Người gửi: Trần Phong
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Sao cứ phải so sánh chồng nội chồng ngoại???
Tôi là một nguời đàn ông Việt Nam, một người chồng, người cha của người vợ và đứa con cũng Việt Nam chính gốc, và tôi vẫn luôn tự hào về điều này. Tuy nhiên, không thể vì niềm tự hào này mà tôi cho rằng những nguời vợ, người chồng ngoại quốc không thể bằng chúng tôi về mặt này mặt nọ, hay họ là thần tiên cõi khác mà chúng tôi không thể nào sống như họ được.
Chồng nội, chồng ngoại, vợ nội, vợ ngoại đều có những phong cách riêng và trong phong cách đó nó là ưu điểm của nền văn hoá này và là điểm khó chấp nhận của nền văn hoá kia, theo đa số. Tuy nhiên vẫn có những người có "gu" riêng của mình, và họ hạnh phúc mà không cần phải sống theo số đông trong cộng đồng miễn là tìm thấy một nửa "hợp gu" của mình. Và cũng không thể nói, cá nhân biệt lập đó hạnh phúc theo "gu" của họ thì đa số sống theo "gu" kia là sai lầm, là lỗi thời. Ví dụ, nhiều người so sánh rằng chồng ngoại thoáng hơn chồng nội hay ngược lại là một sự so sánh rất khập khiễng mà không nhìn cách ứng xử đó trong hoàn cảnh nào, môi trường văn hoá nào.
Người chồng Việt Nam thực ra cũng không phải không thoáng vì theo truyền thống họ hay đưa hầu hết thu nhập về cho vợ cất giữ và chi tiêu. Nhưng cũng vì bản tính "thoáng" đó, họ đôi khi cũng bị một số nguời vợ than phiền vì sẵn sàng bỏ tiền ra để khao bạn bè bữa nhậu, hay việc giao cho vợ toàn quyền chi tiêu có thể bị hiểu là không quan tâm chia sẻ việc nhà. Nguời chồng Tây thì có thể sẵn sàng chia sẻ những công việc chi tiêu, nội trợ trợ trong gia đình với nguời vợ, nhưng tôi được biết thì họ cũng không có thói quen đưa hết tiền cho vợ cất giữ, thường thì chồng và vợ mở tài khoản ngân hàng riêng và khi có việc gì chi chung lại họp bàn. Đồng thời những người đàn ông Tây không có thói quen mời bạn bè đi ăn uống rồi bỏ tiền túi ra thanh toán.
Chồng nội vẫn hay có thói quen đưa vợ con thăm hỏi bà con họ hàng nội ngoại mỗi dịp lễ hay ngày nghỉ dù họ thực sự thích thế hay họ còn muốn làm nhiều việc khác hơn trong thời gian này, chồng ngoại đa phần không có thói quen này. Tất cả những thói quen trên một phần do tập tục lâu đời, một phần do bản tính mỗi nguời, đối với người này là tốt, đối với nguời khác là không tốt. Nhưng điều quan trọng là họ tìm được người bạn đời có “gu” như mình thì họ sẽ không còn quan tâm đến việc chồng người này, vợ nguời khác ra sao nữa.
Còn nếu có người chê vợ, chồng của mình đủ điều và đem so sánh với vợ chồng người khác thì rõ ràng là họ “hiểu nhầm” về nhau ngay từ thời gian tìm hiểu, yêu đương trước khi hướng tới hôn nhân. Cách thoát khỏi ám ảnh so bì này chỉ có cách duy nhất là ly dị (đây là một sự lựa chọn theo tôi là sáng suốt từ phong cách sống của phương Tây- một quyết định mà người Việt duy tình luôn cho rằng sau đó thì người đau khổ là phụ nữ và trẻ em, còn người phương Tây duy lý thì cho rằng đau khổ hay sung sướng thì như nhau vì nam nữ bình quyền và trẻ em thì đỡ khổ hơn vì không phải nhìn thấy cha mẹ suốt ngày xung đột nữa).
Thực tế thì tôi biết có nhiều người Việt Nam thích phong cách sống của phương Tây và ngược lại nhiều nguời phương Tây sau thời gian sống tại Việt Nam họ cũng rất thích sống theo tập quán của nguời Việt. Vì thế, theo tôi thì chúng ta không nên bàn luận nhiều về việc chồng nội tốt hơn hay chồng ngoại tốt hơn, vì sự so sánh này không thể thực hiện được, do phong cách sống của mỗi người vợ nội, vợ ngoại khác nhau.
Dù sao đi nữa theo tôi, việc hôn nhân với mục đích đầu tiên và quan trọng nhất là tiền bạc đều không đáng được hoan nghênh vì bản thân từ tình yêu nó không nói tiền là quyết định. Nếu có ai đó lấy chồng vì tiền mà thực sự được chồng tôn trọng và hạnh phúc về sau chỉ là những sự may mắn và không thể là trường hợp điển hình.