Mỗi năm, ở nước ta tai nạn đường sắt cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, trong đó những vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra ở những nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn.
Trên cả nước có hàng ngàn giao lộ như vậy. Ngành đường sắt không có đủ người để gác ghi ở tất cả các giao lộ này.
Tôi có ý tưởng làm các rào chắn mềm tự động tại các giao lộ chưa có người gác ghi như sau:
Những rào chắn mềm tự động sẽ đảm bảo an toàn tại những điểm giao cắt giữa đường sắt với đường dân sinh không có người gác ghi. |
Rào chắn có nguyên lý hoạt động giống như một chiếc mành cửa, được cuốn lên hay thả xuống cùng với đèn tín hiệu báo tàu lửa sắp chạy qua. Khi đèn đỏ thì thả thanh chắn xuống, khi đèn xanh thì cuốn thanh chắn lên.
Thanh chắn phải được bọc hoặc làm bằng cao su mềm để không gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông và phải có trọng lượng đủ nặng để kéo căng cáp, không bị rung lắc mạnh khi có gió lớn.
Thanh chắn nên làm bằng cao su chịu dầu và nếu được bôi quét dầu mỡ thường xuyên thì sẽ hạn chế được số người cố tình lách qua rào chắn để đi. Vì nếu ai đó cố tình lách rào thì sẽ bị dây bẩn bởi dầu mỡ đã bôi trên thanh chắn và chắc chắn họ không dại gì tái phạm thêm lần thứ 2 để lại bị dây bẩn.
Thanh chắn nên chia nhỏ thành nhiều đoạn dài 1m - 2m để giảm trọng lượng, đề phòng thanh chắn lúc thả xuống có thể đè lên người tham gia giao thông.
Thanh chắn được treo bởi các sợi cáp (cáp thép lõi gai hoặc cáp nilon). Mỗi sợi cáp được quấn vào 1 tang cáp. Các tang cáp được gắn trên cùng 1 trục truyền động và được quay qua quay lại bởi bộ phận dẫn động.
Để việc vận hành rào chắn được nhẹ nhàng chúng ta có thể lắp thêm 1 đối trọng. Đối trọng cũng được treo trên cáp và quấn vào tời như với các thanh chắn nhưng chiều quấn cáp phải ngược với chiều quấn cáp treo các thanh chắn. Đối trọng nên có trọng lượng tương đương với tổng trọng lượng của các thanh chắn cộng lại.
Trên rào chắn chúng ta có thể gắn thêm các trang bị khác như còi, đèn tín hiệu, vật liệu phản quang v.v… để thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông.
Ở những nơi hẻo lánh chưa có hệ thống đèn tín hiệu giao thông chúng ta vẫn có thể lắp các rào chắn mềm tự động nhưng phải gắn thêm bộ phận nhận tín hiệu. Lái tàu sẽ điều khiển thanh chắn từ xa bằng cách sử dụng remote control giống như ta điều khiển cửa cuốn.
Chúng ta cũng có thể điều khiển rào chắn một cách tự động bằng cách lắp các cảm biến đo chấn động đường ray. Các cảm biến này có thể phát hiện tàu đến gần và tự đông thả rào chắn xuống.
Trương Văn Dũng