Năm 2014 có lẽ là năm lịch sử của TP HCM, năm khởi đầu cho việc thành phố bị ngập một cách toàn diện như hiện nay. Ra đường mỗi khi trời mưa là ác mộng cho tất cả người dân thành phố. Mưa nhỏ cũng ngập, mưa lớn càng ngập, đôi khi trời không mưa cũng bị ngập (do triều cường).
Thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc đưa ra giải pháp chống ngập, thế nhưng tình hình chẳng được giải quyết mà vấn đề có vẻ ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhưng theo quan điểm của tôi thì nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do nhà chức trách mà do phần nhiều là lối sống của đa số người dân thành phố.
Có lẽ ý kiến của tôi sẽ bị nhiều người đả kích, hoặc lại cho rằng tôi là người phụ trách thi công hệ thống cống rãnh thoát nước gì đấy. Nhưng xin thưa tôi là một người dân bình thường, hằng ngày phải lội nước đi làm cả vài cây số trong tình trạng trên thì bụi, dưới thì nước.
Nếu các bạn là người hay phải ra đường thì chắc chắn các bạn đã thấy thành phố trong những năm gần đây đã có nhiều cố gắng trong việc nạo vét kênh rạch và lắp đặt cống thoát nước trên nhiều tuyến đường.
Ai cũng mong nơi mình sống sẽ không còn ngập, đường mình đi làm sẽ không ngập nước. Thế nhưng khi hệ thống thoát nước vừa được lắp xong thì người dân lại chung tay "giết" hệ thống đó.
Hệ thống thoát nước thì nằm sâu dưới mặt đường, nhưng miệng cống lại nằm sát lề đường, và nơi đây (miệng cống) vô tình trở thành nơi tập kết rác của người dân.
Ai cũng có thể xả rác xuống miệng cống, người dân, người bán hàng rong, người đi đường, ngay cả các anh chị quét rác lâu lâu tôi cũng thấy lùa rác xuống miệng cống. Nếu các bạn không tin thì mời các bạn ra đường và nhìn xuống miệng cống trước nhà bạn, tôi cam đoan tỉ lệ là 100 phần trăm cống đều có rác.
Khi trời mưa xuống, nước mưa sẽ đẩy rác xuống cống hoặc nghẹt lại nơi miệng cống và thế là ngập. Ngày này tháng nọ rác từ nhiều miệng cống bị dồn xuống và gây nghẽn cống, thế là nước ngập không còn đường rút. Không tin tôi thì các bạn cứ về nhà xả rác xuống hệ thống thoát nước thải trong nhà, bạn sẽ thấy tôi nói đúng hay sai nhé.
Có lẽ việc chống ngập cho thành phố thân yêu của chúng ta sẽ cần bàn tay góp sức của toàn bộ người dân. Thành phố sẽ chẳng thể nào văn minh sạch đẹp hơn nếu cơ sở hạ tầng không được nghiên cứu và đầu tư một cách đúng đắn, tuy nhiên ý thức của mọi người dân sẽ là yếu tố quyết định trong việc hạ tầng có hoạt động đúng theo thiết kế và công năng của chúng.
>> Xem thêm: Sài Gòn ơi, ngày nào tôi cũng lo đường ngập, xe chết máy
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.