Người có bằng cấp ở đây tôi muốn nói tới những người có bằng đại học, thạc sĩ trở lên. Chúng tôi rất tự hào vì mình có được tấm bằng mà bao nhiêu người hằng mong ước cho bản thân hoặc gia đình, thậm chí có lòng ganh tị với chúng tôi nhưng họ không có được.
Các nhà tuyển dụng thường chê bai chúng tôi là những người chỉ biết lý thuyết suông, không có tầm nhìn xa về chiến lược và không thực tế. Tôi nghĩ các anh nên hiểu rằng trường học là nơi chúng tôi trau dồi kiến thức về lý thuyết cơ bản.
Ấy vậy mà khi chúng tôi trả lời phỏng vấn bằng những kiến thức lý thuyết có được thì các anh lại nói trình độ chúng tôi không xứng với cái bằng chúng tôi có được?
Vậy xin hỏi các nhà tuyển dụng ngoài lý thuyết ở trường thì chúng tôi phải trả lời thế nào? Trường học cho chúng tôi hiểu về lý thuyết, nhưng đối với các bạn thì những công ty mới là nơi cho chúng tôi cái gọi là thực tế? Còn cái gọi là tầm nhìn chiến lược và cái thực tế các bạn nói thì nó thật là mơ hồ và không chính xác.
Nếu các anh biết chính xác nó xảy ra thế nào thì các anh không phải ngồi ở đây phỏng vấn chúng tôi, mà các anh phải ở một địa vị cao hơn rất nhiều.
Còn đối với các bạn ít học, không có bằng cấp cao bằng thì lại phân bua anh A không có bằng cấp nhưng vẫn kiếm tiền và làm tốt hơn anh B có bằng cấp. Rồi các bạn vội vàng đưa ra kết luận có bằng cấp cũng chẳng hơn gì?
Thậm chí, các bạn còn đưa cả thiên tài Bill Gates vào để so sánh, chê bai chúng tôi. Đúng Bill Gates là một thiên tài “không bằng cấp” thành công nhiều người biết. Nhưng có điều các bạn không biết là cái thiên tài “không bằng cấp” của Bill Gates chỉ giúp phát triển một phần công nghệ trong cuộc sống.
Nếu chúng ta đem hết những người thiên tài “không bằng cấp” mà các bạn biết được so sánh với những thiên tài “có bằng cấp” như Anbert Einstein, Isaac Newton, thì các bạn sẽ xếp những thiên tài “không bằng cấp” ở vị trí nào?
Vì thế, sau này các bạn đừng dùng Bill Gates làm tấm màn che đi sự yếu kém về học thức và kém năng lực trong kiến thức của mình. Các bạn phải nhìn nhận là ta đang có gì, chứ không phải khoe khoang những gì người khác có.
Còn đối với các bạn có bằng cấp. Lúc chưa tốt nghiệp thì các bạn có thể đi bưng phở, dạy thêm, tạp dịch…. để có tiền cho cuộc sống hàng ngày. Vậy tại sao khi tốt nghiệp rồi các bạn lại không thể tiếp tục những công việc như thế và cho đó là thấp kém?
Vậy vấn đề ở đây là cái bằng cấp. Nhưng bằng cấp là giấy tờ hợp pháp chứng nhận kiến thức của các bạn và kiến thức đó giúp các bạn dễ dàng thành công hơn những người không có, chứ bằng cấp không chứng nhận bạn thích hợp với cái nghề gì.
Trong bài viết “Hai bằng đại học đi bán trà đá lương 9 triệu”, tác giả xem việc làm đó là không đúng trình độ, nhưng tác giả vẫn làm và vẫn có thu nhập tốt trong lúc khó khăn này. Nếu các bạn dùng kiến thức sẵn có và áp dụng vào thực tế làm được như vậy, thì đó là cũng là một thành công dựa trên trình độ sẵn có. Chứ không phải nhất thiết phải đi làm cho một công ty nào đó thì mới đúng giá trị bằng cấp.
Hay một bài viết khác mà tôi cũng vừa đọc là “Sầu cho những cử nhân, thạc sĩ ngồi bán sim điện thoại”, tác giả cũng đã đặt ra được những vấn đề tại sao các bạn có bằng cấp cao lại hay than vãn. Một phần các bạn không có việc là do sĩ diện hão không chịu chấp nhận những công việc mà thời sinh viên các bạn có thể làm được, phần khác là do trình độ của các bạn chưa tương xứng với bằng cấp.
Vì vậy, chúng ta - những người có bằng cấp, phải hãnh diện những cái mình có, chứ không khoe khoang như hàm ý của một số bài viết quanh vấn đề này. Muốn có một đích đến như ý muốn thì chúng ta phải có sự bắt đầu và điều bắt đầu ấy tất nhiên phải từ số 0.
>> Xem thêm: 'Tiến sĩ viết sai chính tả'
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây