liên tục, nên ảnh hưởng của cha mẹ tới con cái lớn hơn nhiều các yếu tố khác. Hơn nữa cha mẹ là người có thể chọn môi trường sống, môi trường học tập cho con cái. Do vậy, việc con cái sau này ra sao đóng vai trò quyết định bởi cha mẹ, chứ không nên đổ lỗi cho các yếu tố khách quan khác.
Điều này đã được chứng minh bằng thực tế với sự thành công của người Do Thái trên thế giới. Dù sống ở bất cứ quốc gia nào, chế độ chính trị và môi trường xã hội ra sao thì người Do Thái vẫn chiếm tỷ lệ cao về thành đạt trong các lĩnh vực khác nhau từ kinh tế đến khoa học. Có được điều này là do sự tác động rất lớn từ gia đình đối với con cái chứ không phải họ sinh ra đã là những người thông minh hơn những người khác.
Về việc truyền đạt kiến thức cho trẻ nhỏ thì có nhiều bậc phụ huynh cho rằng đây là trách nhiệm của nhà trường. Nhưng đối với tôi, những kiến thức cần thiết cho cuộc sống cũng như để thành đạt lại phải đến từ sự truyền đạt từ bố mẹ. Bởi nhà trường chỉ có thể truyền đạt những kiến thức cơ bản và còn thiếu rất nhiều những kiến thức cần thiết khác, đồng thời nhiều kiến thức đó lại ít được áp dụng vào thực tế. Điều này có nghĩa là bố mẹ phải đóng vai trò một người thầy quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức cho con cái, cũng như hướng dẫn con cái áp dụng những kiến thức học được vào cuộc sống thực tiễn hàng ngày. Nhưng một vấn đề khác cần phải bàn tiếp theo là vậy cần dạy con những gì?
Theo tôi tùy thuộc từng điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình và sự mong muốn của bố mẹ đối với con cái mà đưa ra từng phương pháp và kiến thức cần dạy cho con cái khác nhau. Cá nhân tôi thì thứ tự ưu tiên được xắp xếp như sau:
Dạy con biết chăm chỉ làm việc và học tập
Đây là điều đầu tiên tôi muốn dạy con tôi. Vì có thể một đứa con không thông minh, không học giỏi, nhưng bù lại có sự chăm chỉ thì vẫn có thể tồn tại và vươn lên được.
Và đây là điều mà bố mẹ nào cũng có thể dạy con được. Một con người muốn thành công thì càng không thể thiếu sự chăm chỉ, bởi kiến thức cũng như sự thành công là một quá trình tích lũy từ từ, lâu dài. "Con đường dẫn tới sự thành công không có dấu chân của những kẻ lười biếng".
Với lứa tuổi hiện tại (hai tuổi và ba tuổi) của con tôi thì tôi đang dạy theo hướng vừa chơi vừa học, vừa chơi vừa làm. Cho con làm cùng bố mẹ các việc đơn giản, như cho quần áo vào máy giặt, mang đồ nhẹ cho bố mẹ khi đi siêu thị, hoặc cùng con chơi các trò chơi về đếm và đánh vần. Tôi luôn hướng cho hai đứa trẻ yêu thích sách, tầng nào của ngôi nhà cũng rất nhiều sách các loại. Hàng ngày tôi mang một tới vài quyển sách rồi chỉ cho con học các đồ vật, chữ, số... chính vì vậy bước đầu đã tạo ra thói quen yêu thích sách vở cho trẻ và truyền đạt những kiến thức nhất định cho chúng.
Vài tháng trước cô giáo dạy đứa bé hai tuổi nhà tôi rất ngạc nhiên và thông báo cho tôi là con tôi biết có thể biết hết bảng chữ cái, biết đánh vần và nhận biết nhiều từ trong sách, cũng như có khả năng đếm hiểu tới 20 (ví dụ đếm đồ vật cụ thể trong nhà, mà không phải chỉ biết mặt số và đếm vẹt) mà ở trường không hề dạy và các bạn cũng lớp cũng chưa biết. Tôi nói với cô rằng đấy là do chúng tôi dạy con trong một quá trình dài, liên tục chứ không phải cháu là thông minh xuất chúng, có thể tự học những thứ này. Kể từ khi biết như vậy, thi thoảng cô giáo lại mang sách ra đọc và dạy riêng cho hai đứa nhà tôi, khi biết chúng thích chơi với những quyển sách và hiểu những kiến thức trong đó.
Có hai thứ tôi muốn dạy con biết càng sớm càng tốt, đó là toán học cơ bản, cụ thể là cộng, trừ, nhân chia để có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày và biết đọc. Việc biết đọc là cánh cửa để trẻ bước vào thế giới của tri thức. Tôi thích cách dạy con của một nhà hàng xóm gần nhà. Khi ngày nào người cha cũng cùng hai đứa con dành từ một tới hai tiếng đồng hồ đọc các quyển sách khác nhau rồi trao đổi những kiến thức thu nhận từ quyển sách đó.
Dạy con về tính kỷ luật
Có thể dễ dàng nhận thấy người Đức là một dân tộc có tính kỷ luật rất cao. Do vậy, họ tạo ra những khác biệt với dân tộc khác ở sự đơn giản và hiệu quả. Có rất nhiều những chỉ dẫn tốt đẹp xung quanh ta mà nếu áp dụng một cách nghiêm túc, có kỷ luật vào cuộc sống sẽ làm cho cuộc sống trở nên khác biệt. Như viết nhật ký hàng ngày, lên kế hoạch làm việc mỗi buổi tối, đi ngủ sớm, làm việc đúng giờ...
Tuy nhiên, đây là kỹ năng khó dạy nhất đối với con cái. Bởi muốn dạy được con thì bản thân bố mẹ phải làm được điều đó. Chúng ta không thể dạy con cái biết ngăn nắp, gọn gàng khi mà bản thân chúng ta sống bừa bộn, luộm thuộm. Nhưng con người thường có xu hướng lười biếng, ngại thay đổi, muốn người khác làm nhưng mình không phải làm. Do vậy, để dạy con tính kỷ luật thì bản thân vợ chồng tôi cũng phải thay đổi để tạo ra môi trường tốt, tấm gương tốt cho con học theo.
Dạy con cách kiếm tiền
Một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng bậc nhất của con người là biết cách kiếm tiền. Do vậy, tôi muốn dạy con kỹ năng này càng sớm càng tốt. Với lứa tuổi nhỏ hiện tại thì tôi đang dạy con nhận biết về giá trị của đồng tiền. Hiện tại, bọn trẻ biết rằng có tiền mới mua được các thứ khác. Nếu như trước đây, khi đi chơi chúng rất hay đòi mua thứ này thứ khác. Nhưng khi tôi nói là hết tiền rồi, thì chúng hiểu rằng là không thể mua được và không đòi mua nữa.
Tôi cũng đã dạy chúng phải biết lựa chọn với sự giới hạn của tiền bạc. Ví dụ khi đi siêu thị, cho cậu con trai đầu một USD, và cho con biết chỉ có thể chọn một thứ một là mua kẹo, hai là chơi trò chơi. Điều này buộc trẻ phải đắn đo suy nghĩ khi lựa chọn cái gì cần thiết hơn. Cậu lớn cũng đã phân biệt được tất cả các loại tiền xu, chủ yếu dựa vào hình dáng và hình vẽ trên tiền. Tôi cũng đang dạy con sử dụng tiền bằng cách chơi các trò chơi về mua bán hàng. Xa hơn thì tôi muốn dạy con biết tính tiền và trả tiền khi chúng đã hiểu được việc cộng trừ, và so sánh giá cả các sản phẩm khi đi siêu thị cùng bố mẹ.
Những kiến thức về tiền bạc thì trẻ con cũng bắt đầu được học ở nhà trường từ khi lên 4 tuổi và đến giai đoạn học cấp 1,2 thì nhà trường cũng có yêu cầu về ngoại khóa để cho trẻ làm quen với các kỹ năng tiếp thị, bán hàng như cho học sinh một số lượng kẹo nhất định, cần phải bán để kiếm được tiền, dùng tiền đó để quyên góp. Tôi thường hay mua cho mấy đứa trẻ hàng xóm và chỉ cho con tôi biết các anh lớn hơn đang làm công việc đi bán hàng để kiếm tiền.
Một trong những cách kiếm tiền là dùng sức lao động. Bọn trẻ có thời gian nghỉ hè dài, đó là thời gian có thể học những thứ chúng thích nhưng là thời gian tốt để tìm việc gì đó làm, có thể làm hoặc cùng bố mẹ. Tôi thích một cậu hàng xóm học cấp hai, rất hay đưa ra đề nghị với tôi như: Cháu sẽ xúc tuyết cho nhà chú và chú trả cháu 10 USD nhé, hoặc cháu cắt cỏ cho nhà cháu và chú trả cháu 5 USD.
Lên tới cấp ba thì khá nhiều đứa trẻ ở Canada đã có ý thích sống độc lập và chính phủ cũng cho phép những người trẻ từ 14 tuổi có thể bắt đầu đi làm. Nhiều đứa vừa làm vừa học và có thể đi làm kiếm tiền rồi sau đó mới quay trở lại học đại học và cao đẳng. Tuy rằng tôi không muốn sự học hành của con bị gián đoạn sau này, nhưng tối thiểu vẫn phải yêu cầu con đi làm vào thời gian nghỉ hè từ khi lên cấp ba, để chúng hiểu giá trị của sức lao động và trân trọng những đồng tiền kiếm được.
Cách kiếm tiền tiếp theo là mở các hoạt động kinh doanh nhỏ. Khi các cháu lên cấp hai. Tôi cũng có kế hoạch dành một khoản tiền hàng năm để cho bọn trẻ thực hiện những hoạt động kinh doanh nhỏ nhỏ và chắc chắn bố mẹ phải tham gia cùng bọn trẻ, hướng dẫn và giúp đỡ chúng. Đây là khoản tiền có thể chấp nhận mất đi và coi như học phí để học về kinh doanh. Đây cũng là cách mà gia đình hàng xóm hướng dẫn hai đứa con của họ làm, như bán nước uống cho người đi xem ca nhạc gần nhà...
Chính phủ cũng có chương trình hỗ trợ cho những đứa trẻ bắt đầu từ cấp ba nếu yêu thích kinh doanh, chỉ cần trình kế hoạch kinh doanh rõ ràng, sau khi được duyệt, thì có thể cấp một khoản tiền nhất định cho việc kinh doanh và hàng năm sẽ cấp số tiền tăng dần lên nếu việc kinh doanh đó có hiệu quả. Đây cũng là cách có lẽ tôi cũng sẽ áp dụng cho con tôi, nếu con tôi thích kinh doanh. Tất nhiên bản thân tôi cũng buộc phải chuẩn bị những kiến thức kinh doanh cụ thể tại Canada thì mới có thể giúp đỡ và hướng dẫn con thực hiện kinh doanh được.
Dạy con biết yêu khoa học, công nghệ
Rất khó có thể biết được đứa con mình sau này sẽ yêu thích làm việc trong lĩnh vực nào, chính trị, kinh tế, nghệ thuật hay khoa học. Tuy nhiên với lĩnh vực nào đi chăng nữa thì việc áp dụng khoa học, công nghệ vào đều cần thiết để nâng cao năng suất lao động. Tôi vẫn định hướng sẽ phải dạy con biết những thứ căn bản về công nghệ thông tin, và nếu bọn trẻ yêu thích thì sẽ dạy sâu hơn về lập trình, vì đây vẫn là những mảnh đất còn nhiều tiềm năng cho sự sáng tạo.
Đồng thời tôi nghĩ cũng cần cho con cái tham gia vào các câu lạc bộ liên quan tới việc khám phá khoa học công nghệ như lắp đặt và chế tạo robot, hay các thực tập thí nghiệm về công nghệ sinh học. Hiện tại, để tăng cường khả năng khám phá thế giới cho các con, tôi hay chơi trò chơi với chúng và hỏi tại sao? Tôi rất khuyến khích con tôi đặt câu hỏi và không ngại trả lời lặp đi lặp lại rất nhiều lần.
Một số câu mà con tôi hỏi như:
Hỏi: Daddy, tại sao con chim lại biết bay? Trả lời: Vì nó có đôi cánh.
Hỏi: Tại sao mọi người đi được? Trả lời: Vì có đôi chân.
Hỏi: Tại sao con cá biết bơi? Trả lời: vì nó cái vây, và không có chân để đi.
Hỏi: Tại sao con giun lại không có chân? Trả lời: Vì nó thích đi bằng cách trườn trườn.
Cũng nhiều khi con tôi hỏi những câu hỏi mà phải suy nghĩ khá lâu mới trả lời được vì phải đảm bảo đúng logic khoa học, đồng thời lại cho một đứa trẻ lên ba có thể hiểu được. Chẳng hạn, "Tại sao tuyết lại lạnh?", "Tại sao con giun lại không có răng"...
Tôi cũng khám phá ra rằng: dù nhỏ tuổi nhưng khi đứa trẻ hiểu được những kiến thức khoa học logic thì nó cũng rất dễ áp dụng vào thực tế và có sự so sánh liên tưởng. Ví dụ khi tôi hỏi lại: Thế đố con, con vịt có đi được không? Con trả lời: Có, vì nó có chân. Bố hỏi: Thế nó có bay được không? Con trả lời: Có, vì nó có cánh.
Dạy con có ước mơ và thực hiện ước mơ đó
Để trở thành người thành đạt thì cần có ước mơ làm một điều gì đó có ý nghĩa và quyết tâm thực hiện ước mơ đó. Để ước mơ đó thành hiện thực thường lại phải đảm bảo các yếu tố phù hợp với sở thích, có tính khả thi. Không phải ai cũng tìm ra cho mình được điều này, và khi tìm được cũng không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện nó. Bản thân tôi cũng phải có thời gian dài mới định hình cho mình được một mục tiêu theo đuổi rõ ràng ngoài những thứ hàng ngày như cơm áo gạo tiền. Tôi cũng mong muốn con cái sau này sẽ có những ước mơ và mục đích theo đuổi rõ ràng.
Hiện tại, tôi cũng chỉ đơn giản dạy cháu những thứ đơn giản để cháu biết như ai làm nghề gì. Ví dụ như bác sĩ là chữa bệnh cho bệnh nhân, phi công thì lái máy bay và hay hỏi cháu thích làm nghề gì. Trong tương lai tôi muốn cho các cháu sẽ tìm hiểu kỹ hơn về từng nghành nghề để quan sát xem các cháu có sở thích và năng khiếu về lĩnh vực gì đề giúp cháu định hướng nghề nghiệp và khám phá những điều muốn làm.
Trên đây là tất cả những kiến thức và kỹ năng mà tôi đã và sẽ dạy con. Có rất nhiều kiến thức và kỹ năng thiết thực khác những đứa trẻ cần được học. Nhưng tôi biết sẽ không đủ thời gian, kiến thức để dạy hết mọi thứ trên đời. Những thứ khác cần thiết sẽ phụ thuộc vào nhà trường hoặc sẽ chọn cho con một số khóa học ngoại khóa để học.
Từ khi gắn cho mình một trọng trách dạy con cái với trách nhiệm của một người thầy, tôi thấy mình không có nhiều thời gian rảnh nữa, bởi tôi vừa phải đi làm, vừa thực hiện những ước mơ của mình, và vừa phải thực hiện dạy con theo kế hoạch đã định. Tuy thực sự bận rộn, nhưng bù lại mọi việc dường như đang tiến triển theo như mình mong muốn, đó là điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc.
Peter Nguyễn