Sau bài viết "Tài xế Uber, Grab tung chiêu kén khách, tăng giá gấp 4 khi mưa", VnExpress đã nhận được hàng trăm bình luận của độc giả, không ít trong số đó thể hiện sự bức xúc của mình đối với thái độ của các tài xế Uber, Grab hiện nay.
Bạn đọc Hoàng: "Ngày 19/11 mưa nhỏ cả ngày, tôi gọi Grab, Uber thì họ nhận. Sau đó gọi lại báo hủy vì chuyến đi chưa tới 50.000 đồng. Tài xế nhận để được tính cuộc nhận, đẩy cái khó cho người sử dụng dịch vụ".
Độc giả Hoangthach Lam: "Hôm 19/11 trời chỉ bắt đầu mưa vài hột, mình bắt chiếc 4 chỗ ra Bến xe Miền Đông. Tài xế nhận và gọi lại cho mình. Khoảng mấy phút sau thì trời bắt đầu mưa to. Trên app của Grab hiện địa chỉ mình là 167, tức đầu đường vào chung cư mình, cách khoảng 300m. Tài xế gọi nói mình phải đi bộ ra hoặc vào sẽ thu phụ phí với giọng điệu rất khó chịu. Tôi nghĩ tài xế muốn hủy để mưa lớn, chờ giá tiền lên cao".
(Xem thêm: Được, mất với taxi Uber ở Việt Nam)
Độc giả có nickname Red House cho rằng: "Bây giờ đi Uber, Grab cũng hồi hộp như taxi truyền thống. Vì sao? Vì hầu như tài xế Uber, Grab giờ là tài xế từ taxi truyền thống qua chạy thuê (cả chục ngàn tài xế nghỉ việc mà). Cách họ phục vụ cũng như mánh lới này họ đem từ bên kia qua. Họ cũng chạy tăng ca, cũng lái xe trong tình trạng buồn ngủ (nhất là các chuyến khuya hoặc sáng sớm). Xe cũng không phải xe của họ. Thái độ chạy xe cũng chụp giựt, lạng lách, bấm còi, cũng chửi thề khi kẹt xe... Chỉ số ít là tài xế chạy xe nhà, nếu may mắn được đi xe dạng này thì tốt lắm."
Bạn đọc Thanh Phan Hien cho biết: "Gần đây nhiều tài xế Uber và Grab dù đang chở khách trên xe vẫn lấy khách đặt chỗ trên mạng, bắt khách phải chờ rất lâu, nếu khách không đi họ yêu cầu khách huỷ chuyến để hưởng lợi 15.000 đồng trên mỗi chuyến xe bị huỷ".
(Xem thêm: Dịch vụ taxi Uber: Xung đột nảy lửa giữa các luồng quan điểm)
"Mình từng hủy giúp một lần vì tài xế năn nỉ dữ quá. Thấy nghề của người ta đặc thù vậy nên mình cũng rất sẵn sàng để họ không bị trừ "sao". Nhưng rồi sau đó lại bị thêm vài lần như vậy nữa nên mình cũng cảm thấy khá khó chịu." Độc giả có nick Anonymous cho hay thêm.
Trước những chỉ trích, phàn nàn về việc tài xế từ chối các chuyến xe mà khách yêu cầu đón tận nhà trong hẻm..., nhiều độc giả kêu gọi nên thông cảm cho cánh tài xế:
"Những khách yêu cầu tài xế vô hẻm cần phải xem lại. Thực sự có người già hoặc bệnh nhân đi lại khó khăn thì mới yêu cầu. Và có bồi dưỡng thêm cho xứng đáng. Xe hơi không phải xe máy nên vào hẻm rất khó, khả năng gây tắt nghẽn, va quẹt và bị chưởi là rất cao, nên người ta ngại vào. Còn mấy bác tài cũng nên đề cao đạo đức nghề nghiệp hơn. Toan tính quá thì sau cũng bị tổ nghề bạc đãi thôi- bạn đọc Lê Phước Hải nói.
(Xem thêm: Các hãng taxi treo biểu ngữ chống Uber - Grab có phạm luật?)
Bạn đọc Việt Dũng Nguyễn lý giải: "Chúng ta nên nghĩ sâu hơn một tý. Tại sao giá cước 600.000-700.000 đồng một chuyến, đặt mấy xe đều bị huỷ trong khi như chúng ta biết chạy Grab, Uber cả ngày cũng chỉ được hơn một triệu. Chắc chắn là cái hẻm ấy không bình thường rồi. Có thể nước ngập hay hẻm nhỏ gì đấy tài xế mới không dám vào đón".
Trong khi đó, độc giả Thienhuynh 1973- hiện là một tài xế chia sẻ:
"Các khách hàng khi đi xe chỉ mong giá rẻ được phục vụ chu đáo và như thượng đế. Nhưng chưa hiểu hết những khó khăn và vất vả của cánh tài xế. Hôm tối 18/11 vừa qua tôi đón một khách đi từ chung cư Gò Vấp đi chung cư quận 2 đoạn đường hơn 20 km.
Nhưng khi đi thì tất cả các ngã đều bị kẹt xe phải quay đầu xe đôi ba lần cuối cùng phải đi hướng song hành đi Quốc lộ sang Quang Trung thì kẹt xe và ngập nước ở Phan Huy Ích và Quang Trung rồi kẹt ở Tân Sơn và chợ Hạnh Thông Tây và Thống Nhất với Quang Trung.
(Xem thêm: Tài xế GrabBike và xe ôm truyền thống đánh nhau liên tiếp)
Khi đến Phan Văn Trị thì mưa không thấy đường để chạy và kẹt xe do nước ngập suốt con đường Phan Văn Trị. Đến Quận 2 thì mất hơn 3 giờ, giá tiền suốt chuyến đi là 189.000 đồng/Grab Car.
Thật sự là lo lắng xe bị chết máy giữa đường nhưng đã lỡ nhận và khách ngồi trên xe thì phải chạy thôi. Bằng không trả 5.000.000 đồng tôi cũng không chạy vì xe ngập nước thì sửa xe bao nhiêu triệu thì đủ? Các khách hàng cũng nên hiểu và chia sẻ điều này.
Thường những tài xế quá khổ phải cày để có tiền trả tiền thuê xe hoặc đóng tiền ngân hàng thì mới liều mạng mà chấp nhận cuốc xe. Chứ những xe nhà người ta không chạy do đó giá xe tăng lên gấp 4 là như vậy. Theo tôi lúc đó mình có nhiều lựa chọn. Còn vào hẻm là một điều khó khăn nếu vào được họ đã vào rồi".
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.