Tôi có một cháu học lớp 3. Một hôm đi học về, cháu háo hức đưa cho tôi tờ giấy mời họp phụ huynh, đồng thời, cháu nhắn nhủ rằng "ba nhớ đi họp và cầm theo 4,5 triệu đồng". Tôi nghĩ chắc là cô giáo đã nhắc nhở các cháu về báo lại với phụ huynh như vậy.
Tôi thực sự mong mỏi và chờ đợi ngày đi họp cho cháu. Tôi háo hức không chỉ vì tôi rất yêu con, mà còn vì một lý do khác, đó là thông qua cuộc họp lần này, tôi mong muốn được nghe cô giáo của cháu cũng như những phụ huynh khác bàn về sự đổi thay trong việc dạy và học của các cháu.
Tôi mong ý tưởng "không chấm điểm đối với học sinh tiểu học" được áp dụng nhằm giảm bớt áp lực cho các cháu. Có thể nói, đây là ý tưởng rất hay mà Bộ Giáo dục vừa đưa ra. Tuy nhiên, tôi đã thất vọng khi chứng kiến những gì diễn ra trong cuộc họp phụ huynh.
Như mọi lần họp khác, cô giáo đọc rất nhanh kết quả học tập chung của lớp, nhận xét qua quýt từng cháu, chủ yếu là bàn về chữ đẹp chữ xấu, nhận xét về những bé hiếu động, thích vẽ nên không chịu học bài... Sau đó, cô đề cập đến học phí và huy động tất cả phụ huynh ký vào bản cam kết các khoản đóng góp tự nguyện.
Tại cuộc họp, cô tâm sự: "Tôi và nhiều thầy cô khác rất bức xúc việc không cho chấm điểm, chúng tôi không biết làm thế nào, không biết họ nghĩ gì mà lại làm như vậy?". Nghe những lời ấy, tôi rất thất vọng. Đến đây, tôi mới hiểu hoá ra chính sách trên chưa được triển khai một cách tử tế, đầy đủ.
Cô giáo gần như chưa hiểu gì, chưa biết gì về cái hay, cái tốt của chính sách này. Tuổi các con đâu cần phải học trình diễn slide với đầy hình ảnh vô cảm mà cô bảo "từ khi các con có slide, các con không cần phải sưu tầm tranh ảnh, đồ vật nữa", các con có cần những phép cộng, trừ nhân chia phức tạp mà nếu làm đúng là cô cho 10 điểm tròn trĩnh? Các con có cần phải nhồi nhét đủ thứ tiếng Tây, tiếng Tàu trong khi tiếng mẹ đẻ con còn bập bẹ?
Học sinh tiểu học chỉ có tuổi đời từ 6 đến 11, đây là tuổi mà các con cần vận động, học ngôn ngữ đơn giản nhưng gần gũi, cần khơi dạy trí tưởng tượng, cần động viên, khen ngợi, khích lệ tạo sự hứng thú của các con.
Chúng ta cần dạy các con cách tiếp xúc, tìm hiểu những thứ xung quanh qua những bài học ngoại khoá, trò chơi tập thể, truyền cho con tình thương yêu đồng loại, chia sẻ... và như vậy thì cần gì phải chấm điểm.
Nhiều nhà khoa học đã nhận định, lứa tuổi của các con là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của vỏ não nên cần tận dụng các bài học để khơi dạy chứ không phải học thuộc lòng, giải toán khó, làm văn mẫu...
Việc các con sợ học, ngại đến trường, ghét thầy cô giáo và tìm đủ mọi lý do để không phải đi học không phải là hiện tượng hiếm có hiện nay. Và như vậy đòi hỏi thầy cô giáo trước tiên phải có kỹ năng giảng dạy, công tâm và yêu con trẻ.
Tôi không trách cô giáo của con tôi, nhưng có lẽ qua đây mới thấy còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi thấy có một việc rất quan trọng, mỗi khi cải cách cái gì đó, Bộ Giáo dục nên cải cách từ đội ngũ thầy cô giáo bởi người ta luôn quan niệm: "Một nền giáo dục không thể vượt qua được trình độ của đội ngũ giảng dạy".
>> Xem thêm: 'Học sinh không phải là chuột bạch thí nghiệm'
Chia sẻ bài viết của bạn về cách giáo dục trẻ tại đây.