Vào một buổi sáng sớm trên đường đi làm, khi chạy đến đường Phan Thúc Duyện (TP HCM) tôi thấy bên đường có một người đàn ông khoảng 35 tuổi đang ôm một cụ già (đầu quấn khăn, giống hệt bà ngoại tôi). Kế bên anh ta là mấy giỏ đồ lỉnh kỉnh.
Tôi quay xe lại hỏi người đàn ông tại sao sáng sớm lại ngồi đây, anh ta nói mẹ anh vừa nằm bệnh viện, bây giờ xuất viện không còn tiền để về quê, dù quê anh ta ở Vĩnh Long, rất gần với TP HCM.
Hoàn cảnh hai mẹ con anh ta thật đáng thương, lúc ấy trong túi tôi chỉ còn 250.000 đồng, tôi liền đưa anh ta 200.000 đồng và chỉ giữ lại 50.000 đồng phòng khi xe hư. Tôi còn ngỏ ý chở hai mẹ con ra bến xe buýt để đón xe về bến xe Miền Tây nhưng họ từ chối.
Dù chẳng giúp gì nhiều nhưng tôi cảm thấy rất vui vì mình đã làm một việc tốt, ít ra lòng tôi cũng thấy nhẹ nhõm trước những hoàn cảnh như vậy. Việc này tôi cũng quên ngay sau đó.
Khoảng nửa tháng sau, khi đi trên đường Phổ Quang, tôi lại thấy chính hai mẹ con người đàn ông ấy đang ôm nhau với vẻ mặt rầu rĩ trông rất khổ sở. Lúc ấy tôi đã hiểu ra đó chính là mánh khóe lừa đảo của họ, tôi tự hứa với lòng từ nay về sau không giúp ai nữa.
Tuy tự dặn lòng vậy nhưng sau đó tôi vẫn tiếp tục ăn phải quả lừa cùng thủ đoạn ấy. Buổi tối hôm trước, ông xã tôi đi nhậu về khá trễ (khoảng 12h khuya mới về). Tôi ra mở cổng, trả tiền taxi cho chồng thì thấy một cô giái khoảng 16 tuổi đi tới, cô bé năn nỉ tôi giúp đỡ vì cô đã cùng đường.
Cô bé nói nhà cô ở Bình Dương, trong lúc lên TP HCM có công chuyện thì bị cướp mất xe, tiền cũng mất sạch nên không thể về quê được. Cô bé khóc lóc rất thảm thiết kèm theo đó là sự hoảng hốt trên khuôn mặt của cô bé vị thành niên.
Tôi mủi lòng vì thấy hoàn cảnh cô bé rất tội nên tôi đưa hết cho cô bé 50.000 đồng mà anh taxi vừa thối lại (về Bình Dương chỉ tốn 20.000 đồng là cùng). Tôi không hề nghĩ rằng một cô bé mới 16 tuổi lại có thể giờ trò lừa đảo chuyên nghiệp đến vậy.
Ba ngày sau, tôi lại thấy cô gái đó lảng vảng gần xóm nhà tôi. Tôi kể cho mấy người hàng xóm nghe thì họ nói cô bé ấy ở phường bên cạnh, thường xuyên qua xóm tôi đánh bài, mỗi lúc hết tiền thì lại giả nghèo khổ để xin tiền những người có lòng thương người.
Tôi vốn là người dễ mủi lòng với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, dù đã nghe báo, đài nói nhiều về chuyện lừa đảo nhưng tôi vẫn tin rằng xã hội vẫn có những người khổ sở thật sự chứ không phải ai cũng đem chuyện nghèo đói, vất vả ra để lừa người khác.
Tuy nhiên những hy vọng trong tôi cứ tắt dần sau khi gặp những câu chuyện lừa đảo trắng trợn.
Qua hai câu chuyện này, tôi thấy không còn có thể tin ai được nữa. Dù không muốn đánh đồng với bất cứ ai nhưng những chuyện lừa đảo như vậy xảy ra khá nhiều, chúng ta không thể biết đâu là thật, đâu là giả. Thật sự tôi thấy quá thất vọng về nhân cách của một số người.
>> Xem thêm: Cú lừa ngoạn mục của cụ già 70 tuổi xin tiền về quê
Chia sẻ bài viết, hình ảnh, video của bạn về các trò lừa đảo xin tiền tại đây.