Tôi là người không ủng hộ việc ăn thịt chó, nhưng tôi sẽ không phản đối việc ăn nó trên quan điểm đạo đức. Bởi quan điểm này có thể phù hợp với một số đông người này, nhưng không phù hợp với một nhóm người khác. Điều này dẫn đến sự tranh luận và lên án gay gắt nhưng khó giải quyết được vấn đề.
Hình ảnh con chó với phần đông người trên thế giới là một hình ảnh đáng yêu, là một người bạn trung thành, thế nên việc hành hạ con chó đã là một việc rất đáng lên án chứ khoan nói đến việc ăn thịt.
Tuy nhiên với một nhóm người khác thì loài chó cũng như bò, dê, cừu , heo mà thôi. Theo họ, đã là động vật thì con người đều có quyền ăn tất. Tôi muốn phản đối việc ăn thịt chó dựa trên quan điểm của mình về sức khỏe và văn hóa ẩm thực.
Tranh luận về việc nên hoặc không nên ăn thịt chó ở Việt Nam, tôi cho rằng cũng gần giống với việc đánh bắt và ăn thịt cá heo, cá voi ở Taiji (Nhật Bản).
Văn hóa phương Tây cho rằng cá heo, cá voi là những sinh vật đáng yêu cần được bảo vệ. Tuy nhiên ở Taiji, việc săn bắt cá heo là truyền thống và sinh kế cho cả một vùng cư dân.
Người xem đã rất kinh sợ trước những hình ảnh đẫm máu ở biển và lên án gay gắt hoạt động săn bắt cá heo của người Nhật. Đỉnh điểm là năm 2009, sau khi bộ phim tài liệu “The Cove” đoạt giải Oscar (tác phẩm ghi hình bí mật cảnh tượng săn giết cá heo đẫm máu tại vịnh Taiji) đã gây sự chỉ trích và phẫn nộ cao ngay cả với các nhà lãnh đạo thế giới.
Bất chấp sự ngăn cản của các nhà bảo vệ môi trường, hoạt động đánh bắt cá heo tại Nhật Bản vẫn chưa dừng lại, chỉ đến khi người dân vùng đảo Taiji phát hiện ra một số trẻ em của họ có các dị tật nghiêm trọng về thần kinh trung ương và hệ nội tiết.
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng đây là triệu chứng của việc ngộ độc metyl thủy ngân nằm trong chuỗi thức ăn. Hàm lượng metyl thủy ngân và các độc tố khác tích lũy trong thịt cá heo, cá voi rất cao, từ đó hoạt động đánh bắt cá heo các năm gần đây mới chững lại.
Trở lại chuyện con chó ở Việt Nam, số phận con chó cũng như các con vật trên bàn nhậu, đó là bị giết thịt. Việc ăn thịt chó chắc hẳn đã có từ lâu trong nhân gian, phổ biến trong giới bình dân, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên việc ăn thịt chó có từ khi nào thì không ai rõ.
Chỉ biết rằng thời hoàng kim của phong trào ăn thịt chó độ chừng 30 năm trở lại đây, từ thời phát đạt của các quán nhậu trên phố Nhật Tân, trên đường từ sân bay Nội Bài vào Hà Nội.
Sau khi dãy thịt chó Nhật Tân đóng cửa, thì phong trào buôn thịt chó trái phép từ Lào, Thái, Campuchia . . . qua Trung Quốc lại nhộn nhịp cho đến nay. Với các lý do như vậy, nên theo tôi, việc ăn và chế biến thịt chó là văn hóa ẩm thực là một việc rất khiên cưỡng, ta chỉ nên gọi là thói quen ăn uống.
Mỗi một thói quen ăn uống đều có mặt tích cực và tiêu cực, người dùng sẽ phải tự chịu trách nhiệm trực tiếp đến sức khỏe hay thậm chí là tính mạng của mình.
Người Nhật rất nổi tiếng với việc ăn uống vệ sinh và dinh dưỡng, tuy nhiên họ cũng có những vấn đề từ việc ăn đồ sống của mình như tỷ lệ ung thư Dạ dày của người Nhật thuộc nhóm cao hàng đầu trên thế giới.
Người Việt Nam với thói quen ăn uống đường phố không rửa sạch đĩa, chén mà dùng chung nên là vùng đỉnh của tỷ lệ viêm gan, và lao lây qua đường ăn uống.
Con chó suy cho cùng không phải là con vật được nuôi nhốt và có truyền thống ăn thịt như heo, bò… Việc kiểm soát quá trình vận chuyển và chế biến thịt chó là điều không tưởng. Thế nên, những ai ăn thịt chó sẽ đối diện với các nguy cơ bệnh như đối với động vật hoang dã.
Việc lây nhiễm sán dãi chó và ấu trùng sán dãi chó (Toxocara canis) cực kỳ nguy hiểm. Tại mắt, chúng gây mù. Tại não, dây thần kinh chúng chèn ép gây chứng điên loạn. Tại gan, lách, ấu trùng tạo nhiều u nang làm cho các cơ quan này suy yếu hoặc làm người bệnh tử vong do nhiễm trùng.
Các bào nang ấu trùng giun chó thường làm cho người có hiện tượng dị ứng, lên cơn hen (suyễn), khó thở, nổi mề đay, mẩn ngứa khắp người, nấm tóc, nấm phổi. Những bào nang ấu trùng ký sinh trong thịt chó, cũng như trong heo (heo gạo) chỉ khác là ở heo thì được phát hiện và tiêu hủy, còn trong thịt chó thì người ta cứ thui lông và tiêu thụ.
Sau khi được ăn vào, các ấu nang có dạng bướu. Bướu tăng trưởng đủ độ có đường kính từ 1 đến 7 cm, chứa trên hai triệu đầu sán. Bướu sán ký sinh ở gan có thể chèn ép ống dẫn mật gây vàng da.
Khi bướu ở tim trái vỡ, các đầu sán di chuyển lên não lách, thận, gan. Buồng tim phải, đầu sán di chuyển lên phổi. Bướu ở thận gây đau lưng, tiểu máu. Bướu ở lách làm đau cạnh sơn và xương son gồ lên. Bướu trong đốt xương sống có thể gây tổn thương tủy sống. Bướu ở các xương làm xương trở nên xốp, dễ gãy.
Khi bướu vỡ thường làm cho người bệnh ngứa, nổi mề đay, nhiệt độ cơ thể tăng giảm thất thường, rối loạn tiêu hóa, khó thở, tím tái, ngất, hôn mê. Chất dịch trong bướu và máu có thể gây sốc phản vệ.
Người ta thống kê các loại sán, giun, ấu trùng có thể nhiễm từ thịt chó qua người là: Toxocara Canis, ấu trùng sán Echinococcus Granulosus, ấu trùng sán Spirometramansoni hay Spirometra Erinacei, sán Dipylldium Canium…
Ngay cả với chó nhà, thì việc ăn thịt chó cũng không là hành động khôn ngoan. Ngoài nguy cơ ăn thịt những con dính bã chó thì hàm lượng của vắc- xin dại trong thịt chó là cực cao.
Vắc- xin phòng dại ở chó được chích mỗi năm và để tiết kiệm giá thành, đa số vắc- xin dại cho chó hiện hành đều là chế phẩm từ virus dại sống giảm độc lực. Chính vì vậy, dư lượng vắc- xin trong thịt chó (theo biểu đồ tích lũy ) trong một con chó ba đến bốn tuổi đủ sức gây yếu, liệt thần kinh trung ương người ăn theo thời gian.
Vậy tỷ lệ bệnh lây nhiễm, bệnh mắc phải từ việc ăn thịt chó ở người Việt Nam có cao không? Chúng ta chưa có con số cụ thể vì chưa có một nghiên cứu mở rộng nào về vấn đề này.
Tuy nhiên mỗi năm, Viện ký sinh trùng, các khoa cấp cứu tại các bệnh viện lớn đều ghi nhận nhiều trường hợp bệnh kể trên, đấy là chưa kể đến những nguy cơ đến từ quá trình vận chuyển lậu, chế biến mà theo được thấy thì đều vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trầm trọng.
Các lập luận cho rằng ăn thịt chó là việc hợp lý vì nếu không sẽ bùng nổ số lượng chó trong khu vực (Việt Nam đang dẫn đầu với việc tiêu thụ 5 triệu con chó/năm), theo tôi chỉ là một lý luận ngụy biện.
Lý do, ở các nước phát triển họ kiểm soát số lượng động vật đô thị (bồ câu, quạ, mèo, chó . . .) bằng các biện pháp dịch tễ như triệt sản, sử dụng thiên địch, thậm chí là bắn bỏ, thiêu . . . chứ không khuyến khích việc ăn thịt, không phải bởi vì các yếu tố nhân đạo mà còn vì yếu tố kiểm dịch.
Những năm gần đây, việc lây nhiễm bệnh từ động vật qua người ngày càng ở mức báo động và đều là đại dịch lây lan có mức độ tử vong nguy hiểm. Từ bệnh dịch hạch từ chuột, bệnh HIV/ AIDS từ tinh tinh trong quá khứ, đến hội chứng SARS, đại dịch cúm H1N1, H5N1, H7N9…
Ngay cả các biến thể dịch cúm lan truyền rộng ở Trung Quốc năm 2010 được cho là do sự lây nhiễm từ thói quen ăn thịt cầy hương.
Việc vận chuyển lậu thịt chó xuyên suốt qua bốn nước Đông Dương gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam rồi qua Trung Quốc không qua kiểm dịch, lại trong hình thức nuôi nhốt chật cứng và bẩn thỉu bậc nhất như hiện nay, là “môi trường nuôi cấy” hoàn hảo các virus có độc lực cao.
Với tình trạng này, bệnh dịch từ chó lây nhiễm qua người bùng nổ tại Việt Nam có thể không còn là viễn cảnh xa.
>> Xem thêm: Ăn thịt chó hay ăn chất độc cyanua?