Thông tư số 35 của Ngân hàng Nhà nước qui định thu phí rút tiền nội mạng ATM kể từ ngày 1/3/2013. Điều ngạc nhiên là còn hai tháng nữa thông tư này mới có hiệu lực, nhưng trên thực tế đã có ngân hàng “âm thầm” thu khoản phí này từ lâu.
Anh bạn tôi cho hay, cơ quan anh nhận lương qua thẻ ATM của một ngân hàng đã mấy năm nay. Sống nhờ lương nên đầu tháng lúc nào cũng ngong ngóng, hễ nghe tin có lương là lập tức đi rút tiền ngay.
Đồng tiền cầm chưa ấm tay đã phải chạy đến ngân hàng khác để chuyển cho con đang học ở thành phố vì thẻ ATM của hai bố con không cùng ngân hàng. Thấy ngân hàng có dịch vụ nhắn tin báo lương, anh liền đăng kí để khỏi mất công đi hỏi đồng nghiệp.
Từ khi sử dụng dịch vụ này anh mới biết, hóa ra lâu nay cứ mỗi lần rút tiền qua thẻ, ngân hàng lại thu phí 3.000 đồng. Lương anh 7,5 triệu/tháng nhưng phải rút tới 3 lần vì mỗi lần chỉ cho rút tối đa 3 triệu, vị chi hàng tháng anh mất 9.000 đồng.
Còn con anh, với 2 triệu bố mẹ gửi hàng tháng, cháu phải rút khoảng mươi lần, mỗi lần chỉ vài trăm ngàn đủ chi tiêu trong vài ba ngày. Thế nghĩa là sẽ có 30 nghìn chạy qua túi ngân hàng.
Có 1001 lý do để người ta đề xuất thu phí, tăng giá. Nào chi phí này nọ, nào thua lỗ ... Lý do nào nghe cũng rất bùi tai, mủi lòng. Vậy nên, xin mạo muội phản biện một chút về chuyện thu phí của ngân hàng.
Theo công bố của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, hiện nay hệ thống ATM trên toàn quốc có khoảng 13.920 cây. Số tài khoản thanh toán cá nhân bằng thẻ khoảng 40 triệu. Số dư tiền để trong thẻ gần 70.000 tỉ đồng.
Giá máy ATM hiện nay xê dịch từ 10 đến 15 ngàn đô la Mỹ một máy. Lấy giá bình quân mức cao 300 triệu tiền Việt (15 ngàn đô la Mỹ) thì với 13.920 cây hiện có, ngân hàng phải bỏ ra 4.176 tỉ.
Nếu thu phí rút tiền nội mạng 3000 đồng/lần như ngân hàng trên thì với 40 triệu tài khoản, nếu mỗi tài khoản rút 3 lần trong một tháng thì số tiền mà ngân hàng thu được là: 40 triệu x 9.000 đồng = 360 tỉ. Một năm sẽ là 4.320 tỉ.
Nếu tính cả chi phí lắp đặt, thuê mặt bằng, nhân công, bảo dưỡng… (cứ cho là bằng khoản tiền bỏ ra mua máy) thì cũng chỉ hai năm sau với khoản thu phí này ngân hàng đã hoàn vốn đầu tư ban đầu. Mà một máy ATM có tuổi thọ bao nhiêu? Chắc không dưới 10 năm! Một khoản lãi khủng.
Các ngân hàng còn thu phí quản lý thẻ 3.300 đồng mỗi tháng. Với 40 triệu thẻ thì số tiền này mỗi năm ngân hàng thu được là 40 triệu x 3.300 x 12 tháng = 1.584 tỉ.
Ấy là chưa kể lãi từ số dư tiền gửi qua thẻ, phí rút tiền, chuyển khoản ngoại mạng…
Lãi như thế mà các ngân hàng vẫn kêu lỗ. Để chứng minh cho sự lỗ này, có ông Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội khẳng định mỗi cây ATM trung bình một tháng phục vụ chỉ khoảng 100 khách?
Cần lắm một sự minh bạch. Giá như ngân hàng đưa ra được luận chứng thuyết phục thì chắc chắn việc thu phí ATM sẽ không làm phiền lòng người dân đến vậy.
Nguyễn Duy Xuân
Chia sẻ bài viết của bạn về sử dụng ATM tại đây.