Cuộc sống của thầy thật nghèo, nghèo cũng đúng thôi khi đôi mắt của thầy đã thuộc về bóng tối gần ba mươi năm nay. Với người trụ cột gia đình như thế mà giữ được nếp nhà êm ấm, rộn tiếng cười trong ngõ nhỏ Hội Vũ là một điều kỳ diệu. Có lẽ, sự kỳ diệu đó xuất phát từ chính đôi bàn tay “đi tìm ánh sáng” nơi trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu.
Năm 1983, khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh nắng chói chang bởi căn bệnh thoái hóa võng mạc bẩm sinh, thầy Nguyễn Văn Hoàn xin chuyển công tác về dạy toán ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Không bi quan, hành trình đến với chữ nổi Braille và những “thiên thần” đi trong bóng tối của thầy bắt đầu bằng chữ “Ánh sáng”.
![]() |
Hành trình của thầy Nguyễn Văn Hoàn với chữ nổi Braille và những “thiên thần” đi trong bóng tối bắt đầu bằng chữ “Ánh sáng”. |
Những học sinh khiếm thị học môn toán rất khó khăn, đặc biệt là hình học. Học hình học bằng sự tưởng tượng nên việc tiếp thu kiến thức của các bạn là một quá trình kiên trì, vất vả. Một lần tình cờ chạm tay vào miếng gai dính vào đoạn dây dù, thầy lóe lên ý tưởng dạy toán bằng những miếng gai đó. Thầy vui sướng reo lên “thấy rồi” và tức tốc giục bà xã ra chợ mua đồ để thiết kế những dụng cụ dạy học đặc biệt này.
Những buổi học toán sau đó, học sinh đã “nhìn” thấy những hình tam giác, hình thang, hình thoi… có hình có khối thông qua cảm giác của đôi bàn tay với miếng gai dính trên bảng. Thầy hạnh phúc khi thấy học sinh tiếp thu bài dễ dàng hơn và háo hức với mỗi tiết học toán. Sáng kiến này giúp thầy nhận được giải B toàn quốc về sáng tạo đồ dùng học tập cho người khuyết tật do Viện Khoa học Giáo dục tổ chức.
Sự sáng tạo không có giới hạn, xuất phát từ khó khăn của những người đồng tật, thầy bắt cái khoảng không đen kịt vô định kia phải “lăn” thật mạnh cho tới khi phát ra tiếng, đánh động cả một khoảng trời tâm hồn của bọn trẻ. Bóng tối không tĩnh lặng!
Không phải học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu, tôi vẫn gọi người đàn ông sắp tuổi lục tuần này một tiếng “thầy” đầy trìu mến. Cơn mưa buổi chiều mùa hạ rả rích, tiếng mưa lộp bộp trên mái tôn của căn nhà nhỏ có ba thế hệ cùng chung sống.
Trong góc phòng, mô hình ngôi nhà năm tầng phủ bụi nằm im bên giá sách. Thầy Hoàn chia sẻ đó là ngôi nhà thầy cùng bà xã “xây dựng” hè năm ngoái, trong tương lai nó sẽ trở thành hiện thực. Đôi bàn tay của thầy thật khéo léo, ngôi nhà có nhiều cánh cửa mở tung như muốn xé tan bóng tối để đến với ánh sáng của mặt trời và muôn vàn tinh tú trên cao.
Hành trình gieo sáng trong bóng tối của thầy Nguyễn Văn Hoàn gần ba mươi năm là con đường nghị lực. Biết bao thế hệ học sinh khiếm thị đã được thầy cùng đồng nghiệp dắt tay bước ra ánh sáng của cuộc đời. Giờ đây nhiều người đã trở thành giáo viên, phiên dịch… Tàn nhưng không phế, họ là những bông hoa đẹp biểu trưng cho ý chí nghị lực vượt lên số phận.
“Anh hùng thầm lặng” Đào Thu Hương đã thốt lên: “thầy là con đò của tình thương và trí tuệ” khi nói về thầy giáo năm xưa của mình. Trong những năm học tập tại trường Đồ Chiểu, thầy Hoàn đã vun đắp tình yêu toán học cho cô học trò hiếu học này, “có rất nhiều buổi học, mặc dù đã hết giờ nhưng nếu các bạn chưa hiểu rõ thì thầy cũng không nề hà, giảng lại cho tới khi hiểu thì thôi”, Hương chia sẻ.
Trăn trở với nghề, thầy Hoàn không đồng tình với cách nghĩ của nhiều người cho rằng nên ưu ái với học sinh khiếm thị, nhất là trong việc chấm điểm. Theo thầy, làm như vậy sẽ không khuyến khích được sự vươn lên mà ngược lại các em cảm thấy bị thương hại, không được bình đẳng trong cách đánh giá như những học sinh bình thường.
Chia tay thầy, mưa vẫn trút như thác đổ, tôi ra về trong cơn mưa bạc trắng bầu trời. Nhớ tới con đò chở khách sang sông, mặc mưa gió bão bùng, đôi tay người lái đò vẫn dẻo dai từng nhịp chèo. Tiếng trống khai trường lại điểm, những trái bóng bay lên mang theo bao khát vọng, hoài bão của những học sinh trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Nhân cuộc thi “Những đôi tay kỳ diệu”, tôi xin gửi lời tri ân tới người lái đò thầm lặng Nguyễn Văn Hoàn vững tay lái trên dòng sông tri thức.
Vũ Ngọc Khánh
Từ ngày 19/8 đến 30/9, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Những đôi tay kỳ diệu" do VnExpress cùng Green Cross phối hợp tổ chức. Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 500-1.000 từ, kể về những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng thông qua hình tượng đôi tay. Xem thể lệ chi tiết tại đây Gửi bài tham dự theo địa chỉ media@vnexpress.net hoặc tại đây |