"Tôi đề nghị nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ về đề tài "Cười ra nước mắt của người dân Việt Nam". Đó là chia sẻ nhận nhiều "like" của độc giả Tường Vi khi nói về những đề tài được cho là chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ như: "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã", "Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ", "Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm", "Hành vi nịnh trong tiếng Việt, hay "Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề"...
Câu chuyện về một người dùng Facebook đưa ra phân tích về lò sản xuất tiến sĩ ở Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam, với năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ đang gây xôn xao dư luận. Riêng VnExpress nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Nhiều người cho rằng nếu làm tiến sĩ như thế này chỉ để nghiên cứu khoa học thuần túy thì quá lãng phí tiền của, còn để trở thành quan chức lãnh đạo thì sẽ là thảm họa cho đất nước.
"Tôi chẳng biết Việt Nam mình đào tạo giáo sư tiến sĩ như thế nào mà ra nhanh như gà đẻ trứng vậy?", bạn đọc Thanh Thai chia sẻ.
Còn độc giả Việt Phùng : "Để có cái bằng ra hồn thì khâu thi tuyển phải gắt gao và minh bạch, còn bằng chả ra bằng thì cũng như tờ giấy lộn. Anh nông dân chế ra những cái máy dùng tốt nhưng không có bằng kỹ sư, không có bằng sáng chế nên chất xám "hai lúa" coi như cho mọi người xài chùa vì bị sao chép tự do. Còn anh kỹ sư, tiến sĩ thì ngồi ôm cái bằng mà không biết làm thế nào để chế tạo ra cái máy".
Bạn đọc Nguyễn Mỹ Dung chia sẻ: "Việt Nam nhiều tiến sĩ cũng không có gì lạ, khi mà ở các trường phổ thông số học sinh giỏi đếm không hết. Nhiều học sinh giỏi như vậy thì sẽ nhiều cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Chỉ có một điều là những bằng cấp đó chẳng được nước phát triển nào công nhận cả, mà chỉ để chúng ta "tự sướng" thôi. Còn một đề tài nữa tôi chưa thấy ai nghiên cứu, đó là: Chuyện thật như đùa".
Bên cạnh đó một số ý kiến khác cho rằng không thể tính bình quân thời gian để cho lò một tiến sĩ như vậy được. "Để bảo vệ một luận án tiến sĩ, mỗi nghiên cứu sinh (NCS) phải mất từ 3 đến 5 năm, trải qua bao lần phản biện trước hội đồng: Bảo vệ đề cương, bảo vệ tổng quan, bảo vệ chuyên đề... Đồng nghĩa với việc giữa thầy và trò phải thu thập thông tin, chỉnh sửa, hoàn chỉnh theo ý kiến của hội đồng. Nói chung là rất vất vả, tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức của các NCS mới bảo vệ thành công được một luận án, chứ không như mọi người nghĩ", độc giả Phạm Tùng cho biết.
Còn bạn đọc Bùi Quang Huy nói: "Nhiều bạn có ác cảm với việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam quá! Tôi bảo vệ luận án tiến sĩ ở trường Đại học tổng hợp Y-Dược Carol ở Bucuresti Romania tháng 3 năm 1999, hôm đó trong cùng một hội trường bảo vệ luận án, tôi là trường hợp thứ 3. Để có buổi bảo vệ luận án tiến sĩ này, tôi đã phải liên hệ từ tháng 9 năm 1998 vì họ luôn kín lịch".
"Nhiều người bảo tiến sĩ sao không phát minh được gì? Các bạn nói vậy là không đúng, tiến sĩ không phải nhất thiết là biết phát minh. Họ chỉ cần là người có năng lực, độc lập nghiên cứu khoa học là đủ".
"Ví dụ như trường tôi từng học là đại học Xây Dựng đa phần là giáo sư tiến sĩ dạy. Họ chẳng phát minh được gì cả, dù họ đều là tiến sĩ các trường danh giá ở nước ngoài về ngành xây dựng. Công việc họ làm là giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, viết sách... Chả ai biết họ ngoài sinh viên và những người trong ngành mới biết đóng góp của họ. Như vậy họ không xứng đáng là tiến sĩ?".
"Mặc dù có nhiều thầy nhận giải khoa học quốc tế nhưng chả ai quan tâm vì họ không nổi tiếng... Mọi người cứ đòi hỏi tiến sĩ phải như ông này không thì chỉ thua nông dân là không được. Những người có học vị tiến sĩ luôn đẳng cấp và vượt trội trong lĩnh vực của họ. Họ cũng góp phần làm thay đổi, tiến bộ công nghệ sản xuất của Việt Nam. Họ mang những thứ mới của nước ngoài về cho Việt Nam, chúng ta còn đòi hỏi gì nữa?", bạn đọc Nguyễn Tuyền nói.
>> Xem thêm: Bất ngờ với thời gian cho ra đời một tiến sĩ ở Việt Nam
Có bằng tiến sĩ nhưng thất nghiệp vì chỉ muốn lương cao
Các con bạn tôi học thạc sĩ xong, chê lương thấp không chịu đi làm nên tiếp tục học lên tiến sĩ, bây giờ họ đều thất nghiệp. |
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.