Nhìn luống hoa hồng đang rộ nở, chú dì tôi cũng như yêu đời hơn, vừa nói chuyện, chú và dì vừa giới thiệu các loài hoa trong vườn, thỉnh thoảng chú lại lấy tay gạt cho dì những sợi tóc bị gió thổi tung. Đôi lúc nhớ lại chuyện cũ, chú cau mày, cúi gằm mặt xuống vẻ ân hận biểu hiện rõ trên nét mặt khắc khổ.
Chú dì tôi cưới nhau rất sớm, gia đình hai bên lại nghèo, khi lấy nhau về cả gia đình chui vào một căn nhà hẹp, rồi lần lượt ba đứa con ra đời. Cuộc sống vốn nghèo thêm vài miệng ăn càng khó khăn hơn, không tránh được những lúc vợ chồng, cha mẹ, con cái va chạm với nhau, thế nhưng mọi thứ cũng trở nên dễ dàng khi mỗi người bỏ qua những tật nhỏ của nhau. Cuộc sống vẫn trôi đi vô vị nếu như không có quyết định thay đổi của dì.
Mặc dù dì tôi phải nghỉ học sớm để bớt gánh nặng cho ông bà ngoại, nhưng dì vốn là người hoạt bát, ham học hỏi, nên khi cuộc sống khó khăn, ngoài việc đồng áng, dì còn đi làm thêm đủ nghề, ai nhờ việc gì dì cũng không nề hà.
Sau ba năm lặn lội vất vả sớm hôm kinh tế bớt khó khăn, chú dì cũng để được chút vốn, dì bàn với chồng sẽ để khoản tiền tiết kiệm, nuôi con và trang trải cuộc sống, mở một quán nhỏ cho chú bán hàng tạp hóa, còn dì sẽ cố gắng kiếm thêm tiền để học tiếp cấp 3 còn dang dở. Chú tôi chỉ nghe tới từ “đi học” thì mặt đã hầm hầm, bật dậy vùng vằng bỏ đi, để dì tôi bất thần thất vọng.
Chuyện không dừng lại ở đó, chú đã nói chuyện này với bên nội, mọi người xúm vào khuyên can, dọa dẫm, không được thì tỏ ra khinh ghét. Suốt những năm đó, dì đi về như một cái bóng, sáng mờ tối mịt, ngày làm lụng, tối đi học thêm, trước sự ghẻ lạnh của chồng và gia đình. Rồi cũng đến ngày dì tốt nghiệp cấp ba, vẻ tự hào rạng rỡ trên khuôn mặt hao gầy của dì. Chú lẳng lặng không nói, nhưng cũng chẳng vui vẻ, khiến không khí gia đình càng nặng nề hơn.
Chuyện trở nên rắc rối khi dì được mọi người trong thôn ứng cử vào làm việc tại Hội phụ nữ trong thôn. Hàng ngày dì đi làm, rồi có những việc đột xuất khi họ gọi đêm hôm… chú càng khó chịu ra mặt, ngày ngày bỏ quán, tụ tập bạn nhậu mượn rượu chửi vợ, đánh con, đi thì thôi, về đến nhà là quát tháo chửi bới, khiến con cái bạt vía, chỉ cần nhìn thấy bóng dáng bố lảo đảo từ cổng bước vào thì các con đã tìm chỗ ẩn nấp. Còn dì, thuyết phục không được, dì tìm nguồn vui trong công việc và những đứa con làm hạnh phúc riêng cho mình.
Đỉnh điểm của năm 2009, khi dì đang họp tại nhà trưởng thôn, chú đứng ngoài hết điện thoại, lại ra vào để tín hiệu cho dì biết chú đang khó chịu. Cuộc họp vừa kết thúc, dì mới bước chưa qua thềm nhà bác trưởng thôn, chú đã xông tới túm tóc đánh túi bụi. Dì vừa khóc vừa chạy thục mạng, còn chú cầm dao rượt đuổi trước bao nhiêu người. Tiếng la hét, chửi rủa, tiếng bước chân chạy thình thịch, tiếng đay nghiến của chú khiến cho cả thôn láo loạn...
Một cuộc họp gia đình khẩn đã được triệu tập, trước mặt bao nhiêu ông già, bà trẻ. Bác trưởng họ đã khuyên dì nên từ bỏ việc làm bên hội phụ nữ để tập trung lo cho gia đình và chăm sóc chồng con. Theo bác: “Phụ nữ thì chỉ cần chăm sóc gia đình, cơm nước, lợn gà là đủ, chứ đàn bà mà làm vương, làm tướng thì trước sau gia đình cũng nát”. Bác còn đưa ra những tấm gương người phụ nữ tham gia chính trị, bỏ bê việc nhà, trai gái, bồ bịch, chồng con chán nản, gia đình tan nát…
Bác trưởng khuyên dì: “Nên nể mặt chồng, chứ đàn ông tham gia chính trị còn chẳng ăn ai, đàn bà biết gì mà nhúng tay vào, tốt nhất là yên phận thì sẽ yên thân. Chẳng ai chịu khó như nó, lúc nào cũng săm sắn giúp vợ, bỏ nó thì đời dì chỉ có nhục”.
Trước lời nói của bác trưởng, dì đứng dậy nói về quan điểm của mình rồi phân tích phải trái để mọi người hiểu hơn về công việc của dì, nhưng đáp lại bác trưởng và mẹ chồng dì tuyên bố thẳng: “Nếu không nghe lời, thì nên ly dị cho sớm”. Các con dì nghe thấy ông bà nói như vậy đã lăn ra khóc lóc thảm thiết. Dì chỉ biết nuốt nước mắt vào trong vỗ về con, và nghĩ cách thuyết phục mọi người việc dì tham gia chính trị là hoàn toàn chính đáng.
Gạt nỗi buồn sang một bên, dì lao vào công việc, càng làm dì càng thấy không như định kiến người ta nghĩ, kiểu chỗ của đàn bà chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Mà tất cả mọi việc phụ nữ và đàn ông đều có thể làm được giống nhau, chỉ cần công bằng với phụ nữ và nam giới trong mọi việc.
Dì càng được mọi người tín nhiệm bao nhiêu, chú càng tự ti bấy nhiêu, tuy không đánh chửi, nhưng chiến tranh lạnh kéo dài. Cho đến một ngày chú uống rượu nhiều nên đã phải đi cấp cứu.
Nằm viện vài tháng, tiếp xúc với bao nhiêu người, chú để ý nhất đôi vợ chồng đối diện. Lân la hỏi chuyện, chú mới biết được anh chồng là kỹ sư tin học, còn chị vợ là giám đốc của một công ty. Anh chồng hằng ngày ngoài công việc trong cơ quan, còn cùng vợ chia sẻ việc nhà, để vợ yên tâm làm việc và thăng tiến.
Nhìn cách anh ấy chăm sóc vợ sau mỗi giờ tan ca, chú thấy mình quá hẹp hòi và ích kỷ với dì, chỉ vì không muốn cho vợ hơn mình chú đã làm khổ dì và con cái mấy năm trời. Nhất là khi chú ốm, dì vẫn đến chăm sóc, thăm nuôi khiến chú càng ân hận.
Hôm chuẩn bị xuất viện, chú đã nắm tay dì xin dì tha thứ, dì không nói câu nào, nhưng ánh mắt của dì ánh lên tia hy vọng. Chú dì dắt nhau về dưới sự ngạc nhiên của cả gia đình, người độc mồm thì bảo: chắc lại được 3 bữa nửa tháng. Người thì khen từ ngày đi viện về, chắc được thay máu nên chú thay đổi dễ chịu hẳn. Chú chỉ cười xòa: “Tôi đã hiểu sai về công việc của vợ làm khổ vợ tôi nhiều, may mắn tôi được vợ tha thứ. Ngẫm ra kiếp trước tôi đã tu được ngàn kiếp” .
Có rất nhiều người vẫn còn định kiến về phụ nữ, vì thế, họ đã hạn chế người phụ nữ, người bạn đời của mình khi họ có cơ hội thăng tiến, đó là một hành động sai lầm. Quan niệm này của họ không chỉ thể hiện sự ích kỷ của bản thân mà đánh mất cơ hội của người phụ nữ và hạnh phúc của mình.
>> Xem thêm: Phụ nữ cũng góp phần tạo ra việc trọng nam khinh nữ
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.