Mấy hôm nay dư luận bàn tán rôm rả về câu chuyện thịt chó, nên ăn hay không ăn? Người thì đòi tiếp cận vấn đề với góc độ văn hóa, rằng từ xưa người Việt chưa hề xem chó là thú cưng trong nhà, thịt chó là món ăn quen thuộc của người Việt, nó cũng góp mặt trong các tác phẩm văn học như "Trẻ con không được ăn thịt chó" của nhà văn Nam Cao...
Vậy nay tôi xin cung cấp với các bạn vài thông tin về thịt chó dưới góc độ cổ luật, xem tổ tiên ta đã quy định thế nào về chó:
Đầu tiên, bộ Hoàng Việt Luật lệ (luật Gia Long) của triều Nguyễn quy định về tội trộm cắp súc vật, trong đó có trộm chó ở điều 239 mang tên Đạo mã ngưu súc sản (ăn trộm ngựa trâu súc sản): "Phàm ăn trộm ngựa, trâu, heo, dê, gà, chó, ngỗng, vịt thì tính giá trị ấy làm tang vật. Trường hợp này chia làm hai hạng là nhân dân và tại quan mà buộc tội".
Về việc giết hại chó, sách Hồng Đức thiện chính thư (đời Lê sơ) có chép lệ nếu giết chó mà không xin phép, sẽ bị phạt vạ như sau: "Trâu cày và chó giữ nhà, đều thấy ở sách cổ là những vật có công với đời, không nên sát hại. Đến như chó là giống giữ nhà, để phòng trộm cướp đêm vào, nếu không xin phép với quan nha mà giết đi còn bị khép vào tội, huống chi vô cớ giết ngầm. Kẻ giết chó chết, là bản chí định giết trước, rồi sau mới vào ăn trộm trong nhà đó. Vậy phải bắt phạt kẻ giết ba mươi quan tiền đền cho chủ nhà, lại truy tiền đền mạng chó một quan năm tiền".
Như vậy, có thể thấy tổ tiên ta đã có quy định về việc trộm chó và lén lút giết chó từ sớm. Người Việt có thể không xem chó là thú cưng như người phương tây, nhưng tầm quan trọng của nó rất cao bởi chó giúp gia chủ giữ nhà, đề phòng kẻ trộm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
>>Xem thêm: Hà Nội muốn người dân bỏ thói quen ăn thịt chó là hợp lý?