Là một giám đốc doanh nghiệp vừa và nhỏ đã 15 năm, tôi cảm nhận việc thưởng tết cho nhân viên của mình là một nét văn hóa mang phong vị của người Việt.
Tôi nghĩ nhiều tới về vấn đề thưởng tết. Đứng trên góc nhìn của nhân viên, tôi cho rằng nếu không có thưởng tết thì họ sẽ rất buồn, bởi ai cũng cần phải sắm sửa cho gia đình, con cái một cái tết vui vẻ.
Tết nhất ít ra nhà nào cũng phải có bánh chưng, có áo mới, có bao lì xì, chưa kể phải đi thăm cha mẹ hay đi chùa, tất cả đều cần phải có tiền…Đối với những công nhân đi làm xa, họ còn phải lo một khoản chi phí lớn đó là tiền tàu xe về quê ăn tết bằng cả vài tháng lương.
Bản thân tôi và gia đình cũng giống như các nhân viên khác, chúng tôi cũng cần có tết. Nếu nói nhân viên tiết kiệm tiền lương hàng tháng để dành cho dịp tết thì sẽ không ai đồng ý, còn nếu tăng lương cho họ và nói rằng đó là phần thưởng tết thì đến cuối năm họ sẽ rất buồn. Vì vậy, cần phải có mức thưởng tết xứng đáng cho người lao động.
Đứng trên góc nhìn của người chủ doanh nghiệp, rõ ràng thưởng tết là chi phí lớn, chiếm đến 8,3 % chi phí nhân công của công ty một năm với mức thưởng một tháng lương. Những doanh nghiệp có tỷ lệ tiền lương trong giá thành sản phẩm ở mức cao thì thưởng tết có thể làm đội giá thành sản phẩm lên rất nhiều.
Với những doanh nghiệp làm ăn có lãi, thưởng tết là chuyện đương nhiên, nhưng đối với doanh nghiệp thua lỗ, quả thật đó là gánh nặng.
Áp lực tết đối với doanh nghiệp là có thật nhưng nó cũng như những áp lực khác khi làm chủ doanh nghiệp mà thôi. Vì vậy, thưởng tết là điều tất yếu mà những ông chủ doanh nghiệp phải vượt qua, giống như việc phải vượt qua áp lực của vấn đề lỗ lãi, nợ nần, phá sản hay tạm ngưng hoạt động do không có đơn hàng...
Mười lăm năm nay, doanh nghiệp của tôi vẫn phải thưởng tết cho dù kinh doanh lãi hay lỗ, có năm thậm chí phải vay ngân hàng để thưởng tết. Nhưng thưởng tết là điều không thể thiếu trong doanh nghiệp ở Việt Nam.
>> Xem thêm: Phong tục ngày tết của người Việt
Chia sẻ bài viết của bạn về lương, thưởng tết tại đây.