Con thực sự sốc khi biết mình phải nhập viện để phẫu thuật ung thư. Con giấu mọi người về bệnh của mình, nhưng có lẽ linh tính của Mẹ mách bảo với Mẹ điều gì đó về con.
Mẹ lặn lội từ dưới quê lên chăm sóc cho con trong bệnh viện. Sau phẫu thuật, con trở nên cáu gắt và khó chịu với hầu hết mọi người, thậm chí con còn lớn tiếng với Mẹ. Mẹ không hề giận con, ngược lại Mẹ đã động viên và khích lệ cho con rất nhiều.
Cứ mỗi ba tháng con lại phải vào bệnh viện xạ trị một lần, chất phóng xạ để điều trị trong người con ảnh hưởng rất lớn đến mọi người xung quanh đến nỗi con phải ở cách ly hoàn toàn với mọi người trong suốt hai tuần.
Mẹ vẫn mang cơm đến bệnh viện cho con và trò chuyện với con mỗi ngày. Mẹ bảo “Con đừng lo gì chất phóng xạ ảnh hưởng đến Mẹ bởi trong chiến tranh Mẹ chịu sức ép bom đạn quen rồi”. Con nhận ra một điều rằng, dường như càng lớn con càng ít khi nhẹ nhàng với Mẹ như cách con nói chuyện với những người khác xung quanh mình. Con ước mình mãi là đứa trẻ ngoan của Mẹ ngày nào.
Mùng 8 tháng 3. Cách đây lâu lắm rồi, ngày đó con chỉ học lớp 3. Con nhớ rất rõ cảm giác lần đầu tiên con tự chọn một món quà tặng Mẹ, đó là cái kẹp tóc màu xanh dương. Ngày đó, mỗi ngày đi học Mẹ cho con hai ngàn để ăn quà vặt, có lẽ hai ngàn đối với cái miệng “mỏ khoét” của con là chẳng thấm tháp gì, và đương nhiên chuyện để dành lại càng khó.
Và ngày 8.3 năm ấy sắp đến, con đến cửa hàng để hỏi giá của chiếc kẹp. Con quyết tâm nhịn ăn vặt và để dành tiền. Cuối cùng con cũng tự tin đến cửa hàng để mua về tặng Mẹ. Cảm giác đó thực sự làm con hạnh phúc, con rất thích khi nhìn Mẹ kẹp chiếc kẹp tóc đó mỗi ngày. Con theo chân Mẹ đi chợ vào ngày cuối tuần và giúp Mẹ làm những việc lặt vặt như nhặt rau, quét nhà. Ngày đó, con còn hứa chắc như đinh đóng cột rằng con sẽ không bao giờ lấy chồng để được bên cạnh Mẹ suốt đời.
Mùng 5 tháng 9. Con xa nhà để lên thị xã học trung học phổ thông, cuối tháng con về thăm nhà một lần. Mỗi dịp tám tháng ba và ngày Thương binh liệt sỹ đến, con không thể về thăm Mẹ để tận tay con cài lên tóc Mẹ những chiếc kẹp xinh xắn mà con mua tặng Mẹ. Một ngày cuối tuần, con về thăm Mẹ nhưng không báo trước.
Cửa bị khóa bên ngoài, hàng xóm nói Mẹ đã nhập viện hơn một tuần vì vết thương cũ tái phát. Con chạy thật nhanh đến bệnh viện. Nhìn Mẹ đau đớn mà con chỉ biết nắm tay Mẹ thật chặt và động viên: Mẹ ơi, cố lên! Con ra chiếc am thờ của bệnh viện và cầu khấn, lạy trời Phật hãy lấy đi bao nhiêu tuổi của con cũng được, miễn là Mẹ của con hết bệnh.
Ngày 9 tháng 9. Cuối cùng thì con cũng thực hiện được mong mỏi của Mẹ: trở thành sinh viên đại học. Đó là lần đầu tiên con phải xa Mẹ nhiều nhất, con không thể về thăm Mẹ mỗi tuần hay mỗi tháng như ngày con còn học ở thị xã. Thời gian con được bên cạnh Mẹ chỉ còn là những dịp tết và nghỉ hè.
Con đi làm thêm, đạt được học bổng khuyến khích học tập của trường mỗi học kỳ, thế là con có thêm nhiều cơ hội để tặng cho Mẹ thật nhiều quà. Có lần, con hỏi: Mẹ ơi sinh nhật của Mẹ là ngày nào? Mẹ nói: “Mẹ cũng không nhớ nữa”. Thế mà, con sinh giờ nào, ngày nào, tháng nào, nặng bao nhiêu ký và bị bệnh bao nhiêu lần thì Mẹ nhớ rất rõ.
Đêm Noel. Ngày con lên xe hoa. Cuối cùng thì con cũng đã không giữ được lời hứa của mình với Mẹ. Con lấy chồng xa. Và cái tết đầu tiên con ở xa nhà để làm tròn phận dâu thảo vợ hiền như lời Mẹ dạy. Cuộc sống gia đình, công việc, những mối quan hệ và những lo toan cuộc sống dường như cuốn con vào trong vòng xoáy của chính mình mà con không thể thoát ra được.
Con không còn thói quen ưu tiên thời gian để về thăm Mẹ. Con chỉ thường gọi điện về hỏi thăm Mẹ mỗi ngày. Con thường hay cằn nhằn với Mẹ những khi Mẹ hỏi dịp lễ này có về thăm nhà hay không. Câu trả lời của con luôn là “Mẹ ơi, con bận rồi, tết con về luôn”.
Sáng cuối tuần. Con dậy trễ hơn mọi khi nhưng vẫn không quên bật chiếc radio lên, con vô tình nghe được lời bài hát “Mẹ” của nhạc sỹ Minh Đức. Con chợt thấy chạnh lòng và òa khóc như một đứa bé. Chồng con thấy lạ, quay sang hỏi con làm sao vậy? Con nói con thấy nhớ Mẹ. Anh ấy xoa đầu và bảo con già rồi mà còn mít ướt.
Những câu từ của bài hát cứ như đang trách móc đứa con gái không ngoan của Mẹ. Con thấy mình thật vô tâm, bất chợt con nhận ra rằng, dường như con chưa từng nhớ được mái tóc của Mẹ đã bị bạc từ khi nào, vầng trán Mẹ có bao nhiêu nếp nhăn hay khóe mắt của Mẹ đã bao lần khóc vì con cái, vì gia đình, vì đau đớn khi sức ép bom đạn ngày Mẹ đi thanh niên xung phong.
Con thấy mình sao quá ích kỷ. Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua là bấy nhiêu năm con có được vòng tay Mẹ che chở. Sinh - lão - bệnh - tử: quy luật của mỗi đời người ai cũng phải trải qua, thế nhưng con thực sự lo sợ. Con sợ thời gian sẽ làm cho vòng tay Mẹ ngắn lại, con sợ mình không thể ngăn được trạm cuối của con đường mà Mẹ đang đi phía trước…
Con ước mình mãi mãi được cài trên ngực bông hồng màu đỏ và chiếc ruy băng màu xanh trong suốt cuộc đời này. Con muốn chạy thật nhanh về nhà để rúc vào lòng Mẹ như ngày con còn nhỏ, để được Mẹ thắt cho con những bím tóc thật xinh và nói với Mẹ rằng: “Con yêu Mẹ”, điều mà con và rất nhiều những người con khác có lẽ chưa từng nói với Mẹ của mình dù chỉ một lần.
“Có lúc ta quên màu tóc Mẹ, đã một thời dãi nắng dầm mưa
Có lúc ta quên nhìn trán Mẹ, còn bao nghĩ suy dù ta lớn khôn rồi
Có lúc ta quên nhìn mắt Mẹ, còn chờ ta mỏi ngóng đêm sâu
Có lúc ta quên nhìn dáng Mẹ, chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời
Có lúc ta quên thời gian qua, đường ta càng xa vòng tay Mẹ ngắn lại
Có lúc ta nghe từng nhịp đời, Mẹ thật gần sao ta quá xa
Có lúc ta quên nhìn áo Mẹ, chợt mỏng manh quang gánh chiều đông
Hát khúc hát ai quên mình có Mẹ, một ngày kia lặng lẽ bên cuộc đời
Cánh cò cõng nắng cõng mưa, Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”.
Bùi Hà Phương
Chia sẻ những câu chuyện cuộc sống của bạn tại đây.