Theo tôi cuộc sống có hàng vạn vạn thứ để ta theo đuổi nhưng tiết chế bản thân thì chỉ có một gốc rễ. Những người biết tiết kiệm tiết chế được bản thân, chẳng phải đó là một thành tựu lớn, một cuộc đua còn vĩ đại hơn khả năng cập nhật liên tục những thứ bóng loáng hay sao?
Tôi đặt hai trường hợp sau: Người làm lương tháng 3 triệu đồng, tháng nào ăn hết tháng ấy. Một người lương 100 triệu đồng, ăn hết 3 triệu một tháng và không tiêu xài gì thêm. Tại sao đối với người thứ nhất, chúng ta không hàm ý phán xét, có chăng là lời khuyên, lời động viên cho sự phấn đấu.
Còn đối với người thứ hai, bị hàng trăm chỉ trích và mang đầy những luận điểm, nào mô hình kim tự tháp nhu cầu, nào chủ nghĩa thực dụng phương Tây vào đây và phê phán. Tại sao? Anh ta có thể sống như những người kiếm được nhiều tiền chạy theo hàng hiệu, nhưng anh ta không bắt buộc mình phải như thế. Đó là lựa chọn, là bản thân của anh ta. Đèn đỏ bạn được phép rẽ phải nhưng không bắt buộc bạn rẽ phải. Đơn giản vì đó đâu phải con đường mà bạn đi.
Một thói quen của con người là chúng ta không nhìn vào mặt tích cực mà thay vào đó, chúng ta luôn cố nhìn vào mặt tiêu cực. Chúng ta không nhìn vào vẻ đẹp như cách mà nó đang hiện hữu mà luôn tìm những phản bác, những lập luận chống đối để minh chứng cho quan điểm trái ngược của bản thân.
Tất nhiên nếu không có mâu thuẫn sẽ chẳng có phát triển, nếu không có tranh đấu sẽ chẳng có phát triển. Nhưng sự phát triển chỉ thực sự có được khi chúng ta hiểu rõ được bản thân mình, mở rộng vòng định kiến của bản thân mình và thử một lần đặt mình vào suy nghĩ của người khác để hiểu rõ được cách thức mà sự việc vận hành.
Có người bảo rằng, bạn sống như thế cũng được, bạn làm 100 triệu nhưng chỉ tiêu 3 triệu đồng tiền ăn cũng được, bạn không có nhiều bạn bè, bạn có thể không có người giúp việc, bạn chỉ quan tâm tới gia đình cũng được nhưng như thế sẽ buồn lắm.
Nhưng dường như họ cũng không nhận ra một điều, đối với một cơ số người, gia đình, con cái là thành tựu, là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người.
Lại có người nói rằng anh ta làm ra nhiều mà không “dám” tiêu xài, không đóng góp được gì cho xã hội, chỉ dừng lại ở mức thứ hai của kim tự tháp. Tôi xin trích dẫn kim tự tháp theo phản hồi của độc giả Hà:
Tháp con người có 5 tầng:
Tầng 1: Nhu cầu hít thở, ăn ngủ, sinh lý, bài tiết
Tầng 2: Làm việc, An toàn, có thu nhập, có tài sản đảm bảo
Tầng 3: Tham gia vào một nhóm (tầng lớp) người đặc thù trong xã hội
Tầng 4: Được tôn trọng vì những đóng góp của mình vào xã hội
Tầng 5: Bản thân có nhu cầu tự nguyện đóng góp cho xã hội (nhu cầu thể hiện mình) như tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, làm từ thiện...
Bạn ấy so sánh người tiết kiệm (tác giả Thanh Hiếu, bài “Đi xe hơi ăn cơm với muối ớt”) chỉ ở tầng thứ 2 trong khi xã hội phương Tây, người ta mưu cần ở tầng 4 và 5. Ý kiến này có gần 3.000 người ủng hộ. vậy tôi là một người bất đồng ý kiến với gần 3.000 người ấy.
Độc giả Hà nói: “Nhiều bạn cứ lên đây khoe mình tiết kiệm nhưng thực ra mới chỉ đạt tầng thứ hai thôi. Xã hội phương Tây hơn xã hội mình là ở chỗ rất nhiều người phấn đấu lên tầng thứ 4, thứ 5.
Ông làm ra nhiều tiền mà ông không chịu đi tiêu, đi du lịch thì đố ông cảm nhận được cuộc sống khó khổ của cộng đồng, suốt ngày chi luẩn quẩn ở nhà lấy đâu ra khao khát, ý tưởng đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng!”.
Còn tôi thì nghĩ khác: Tháp con người thể hiện nhu cầu của con người. Nhu cầu khác nhau thì mức độ cũng khác nhau. Kim tự tháp này, chẳng qua chỉ là phương thức phát triển nhu cầu của những con người bình thường. Mà cuộc sống thì, vốn không phải ai cũng bình thường.
Chẳng phải có rất nhiều những người từ bỏ cuộc sống danh tiếng, địa vị để về sống một cuộc đời nông nhàn bình dị? Đơn thuần vì nhu cầu của những con người đó đã bước ra khỏi kim tự tháp mà đông đảo người đời tán đồng (Tầng 3 và 4).
Đến tầng thứ 5, chúng ta phải hiểu được, đóng góp cho xã hội là như thế nào. Nếu việc đóng góp cho xã hội là mang lại những công dân biết lao động, biết nhận thức, nhìn nhận giá trị hữu dụng thì người sếp lương 100 triệu kia đang đóng góp cho xã hội như một người cha, một người lãnh đạo, một công dân ưu tú đấy chứ.
Chúng ta cần nhiều những con người có tâm, hướng về cộng đồng nhưng chúng ta hướng tới nhiều điều to lớn quá mà quên mất: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Các bạn thích nói việc lớn nhưng để làm được việc lớn cần phải làm được việc nhỏ. Làm từ thiện đâu phải chỉ đơn giản bỏ tiền ra là đủ.
Đóng góp cho xã hội đâu phải chỉ là việc tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người trong khi anh ta còn một gia đình phải gánh vác, còn cha mẹ phải phụng dưỡng, còn anh chị em để giúp đỡ. Anh ấy đang gầy dựng một tế bào khỏe mạnh.
Từ tế bào khỏe mạnh đó sẽ lan tỏa và tạo thành nhiều tế bào khỏe mạnh khác nếu như chúng ta những con người đang chịu khó ngồi ném đá, nghĩ về những điểm tích cực: hãy mở rộng những mối quan hệ cần thiết, nhậu nhẹt, đàm đúm thời tuổi trẻ không quan trọng bằng việc cố gắng phấn đấu cho bản thân.
Nếu bạn thực sự là một người có chí lớn, trước hết hãy làm giàu nhưng tác giả bài viết “ Đi xe hơi ăn cơm với muốt ớt”, hãy lo lắng suôn sẻ cho gia đình rồi hẵng làm những việc to lớn, thay vì chỉ ngồi đó và làm “anh hùng bàn phím”.
Quan điểm của tôi là chúng ta nên mở rộng lòng ra, để cùng học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm cho nhau. Tôi cũng là một người tiêu hoang. Tôi xài tiền ít suy nghĩ, tôi biết điều đó là không tốt. Tôi muốn thỏa mãn bằng một thứ phù phiếm, bằng những hình ảnh quảng cáo, bằng những giá trị áp đặt. Tôi biết thế là không tốt khi xét ở phương diện cá nhân và ít nhiều tôi muốn mình thay đổi khi đọc được bài viết: “Sếp lương 100 triệu đi xe hơi trần tình chuyện ơn cơm với muối ớt”.
>> Xem thêm: Lương 20 triệu không có tiền dư để mua vàng
Trương Võ Đăng Khoa
Chia sẻ bài viết của bạn về cách chi tiêu sinh hoạt tại đây.