Những ngày qua, dư luận cả nước lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng giữ lại cầu Long Biên. Nhiều người cho rằng, đó là cây cầu lịch sử, đã chứng kiến những giai đoạn thăng trầm, hào hùng của Hà Nội hơn 100 năm nay. Nó có ý nghĩa bảo tồn về mặt di sản văn hóa.
Nhưng tôi cho rằng, chúng ta cần phải giữ lại cầu Long Biên còn vì một lý do khác nữa: Đó là cây cầu để những người có trách nhiệm tự biết xấu hổ và soi lại mình, để từ nay, chúng ta không còn những vụ tai nạn sập cầu thương tâm như vừa qua nữa.
Ngày 24/2, tại xã vùng cao Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, xảy ra vụ sập cầu treo Chu Va 6 khi một đám tang đi qua cầu. 8 người chết và 30 người bị thương nặng. Đau xót hơn, là cây cầu này mới được khánh thành đưa vào sử dụng hơn một năm.
Nguyên nhân được đổ cho một con ốc sai quy định đã đứt cáp cả một cây cầu tốt. Dư luận còn nghi ngờ khi cầu được "xây áp thêm gạch nung cho đẹp".
Dư luận đang xôn xao bàn tán trước 3 phương án bảo tồn, xây mới cầu Long Biên. Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do người Pháp xây dựng. Đến nay, qua nắng mưa, bom đạn chiến tranh, cùng bao thăng trầm của lịch sử, cầu đã tồn tại qua 3 thế kỷ. Ngoài đợt bị hủy hoại bởi bom đạn chiến tranh, cầu chưa một lần sập hay xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
Trong khi đó, Chu Va 6- một cây cầu nhỏ bé nơi núi cao khó khăn cách trở, do người Việt Nam thiết kế, thi công, thẩm định, mới đưa vào sử dụng được hơn một năm đã gây ra tai nạn thương tâm. Sau mỗi vụ tai nạn, Bộ GTVT cùng các cơ quan chức năng lại cho tiến hành rà soát các cây cầu trên cả nước. Nhưng có ai đảm bảo được rằng, tai nạn sẽ không còn xảy ra?
Một cây cầu dù qua trăm năm vẫn an toàn cho người qua lại. Một cây cầu mới khánh thành đưa vào sử dụng được hơn một năm đã cướp đi sinh mạng biết bao người.
Người Việt tự làm, tự thẩm định. Và đến lúc sập cầu cũng lại tự điều tra. Điều này thật khó chấp nhận, không lẽ công nghệ xây dựng của Việt Nam bây giờ vẫn lạc hậu hơn Pháp cả trăm năm, hay có nguyên nhân nào khác khiến công trình tồi tệ như vậy.?
Nỗi xấu hổ khắc tên trên những cây cầu Việt Nam sẽ chưa dừng lại ở đó.
Bây giờ nước ta có nhiều kỹ sư cầu đường có trình độ, nhiều khoa học kỹ thuật tiên tiến được áp dụng. Vậy mà chúng ta không làm được một cây cầu vững chắc, an toàn qua bao năm tháng như cầu Long Biên được xây ở thế kỷ XIX?
Ngay cả một con ắc neo đơn giản của cây cầu treo liên thôn ở Lai Châu mà chúng ta còn làm không xong thì mơ mộng gì đến những cây cầu thế kỷ?
> Xem thêm: Video trụ cầu Chu Va 6 được bọc bằng gạch nung
Hoàng Long
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề thời sự, xã hội tại đây.