Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress về những điều liên quan đến đèn vàng giao thông.
Ngày xưa, tôi có một ông sếp là kỹ sư đã già. Tính ông ấy rất cẩn thận và tỉ mỉ. Một lần ông nhận giấy phạt vượt đèn đỏ, tức quá nên ông xin xem bằng chứng là video ở ngã tư. Hóa ra ông chạy đèn vàng nhưng không kịp, lúc đèn đỏ thì đuôi chiếc xe bán tải của ông vẫn còn trong khoảng ngã tư. Ông đành ngậm ngùi đóng tiền phạt.
Đèn vàng là một phần của đèn giao thông, nhưng nó ít khi được nhắc tới. Tuy vậy, đèn vàng rất quan trọng trong điều tiết giao thông. Không có đèn vàng, có lẽ xe cộ sẽ thường xuyên tông nhau ở mọi ngã tư.
Đèn vàng thì ở đâu cũng giống nhau và nguyên tắc hoạt động giống nhau. Ở Mỹ cũng như ở Australia, hai đất nước tôi đã từng sinh sống và chạy xe, cách tuân hiệu lệnh đèn vàng được giải thích rất đơn giản "khi đèn vàng, hãy chuẩn bị để tuân theo hiệu lệnh tiếp theo".
Nếu bạn đang tới một ngã tư và bạn đang đi thẳng, thì đèn vàng nghĩa là sắp có đèn đỏ, bạn cần phải dừng. Tuy vậy, nếu bạn đã ở gần ngã tư thì bạn có quyền chạy tiếp, vì dừng lúc này sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc kẹt ở giữa ngã tư và gây ra tai nạn.
Luật Mỹ đối với việc đèn vàng hay đèn đỏ rất đơn giản: khi bạn chạy qua ngã tư mà đèn trở nên đỏ trong khi xe của bạn vẫn còn trong ngã tư thì sẽ bị phạt (cả xe bắt buộc phải ra khỏi ngã tư, nếu còn phần đuôi xe trong ngã tư thì cũng bị phạt). Nói cách khác, đèn vàng là khoảng thời gian "bù giờ hiệp hai".
Qui định này tất nhiên là có kèm theo một điều khoản khác: khi bạn chạy đèn vàng thì không được quá tốc độ tối đa của đoạn đường. Vì vậy, bạn tăng tốc quá mức cho phép để chạy đèn vàng thì bạn có khả năng bị phạt vì quá tốc độ. Nói tóm lại, chạy đèn vàng cũng giống như một pha đặt cược không đáng có.
>> Video: Hai xe máy vượt đèn đỏ tông nhau, 3 người văng lộn nhào
Bản thân tôi cũng đã "tham gia" một vụ chạy đèn vàng gây hậu quả. Hôm đấy tôi lái chiếc xe cũ, đang đi trên đường thì đèn vàng. Tôi nhấn ga định chạy đèn vàng nhưng lại ngưng vì nhắm chạy không kịp. Tôi phanh xe lại thì bị xe khác tông cái rầm vào đuôi xe.
Khi chúng tôi cùng nhau ra lề đường giải quyết thì người lái xe kia trông rất cáu giận. Chiếc ôtô ấy mới toanh, còn xe tôi lái thì gần bằng tuổi của tôi. Theo luật của Australia - tại nơi xảy ra vụ tai nạn, kẻ nào ủi vào đuôi xe của người đi trước là có lỗi, phải bồi thường, cho dù xe trước có phạm lỗi gì đi chăng nữa. Vậy là chiếc xe tôi lái được "mua đứt", bởi xe không tới 2.000 AUD, mà hư hỏng thì nặng quá, không đáng sửa.
Ở Mỹ, còn có các loại đèn vàng khác, trong đó đáng kể là đèn vàng của các mũi tên cho phép rẽ. Loại đèn mũi tên rẽ được dùng kèm với đèn đi thẳng để giúp điều tiết giao thông. Với đèn mũi tên rẽ trái (thường kèm quay đầu) thì có 3 loại: xanh, vàng, và đỏ. Nguyên tắc hoạt động cũng giống như đèn chạy thẳng. Đèn mũi tên rẽ thì hơi phức tạp hơn. Một loại đèn rẽ phải có 3 màu như trên, và loại chỉ có 2 màu: xanh và vàng.
Đối với đèn rẽ phải có hai màu xanh và vàng thì như sau: khi đèn rẽ phải có màu vàng thì đèn rẽ vàng sẽ nối tiếp bằng cách đèn rẽ vàng tắt đi, khi đó bạn sẽ tuân theo đèn đi thẳng. Nếu đèn đi thẳng màu xanh thì bạn cứ tiếp tục rẽ phải. Còn đèn đi thẳng màu đỏ thì bạn phải dừng lại.
Nếu ngã tư đấy không cấm rẽ phải thì bạn có quyền xem có thuận lợi hay không để rẽ phải, còn nếu ngã tư đó cấm rẽ phải khi đèn đỏ thì phải chờ đèn xanh. Đây chính là lí do luật Mỹ chỉ nói rằng "đèn vàng thì chuẩn bị thực hiện hiệu lệnh tiếp theo" bởi hiệu lệnh đó có thể là dừng hay được tiếp tục rẽ.
Thông thường, các ngã tư ở Mỹ được thiết kế để thời gian đèn vàng phù hợp với tốc độ của đường. Nếu tốc độ tối đa của đường là 25 dặm/giờ (khoảng 40 km/ giờ) thì đèn vàng sẽ tối thiểu là 3 giây, và thời gian này càng tăng cao với tốc độ càng lớn.
Ngoài ra, các ngã tư cũng được thiết kế để khi đèn đã đỏ ở một chiều, thì ở chiều được chạy tiếp theo, đèn vẫn đỏ thêm một giây nữa trước khi xanh, để dành thời gian cho các xe chạy đèn vàng kịp ra khỏi ngã tư và giảm thiểu tai nạn.
Đây là những gì tôi biết về luật liên quan tới đèn giao thông ở Mỹ. Để an toàn thì tốt hơn hết là nên dừng xe khi đèn vàng. Còn với các bác tài hay thích ủi vào xe người đi trước, thì cách giải quyết tốt nhất cũng là những gì mà tôi đã nhận được khi ở Australia: Luật nên quy định rằng, ai ủi vào đuôi xe người đi trước thì sẽ có lỗi, không có gì phải tranh cãi.
>> Xem thêm: Bay Sài Gòn nhưng hạ cánh Cần Thơ vì 'tắc đường’ nóng nhất mạng XH
Video gây chú ý: Xe máy vượt đèn đỏ cắt mặt ôtô
Chia sẻ hình ảnh, video của bạn tại đây.