Mới đầu năm Nhâm Thìn (2012), mặc cho mưa phùn, gió lạnh, hàng ngàn người vẫn ùn ùn đổ về Bắc Ninh đi lễ Bà Chúa Kho. Cầu danh lợi, thăng quan tiến chức và vay tiền là mục đích chính của phần đông những người hành hương về làng Cô Mễ. Và cũng như mọi năm, khách thập phương luôn đông đúc, chen lấn, la lối khiến đoạn đường dẫn vào đền thường xuyên trong tình trạng quá tải. Các dịch vụ mồi chài, soạn lễ cúng, khấn thuê, giữ xe mọc lên nhan nhản, bát nháo, biến chỗ thờ tự tôn nghiêm mấy trăm năm về trước trở thành nơi buôn bán thánh thần.
Lễ hội Bà Chúa Kho lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (16/2/1077). Đó là ngày giỗ kỵ để tưởng nhớ đến người phụ nữ nhan sắc tuyệt trần, lại khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia tại tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu). Bà Chúa Kho đã có công chiêu dân, lập làng, khai khẩn đất nông nghiệp ở làng Cô Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh. Năm 1075, đời Lý Nhân Tông, nhà Tống xâm lược nước ta, Bà Chúa Kho đã anh dũng hy sinh tại mặt trận sông Như Nguyệt. Đây là trận đánh quyết định và cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống (1075-1077). Cảm kích trước tấm lòng yêu nước, nhà vua đã có chiếu phong cho bà là Phúc Thần, người dân Cô Mễ nhớ ơn và lập đền thờ ở vị trí kho lương trước kia.
Thế nhưng, tấm lòng thành và công tâm của người dân xưa kia đã bắt đầu biến dạng theo năm tháng. Ngày xưa, tại đền Bà Chúa Kho, người dân hành hương với tất cả sự tôn kính, trang nghiêm, cầu cho quốc thái dân an. Nay, lễ hội Bà Chúa Kho đã biến tướng, trở nên “dị hợm” và “kệch cỡm”.
Không cần biết Bà Chúa Kho là ai, người ta đến để đánh đổi, mua danh, cầu lộc, vay mượn từ thế giới ảo, đem mưu toan của trần thế vào thế giới thánh thần. Ảo vọng và niềm tin mông muội đã làm cho con người trở nên cuồng tín hơn bao giờ hết trong những năm gần đây.
Nhân danh những tập tục, văn hóa truyền thống của cha ông từ ngàn xưa để lại, những người thực hiện lễ hội đã tiếp tay cho tình trạng mê tín dị đoan xảy ra một cách công khai quanh các lễ hội. Trong đám người chen lấn, giành giật, sì sụp khấn vái ở đền Bà Chúa Kho có nhiều người chắc mẩm rằng, nếu đi lễ và vay tiền vào đầu năm, họ sẽ được giàu có và thăng quan tiến chức?
Có thể nói rằng, lễ hội tượng trưng đã thật sự bị lạm dụng. Người ta vẫn thấy nhan nhản những chiếc xe công, những ông bà béo tốt thuê người đội mâm vàng dọn dường đi lễ Bà Chúa Kho. Trong lời khấn cầu có lòng tham vô độ, hẹp hòi và vị kỷ cá nhân, chỉ biết mình chứ không hề biết đến thiên hạ, đến quốc thái dân an. Sự mê muội, mù quáng đã dẫn dắt hàng vạn người (có người vượt hàng ngàn km đường) đi vay tiền. Không biết Bà Chúa Kho có nhận được những gì từ dương gian cúng tế và ban phát cho ai nhưng mỗi ngày có hàng chục tấn vàng mã trị giá cả trăm triệu đồng bị hỏa thiêu tại đây. Thêm vào đó là tiền xăng, tiền ăn ở, đi lại của nhiều người. Sự lãng phí không thể nào kể xiết trong lúc có người dân đói khổ đang oằn mình chống đỡ cơn bão lạm phát đang hoành hành.
Lễ dâng lên Bà Chúa Kho đã trở nên chuyên nghiệp với những mâm quả có sẵn và người khấn thuê ngay tại đầu cổng ra vào. Tất cả đều vàng chóe: “cành vàng lá bạc”, “vàng thỏi”, “vàng cục”, “vàng lá”, “đô la”… được định giá hàng tỷ USD âm phủ. Để có được những mâm lễ hàng mã ấy người ta phải chi ra bằng tiền thật không nhỏ. Lễ ít thì mấy chục nghìn, lễ to lên đến hàng trăm, thậm chí cả triệu đồng. Chỉ riêng số tiền mua lễ và thuê người cúng nhân lên con số hàng vạn người đi lễ mỗi ngày sẽ phung phí một khoản tiền lớn được các “tín chủ” mù quáng ném vào lò thiêu. Người ta gọi đây là hóa sớ dâng Bà? Phải chăng đó là thương mại hóa, cách làm tiền trắng trợn từ nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại? Con cháu và những kẻ ăn mày quá khứ sẽ phải trả giá rất đắt cho những toan tính vụ lợi, phản văn hóa, bất chấp dư luận của xã hội và công chúng.
Hãy nghe một người dân bán hàng giải khát lâu đời ở Thành phố Bắc Ninh vừa nói, vừa tủm tỉm cười: "Bà Chúa Kho được coi là thần coi kho, có bao giờ mở kho cho thiên hạ vay tiền đâu mà cứ đổ xô đi vay rồi trả. Ngay người dân kinh doanh Bắc Ninh chúng tôi cũng chỉ đi lễ đền thôi chứ có ai vay mượn gì đâu mà vẫn làm ăn sinh sống đàng hoàng. Lạ thật, các bác cứ đổ xô đi vay, trả tiền bằng vàng mã thì chỉ làm giàu cho bọn buôn thần bán thánh, vậy mà sao cứ ùn ùn đi thế nhỉ!".
Bên cạnh những tâm hồn cao thượng, cầu xin cho đất nước thanh bình, no ấm, mưa thuận gió hòa, vẫn còn đó những kẻ vị kỷ cá nhân, đặt lợi ích của bản thân mình lên trên hết. "Thương thảo và vay mượn" từ thế giới bên kia là thứ văn hóa thiển cận, điên rồ và sơ khai của những kẻ có quyền và tiền. Với tâm trạng sợ hãi, nơm nớp và lén lút, họ thường có cảm giác đứng giữa biên giới của niềm hạnh phúc và nỗi bất hạnh. Chính vì thế, cầu xin và dâng hiến lễ vật là điều không thể bỏ qua trong lễ hội Bà Chúa Kho và bất cứ những lễ hội nào cầu xin ra lộc. Họ đang tin và vẫn còn tin thế!
Mua quan, bán chức và lòng tham vô đáy vốn là tệ nạn muôn đời của trần thế. Nay, con người lôi cả thánh thần, những vong hồn ở cõi âm vào vòng xoáy vay, mượn. Của cải, tiền bạc ở dương gian là do sự lao động cần cù trong nhiều năm. Khi không mà có là viển vông, huyễn hoặc và hoang tưởng. Khi cuộc sống trở nên phức tạp hơn, những tiêu chí, định hướng cho tương lai bản thân không ổn định thì người ta tự trấn an mình bằng cách trao vận mệnh của mình vào tay một quyền lực cao siêu, dù đó là một vị thần linh hay những tiên đoán của một lá số tử vi nào đó.
Sự u mê thường đẩy con người đến vũng lầy và chìm sâu vào bóng tối.
Và như thế, lễ hội có 2 con đường. Một con đường dẫn ta về sự thăng hoa trong đời sống văn hóa. Con đường còn lại dẫn đến sự băng hoại và cuồng tín.
Văn hóa tâm linh cũng giống như thuốc an thần, nếu dùng quá liều sẽ là một thứ á phiện nguy hiểm không thể nào dứt được và hệ lụy đến nhiều năm về sau...
Văn Khoa