Trưa 7/4, anh Lê Văn Vình (37 tuổi, quê Bến Tre) chở mẹ Nguyễn Thị Mỹ (71 tuổi) bằng xe máy trên xa lộ Hà Nội, hướng từ ngã tư Thủ Đức về cầu Sài Gòn. Bất ngờ, hai mẹ con bị ôtô biển kiểm soát nước ngoài va trúng làm cụ bà gãy tay. Sau khi tai nạn, nữ tài xế (khoảng 40 tuổi) chở theo một đứa bé cố thủ trong xe, mặc mọi người giúp đỡ đưa cụ bà đi viện.
Khi công an phường đến nữ tài xế vẫn không chịu mở cửa xuống. Khoảng một tiếng sau Công an TP HCM đến lập biên bản, cô này mới chịu rời khỏi xe.Vụ việc nhận được hàng trăm ý kiến trái chiều của độc giả gửi về VnExpress, tranh luận về cách xử lý tình huống của nữ tài xế lái xe chở theo con nhỏ khi gây tai nạn.
Nhiều độc giả cho rằng việc cô gái cố thủ trong ôtô như vậy là không thể chấp nhận. “Cô ta có thể giàu, có thể đẹp nhưng đạo đức căn bản của một người lái xe thì không có”, bạn đọc Đăng Khoa bức xúc.
“Cô ấy có thể mở kính cửa sổ xuống, ngó đầu ra hỏi thăm. Nếu gia đình nhà nạn nhân làm quá, cô ấy có thể khoá cửa lại và cố thủ ở trong thì ai nói gì. Đằng này ngồi chây ỳ luôn, đến khi công an phường đến, cô ấy cũng không chịu xuống xe. Thử hỏi ai không bực?”, bạn đọc Long Nguyễn nói.
Còn độc giả Devon Melfice chia sẻ: “Tôi chẳng hiểu cô ta đang nghĩ gì nữa. Cô ấy lo cho sự an toàn của đứa bé mà có thể bỏ quên trách nhiệm của mình đối với nạn nhân à? Chỉ riêng thấy người bị nạn mà không giúp đã là tệ rồi, đừng nói đến đó là tai nạn do mình gây ra”.
“Tai nạn là điều không ai muốn, nếu cô ấy cư xử đàng hoàng, bước xuống hỏi han, giúp đỡ người bị nạn thì làm sao người ta có thể đánh được chứ. Cô ấy ngồi trong ôtô chứ phải xe tăng đâu mà cố thủ cho an toàn. Nếu muốn hành hung thì chỉ cần một cục gạch là vỡ kính rồi. Tóm lại là ý thức kém”, bạn đọc nick name Người Trầm Lặng chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nhiều ý kiến khác cho rằng nên thông cảm cho hành vi cố thủ, không xuống xe giúp đỡ bà cụ của nữ tài xế. “Có thể cô ta đang lo sợ bị đánh và lo cho sự an toàn của đứa trẻ nên mới dẫn tới những người đứng ngoài bức xúc như vậy”, bạn đọc Jangdongming chia sẻ.
“Tôi cũng nghĩ vậy, có thể cô ấy là người nước ngoài, xuống xe không giải quyết được gì nên cố thủ ngồi trong xe gọi điện tìm kiếm sự hỗ trợ tin cậy”, độc giả nick name TTN nói.
Còn bạn đọc Độ Mai chia sẻ: “Tôi không thấy cô ấy cư xử chỗ nào là phi lý, vô cảm cả. Bởi người đàn ông chở mẹ không bị thương, có rất đông người giúp đỡ đưa bà cụ đi cấp cứu. Cô ấy lo sợ sự an toàn của bản thân nhất là đứa con nhỏ của mình. Chỉ khi cảm thấy an toàn, cô ta mới bước ra khỏi xe và không gây cản chở cho bất kỳ ai thực hiện nhiệm vụ. Cô ấy vẫn giữ nguyên hiện trường. Như vậy, sao trách người ta được?”.
“Không trách được cô ấy. Tôi đây cũng dính vào một trường hợp tương tự, khi tôi va quẹt vào một bác trên đường đưa con đi học. Tôi đã cẩn thận, lịch sự xuống xe đỡ bác dậy và hỏi thăm. Bác ý không bị sao cả nhưng cứ nhảy đông đổng lên ăn vạ, lao vào mở cửa xe đòi lấy chìa khoá. Con tôi trên xe thì khóc ầm vì sợ. Đó là tôi chưa kể đến mấy người tâm lý đám đông lao vào xúi bậy. Bữa đó tôi cũng rắn nên bác đó sau khi cầm 100.000 đồng rồi đi. Nói chung là nữ khi đi đường mà gặp tình huống như vậy thì việc cố thủ trên xe chờ cơ quan chức năng là cần thiết. Chưa kể bây giờ lừa đảo rất nhiều, nên càng phải cẩn thận hơn. Các bạn khác chưa gặp tình huống đó thì cũng đừng phán bừa vì chả ai nói hay được đâu. Cứ gặp đi rồi biết liền.”, độc giả Thu Hằng kể chuyện mình từng gặp phải.
“Luật giao thông đường bộ Việt Nam có quy định rõ là khi xảy ra tai nạn thì mọi người phải tham gia cứu người kể cả người gây ra tai nạn. Vì vậy, người phụ nữ này phải chịu trách nhiệm về những hậu quả do mình gây ra theo đúng luật pháp. Tuy nhiên trong hoàn cảnh này và trong tình trạng an ninh xã hội hiện tại cô ấy cần chọn cách hành động để bảo đảm an toàn cho bản thân và con nhỏ. Vì xung quanh không thiếu những kẻ đang sẵn sàng "mượn gió bẻ măng", bạn đọc Sơn Nam nói.
>> Xem thêm: Kỹ năng xử lý tình huống khôn khéo khi tức giận
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.