Sau bài viết “Người mẹ tuổi teen ‘hồi sinh’ khi được giảm án”, VnExpress đã nhận được hàng trăm phản hồi từ độc giả bày tỏ sự cảm phục trước lòng nhân hậu của ông Nguyễn Trí với kẻ đã giết con mình. Đón nhận tình cảm của bạn đọc, ông bảo đó là việc rất đỗi nhỏ nhoi mà ai cũng có thể làm được, chỉ cần có một tấm lòng...
Tôi thu nhập bằng nghề làm mướn. Đứa con trai út và Thanh Tuyền (nạn nhân trong vụ án do người mẹ tuổi teen gây ra - PV) làm công ty, bà xã tôi chăm sóc đứa cháu nội. Nếu không vì sự sa đọa của thằng lớn, thì sự thoát nghèo của gia đình tôi chỉ một sớm một chiều. Ánh sáng vừa le lói cuối đường hầm thì bóng ma ma túy đổ ập hiểm họa vào nhà tôi, làm đảo lộn trật tự, tất cả rối tung lên. Cộng thêm nữa là tinh thần suy sụp và vật chất đội nón ra đi trước sự xảo quyệt của ma túy.
Khi biết chuyện, mọi việc đã vượt quá mức sự can thiệp của tôi. Để cuối cùng chỉ còn là những tiếng thở dài tuyệt vọng cộng với nước mắt của vợ tôi. Có khi trong bữa ăn, những giòng nước mắt cứ chảy dọc theo khóe mắt xuống cả bát cơm từng thành viên trong gia đình. Bên chén rượu, tôi điên lên. Ma tuý đã làm con tôi mất hết nhân cách. Bước đầu nó bán sạch tất cả những gì vợ chồng nó có được, thậm chí cả những đồng bạc dành cho vợ nó sắp sanh đứa thứ hai. Kế tiếp, nó lừa chú vợ, lừa cả gia đình bên vợ rồi lừa cả tôi.
Hành vi của nó làm tôi sau những cơn giận điên cuồng chỉ còn biết thở dài. Vợ tôi bảo: “Thở dài cái gì? Đi kiếm nó về nhỏ nhẹ với nó, khuyên răn nó bỏ. Ông có tật cứ hở là chửi bới, nhiếc móc. Bây giờ nó đã nặng rồi có chửi cũng vô ích. Phải đem con của nó ra làm bình phong để nó có ý chí mà bỏ. Còn không, nay mai mình phải đi hầu toà vì nếu không ăn cướp thì nó cũng giết người. Ông đọc báo thấy rõ quá mà.
Thằng con về nhà. “Cứu con với ba ơi”. Nhìn nó thiếu thuốc lên cơn, tôi không biết phải làm gì. Nén cơn giận đang ứ trong lòng, tôi đấm lưng, vợ tôi xoa tay, bóp chân. Tôi nói: “Phải ráng đi, phải bỏ. Còn không con sẽ chết. Mày còn con, vợ lại sắp sanh”. Ấy thế mà con ma tuý mới ác độc làm sao. Đang nằm than thở vì có hàng ngàn con dòi đang đục trong xương, nó vùng dậy chạy ra nhà vệ sinh. Đang trong nhà vệ sinh, nó ra bồn nước ói mửa. Rồi tắm. Nó cứ xối nước vào người một ngày không biết bao nhiêu bận. Hiếm hoi lắm mới thấy nó tỉnh táo nhìn tôi: “Chắc con chết quá ba ơi”.
Trong khi người vợ chăm sóc con cho bị cáo, ông Trí trầm ngâm, lo lắng cho kẻ đã giết con mình khi VKS đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm. Ảnh: Vũ Mai. |
Bên vợ tôi, dân thuốc nam chuyên nghiệp, cũng sắc từng chén thuốc để nó an thần, qua cơn. Nhưng tất cả như muối đem bỏ biển. Cuối cùng, vợ chồng tôi đành phải nhờ công an huyện đưa nó đi Xuân Phú theo nghị định 24. Chỉ thế mới còn cơ may…
Gia cảnh khó khăn, cháu nội cần sữa, giờ lại thêm tiết mục thăm nuôi nên tôi phải nhận lời trông coi đìa tôm để kiếm thu nhập. Tôi vào đồng không mông quạnh nhờ rượu để xua đi nỗi buồn. Ban ngày tôi làm ở công ty, tối xách đèn pin đi dạo trên khu đất 7,8 ha cả chục cái đìa tôm. Cũng may, công việc và rượu đã làm đau đớn trong tôi dần dần lắng dịu.
Buổi chiều của đêm định mệnh ấy, tôi ghé qua nhà thăm con gái. Mới lãnh lương, tôi móc ít tiền đưa cho con, nó nói: “Con vào đìa tôm với ba, tối nay con ngủ với má nghen”. Tôi bảo: “ Ừ, hổm rày má đau chân dữ lắm. Với lại ở trong đìa buồn lắm, tội nghiệp má”. Thế rồi không hiểu sao con gái tôi không đi.
8 giờ 30, ngoài trời mưa như trút. Tin báo qua điện thoại: “Tuyền bị giết chết”. Chết sững người, tôi, vợ và con gái lớn chạy tới bệnh viện. Mưa càng dữ dội. Đã vậy, hộp điện ngoài Long Bình bị hư hại gì đó khiến cả khu vực Long Thành ngập trong bóng tối. Ở bệnh viện lập loè đèn pin và đèn từ điện thoại.
Tôi ngồi yên trước cửa bệnh viện. Bác sĩ gọi vào nói: “Con ông đã mất trước khi đến đây. Chúng tôi đã đưa vào nhà xác. Phải đợi pháp y vào làm việc ông mới được đưa con về. Vụ này mang tính hình sự”. 2 giờ sáng, tôi nghe nói Thuỳ Trang đã bị bắt và mấy đứa trong nhóm Thanh Tuyền cũng bị công an huyện tạm giữ. 2 giờ 30, pháp y vào làm việc. 3 giờ, tôi được vào.
Trong nhà xác, toàn thân con tôi giá lạnh… Nói thật, niềm đau này làm tôi quên đi thằng con trai ở trại cai nghiện. Nhắc đến tôi mới nhớ, có người hỏi tôi: “ Sao ông không bảo lãnh nó về để đưa đám em nó?”. Tôi lắc đầu: “Thôi, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Nhỡ nó nóng nảy lên thì hại lắm”.
Hôm sau, mẹ Thuỳ Trang qua đưa cho gia đình tôi năm triệu phụ vào đám tang. Sau đám, mẹ của bạn Trang đưa cho tôi thêm năm triệu và xin tôi làm một giấy bãi nại. Luật sư biện hộ cho Trang đọc cho tôi viết lời bãi nại. Ừ thì viết.
Tôi nằm yên nghe nỗi buồn gậm nhấm. Tôi phải điều thằng con út vào đìa tôm với mẹ và chị gái. Còn tôi ở nhà một mình ngủ cạnh bàn thờ con gái tôi. Lên chùa xin lễ cầu siêu, chùa khuyên tôi tụng chú Đại Bi cho linh hồn con tôi thanh thản. Ừ thì chú Đại Bi.
100 ngày sau con mất, ngày nào tôi cũng đi thăm con. Tôi sợ nó lạnh, sợ nó trách: “Sao ba bỏ con một mình?”. Tôi lấy tiền phúng điếu xây cho con cái mã, dán gạch men xanh. Thanh Tuyền, thanh là màu xanh, tuyền là dòng suối nhỏ. Dòng suối nhỏ xanh xanh thì dán gạch màu xanh… Tôi như một gã điên.
Tôi trả đìa tôm mặc cho chủ tăng lương và thuyết phục. Gì đâu mà vợ một nơi, chồng một nẻo. Đêm nào ánh mắt con tôi cũng như muốn nói: “Má đâu? Sao không kêu má về thắp nhang cho con?”. Trời ơi! Cha đau đớn lắm con ơi.
Thấy tôi buồn, một người bạn tặng cho tôi tác phẩm “Không thể chuộc lỗi”. Tôi đọc, xem những bức ảnh về chiến tranh, sự chết chóc, sự tàn bạo, nhìn bức ảnh “Phan Thị Kim Phú”, của Nick Út, chạy trong khói lửa. Một người bạn khác lại tải từ trên mạng xuống tặng tôi bức: “Kền kền chờ đợi”…
Đến lúc này tôi ngộ ra rằng, niềm đau đớn của mình không là gì cả. Tất cả đều do chính mình tạo ra nỗi đau. Khi ta “chấp” thì địa ngục ở trong lòng, khi ta hỉ xả thì lòng ta thanh thản. Trước thống nhất đất nước, gia đình tôi thuộc dạng có hạng, cha và anh tôi đã từng chỉ huy bắn lại người anh em cộng sản. Thế mà sau giải phóng tất cả đều được tha thứ. Nhưng quan trọng nhất là vợ tôi, bà nói: “Thôi, bỏ đi. Tha thứ cho người ta thì linh hồn con mình cũng nhẹ nhàng và siêu thoát. Mình chấp thì con mình cũng không thoát khỏi cõi luân hồi".
Tôi nghe cũng có lý. Nhưng tôi vốn dốt, biết nói gì trước toà. Bà ấy bảo: “Con mình có đi học, vì bạn bè mà cũng mang tiếng đàn đúm. Huống hồ Trang không học hành gì. Ông cứ lấy cái thiếu giáo dục mà xin tha cho nó”.
Hai vợ chồng tôi ngồi bàn tính phải nói như thế này, thế nọ. Chúng tôi quyết định vợ tôi sẽ biện hộ cho Trang, vậy mới đánh động được trái tim mấy vị quan toà. Khổ cái, ra toà không ai bế con gái của Thùy Trang, tôi phải nói thay.
Xong phiên toà, ở quán cà phê: “Tôi ở ngoài nghe ông nói bị thiếu một câu”. “Câu gì?”, tôi hỏi. “Khổng Tử có câu ‘thân chi sơ tính bản thiện’, còn Hồ Chủ Tịch nói ‘hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên’. Nếu nói thêm câu này, không chừng được giảm thêm năm nữa”, vợ tôi đăm chiêu.
Tôi luôn thua vợ tôi trên mọi phương diện. Nhưng có hai lần bà ấy thua tôi, thua tâm phục khẩu phục. Lần thứ nhất tôi tuyên bố bỏ thuốc, bà đã cười mỉa mai. Nhờ nụ cười đó mà tôi bỏ được. Lần thứ hai tôi tuyên bố bỏ rượu, bà không mỉa mai mà bĩu môi. Vì cái bĩu môi này tôi bỏ hẳn rượu cho đến ngày hôm nay. Một giọt, dù là bia tôi cũng không. Ở đời chẳng có gì khó, chỉ cần có một tấm lòng…
Nguyễn Trí