Theo dõi phóng sự bạo hành trẻ em xảy ra tại trường mầm non tư thục Phương Anh vừa qua, lòng tôi cảm thấy buồn vô hạn. Nhìn những em bé trong clip cùng độ tuổi với con tôi, cũng xinh xắn, mũm mĩm, đáng yêu như bé nhà tôi nhưng phải trải qua những giây phút bị đánh đập, hành hạ khủng khiếp như vậy khiến trái tim tôi như thắt lại. Tôi không chỉ thương cho các con mà tôi cũng thương cho các cô giáo trong clip trên.
Là một người làm việc trong ngành mầm non, tôi biết giáo viên thường dạy nhau những mánh khóe trong nghề để bé ăn nhiều, lên cân… nhằm lấy thành tích với phụ huynh học sinh. Rất nhiều người trong xã hội tin rằng ép trẻ ăn càng nhiều càng tốt, bất chấp phương pháp như thế nào miễn điều đó tốt cho trẻ.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều bà mẹ tát con để các bé phải khóc ré lên vì lúc con khóc họ mới có cơ hội đút được thìa sữa vào miệng bé. Khi đút vào rồi nếu con không nuốt, họ bịt mũi con lại để buộc bé phải nuốt hết miếng sữa.
Tôi đã từng chứng kiến bác sĩ khuyên mẹ chồng tôi phải cho cháu nhà tôi ăn bằng mọi giá, thậm chí “nôn trớ ra lại cho ăn tiếp”. Tôi đã từng chứng kiến những người đè con mình ra đút từng thìa thức ăn vào miệng, kệ cho con giãy dụa, kêu khóc thảm thiết. Tôi thấy những hành động ấy không khác hành động của các cô giáo kia là bao.
Trong một xã hội mà những chuyện như thế này xảy ra khắp nơi, vấn đề ấy còn được mọi người xem là bình thường thì tôi cho rằng những cô Phương, cô Lý vẫn sẽ xuất hiện với tần suất dày hơn trong tương lai. Bởi vì một trong những tiêu chí của các trường mầm non là làm vừa lòng phụ huynh, mà phụ huynh thì chỉ quan tâm xem con mình có tăng cân không. Nếu tăng cân nghĩa là nhà trẻ đó dạy tốt thì lẽ dĩ nhiên các cô sẽ làm mọi cách để trẻ ăn.
Xem clip các bạn sẽ thấy, tất cả các hành vi bạo hành của các cô đều xảy ra trong giờ ăn. Nếu xã hội thay đổi niềm tin để trẻ ăn uống theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể, thế giới này sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.
Nhìn lại cô Thiên Lý, một cô gái trẻ cũng khá xinh xắn vừa bước vào nghề, vấp phải sự việc này, bị xã hội lên án, bị truy tố trước pháp luật, tôi thấy thương tình cảnh của họ. Tôi tin rằng trước đây chưa lâu, em không phải người xấu. Tôi tin rằng các hành vi của em chỉ là học theo các cô giáo “đàn chị” của em mà thôi.
Tôi tin rằng trên thế giới này, những người cực thiện rất hiếm và những người cực ác cũng như vậy. Những bảo mẫu kia không phải là những người cực ác, họ chỉ bị tiêm nhiễm niềm tin sai lệch, được học những kỹ năng chưa đúng, được rèn luyện trong một môi trường sai lầm mà thôi.
Tôi nghĩ, không phải ai cũng có khả năng phản biện, đa số mọi người cứ nhìn người khác làm và mình làm theo, lâu dần thành thói quen, thành niềm tin, rằng đây là cách duy nhất hiệu quả và làm thế là tốt cho trẻ.
Quay lại các vụ bạo hành khác, tôi cũng thấy thương những con người bị xã hội vạch mặt và lên án đó. Một người được bố mẹ yêu thương, được sống trong một môi trường an toàn, thân thiện sẽ không bao giờ đánh người.
Hành vi đánh người là do họ học được trong quá trình sống, do bản thân họ đã từng bị đánh. Do hành vi đánh đập xảy ra quá thường xuyên xung quanh họ nên dần dần họ thấy đánh người là bình thường, đánh nhiều thì quen tay, cho nên những con người đó vừa đáng giận lại vừa đáng thương.
Còn xã hội, tức là chính chúng ta, thực ra lại rất vô tình. Chúng ta chỉ lên án, phẫn nộ một cách hời hợt mà không biết rằng càng lên án, ta càng đẩy “đối tượng” vào trạng thái tự phòng vệ, tự bao biện cho mình, mà như vậy thì họ không tốt lên được. Chỉ có lòng tốt, lòng bao dung mới cảm hóa được con người.
Xã hội chúng ta không cần thêm sóng gió, không cần thêm sự phẫn nộ, không cần thêm sự chỉ trích. Chúng ta cần yêu thương. Mỗi hiện tượng xảy ra trong xã hội, chúng ta ít nhiều đều có nguyên nhân gây ra. Xin mọi người hãy sống đẹp, hãy bao dung và yêu thương nhiều hơn, lúc ấy cái xấu sẽ dần dần biến mất.
>> Xem thêm: Phóng viên Sài Gòn chụp ảnh 2 bảo mẫu tàn ác / Vẫn có người bênh 2 bảo mẫu ác độc
Chia sẻ bài viết của bạn về nhà trẻ tại đây.