Sau khi đọc bài viết Đề xuất người vi phạm nộp phạt thẳng cho CSGT, tôi thấy có nhiều điểm bất cập như sau:
Thứ nhất, cảnh sát giao thông (CSGT) vốn không được nhận tiền từ người vi phạm, nay lại được hợp pháp hoá việc nhận tiền. Sau này, nếu có người quay phim, chụp hình được thì đều có lý do đó là "nộp phạt thẳng", mặc dù chuyện biên lai có hay không thì khó máy nào quay được.
Đề xuất này có vẻ như đang "giúp" cho những thành phần không tốt trong CSGT có cơ hội để nhận tiền mà không lo máy quay từ tất cả mọi phía nữa.
Thứ hai, ngành ngân hàng đang cố gắng để giảm thiểu việc chi tiêu bằng tiền mặt trong xã hội. Cách làm này đi ngược với xu thế chung của cả nước.
Thứ ba, nếu người dân không mang đủ tiền thì vẫn phải đến các địa điểm để nộp phạt, nên cách làm này buộc người dân luôn mang sẵn tiền, có khi đến tiền triệu. Người dân dễ bị mất tiền, chưa kể nếu có tiền thì họ có thể sẵn sàng "nộp thẳng" không cần biên lai cho CSGT luôn.
Thứ tư, CSGT ngoài việc ghi biên lai thì nay kiêm thêm việc đếm tiền trước mặt quần chúng nhân dân, vì nhiều lúc người dân chỉ có tiền lẻ nên việc làm này chắc chắn sẽ gây phản cảm.
Theo tôi, thông tư này muốn để người dân được thoải mái nhưng sẽ càng làm tăng thêm tiêu cực. Muốn dân không bị mất thời gian thì có một cách hay hơn đó là chuyển khoản vào một số tài khoản của ngành CAGT và lấy biên lai từ ngân hàng.
Khi công an phạt, yêu cầu người vi phạm ký vào thì kèm theo số điện thoại của người vi phạm. Khi người vi phạm chuyển khoản tiền vi phạm vào số tài khoản ghi trong biên lai, sau khi nhận được, bên CSGT sẽ nhắn tin vào máy người vi phạm hẹn ngày, giờ đến nhận lại giấy tờ (bằng lái, giấy đăng kí xe…).
Trong biên lai nộp phạt có ghi thêm mã số người CSGT đang làm nhiệm vụ, để sau này có hình thức khen thưởng, để khuyến khích người CSGT tích cực hơn, trong sạch hơn.
Chuyển khoản có nhiều điều tiện lợi, vì:
Thứ nhất, nó vừa làm cho người dân cảm thấy tiện lợi, không mất công đi lại, mất cả một ngày để đi nộp phạt khoản tiền chỉ vài trăm nghìn đồng.
Bằng chứng là đã có những trường hợp người dân "đút lót" tiền cho công an vì không muốn mất công đi nộp phạt lòng vòng, chứ không phải là số tiền quá lớn. Tính ra mất một buổi sáng, mà tiền lương nhiều khi gấp mấy lần số tiền nộp phạt.
Thứ hai, vừa công khai minh bạch, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Thứ ba, cách làm này vừa giúp hạn chế sự lưu thông tiền giấy trong xã hội.
Cuối cùng, cách trên vừa giúp người CSGT không đụng đến tiền, tránh gây tiêu cực. Hơn nữa sẽ nó khuyến khích được chủ trương “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Có như thế mới làm trong sạch thêm lực lượng cảnh sát giao thông, tạo dựng niềm tin trong người dân.
Cùng với sự lớn mạnh của công nghệ ngân hàng, sự tiện lợi, minh bạch và rõ ràng, thì tôi nghĩ cách làm trên có thể được sử dụng, để xóa bỏ hiện tượng "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" khi nộp phạt giao thông.
>> Xem thêm: Video hot nhất cộng đồng: thanh niên giật đổ xe CSGT
Chia sẻ bài viết của bạn về nộp phạt vi phạm giao thông tại đây.