Cộng đồng đang xôn xao câu chuyện đôi nam nữ yêu nhau 6 năm, cưới nhau mới 10 ngày đã ly hôn vì thùng tiền mừng cưới. Sau 4 lần hòa giải không thành, cuối cùng, tòa đã chấp nhận "giải thoát" cho cuộc hôn nhân đó.
Tôi nghĩ, thùng tiền mừng cưới chắc chắn không phải nguyên nhân mà đó là hệ quả của vấn đề. Bởi hai anh chị này chưa bao giờ thống nhất và đồng cảm với nhau về tiền bạc.
Chàng trai cố “chịu đấm” suốt 6 năm yêu nhau khi phải móc hầu bao trả “tình phí” dù lòng hậm hực. Trong khi cô gái thì lại tin rằng đó là trách nhiệm mặc định của người yêu (sau này là chồng mình), đã là con trai thì phải làm cho con gái vui bằng cách cung phụng tiền bạc.
Người ta nói "Gieo nhân nào gặt quả đó", khi có tiền chung, họ không biết xử lý như thế nào để cả hai cùng hài lòng. Vậy là dắt nhau ra tòa ly hôn.
Hàng nghìn người đọc đều chung quan điểm phê phán sự non nớt về cách xử sự của hai người. Nhưng không ai nhận ra đó là hệ quả tất yếu của một vấn đề khác: "Niền tin về tiền bạc" của đôi trai gái.
Niềm tin về tiền bạc này được hiểu là quan niệm về cách người ta tiêu tiền, xử sự với đồng tiền. Điều này có thể do họ học từ cha mẹ, anh chị và những người xung quanh họ. Quá trình này lâu dài trở thành thói quen và rất khó thay đổi.
Do vậy, cả cô gái và chàng trai đều cho rằng mình đã hành động đúng trong trường hợp này. Nhưng họ đâu biết rằng suy nghĩ chủ quan của mình có thể đúng, có thể sai, có thể phù hợp hoặc không, bất chấp học vấn, nghề nghiệp, địa vị, tuổi tác của họ.
Còn vị quan tòa ở đây thì kiêm thêm vai trò một "bác sĩ”, cố cứu chữa cuộc hôn nhân bên bờ tan vỡ. Nhưng rất tiếc những nỗ lực của ông đã bất thành. Dù ông đã thực sự cố gắng và tận tâm, nhưng vẫn không tìm ra “phương thuốc” nào hữu hiệu.
Thực ra vấn đề ở đây là “bác sĩ” đã chữa ở phần ngọn - tức là cố giải quyết trạng thái mâu thuẫn về tiền bạc của đương sự, mà quên không giải quyết ở gốc rễ vấn đề.
Vị quan tòa trong trường hợp này không nhận thấy những khác biệt trong tâm thức của hai người về tiền bạc. Cái này nằm ngoài khả năng và quyền hạn của "bác sĩ" - quan tòa. Nếu chỉ xử lý tình trạng mâu thuẫn này thì không thể nào dứt điểm được, bởi đôi nam nữ này có sự khác biệt quá lớn.
Để hóa giải mâu thuẫn từ thùng tiền mừng cưới, tôi nghĩ nên khuyên đôi nam nữ cùng tìm “chuyên gia” giỏi về tài chính cá nhân để giúp mình hiểu đúng về ý nghĩa của đồng tiền và cách tiêu tiền. Khi họ đủ kiến thức về tài chính cá nhân, chắc chắn sẽ tự giải quyết được mâu thuẫn.
Đây cũng là bài học sâu sắc cho những người đang yêu và tìm hiểu. Để tiến xa hơn, trở thành vợ chồng thì cần thẳng thắng và tìm hiểu kỹ về cách sống cũng như quan niệm về tiền bạc. Để cả hai tìm ra tiếng nói chung.
>> Xem thêm: Phụ nữ nên là người giữ tiền trong nhà.
Chia sẻ bài viết về hôn nhân gia đình của bạn tại đây.