Tripadvisor, trang web thông tin du lịch uy tín hàng đầu thế giới vừa công bố bảng xếp hạng các điểm đến tốt nhất thế giới 2014 do du khách bình chọn (World Best Destinations by Travelers’ choice), Hà Nội xếp thứ 8 và là lần đầu tiên lọt vào top 10.
Với uy tín của Tripadvisor, các hãng truyền thông lớn như CNN, USA Today, Business Insider, BBC… đều đưa tin về bảng xếp hạng này trong chuyên mục du lịch của mình. Có thể nói đây là một niềm vui nho nhỏ đối với ngành du lịch Việt Nam.
Sở dĩ tôi nói là niềm vui nho nhỏ vì đó là cơ hội để phát triển đối với ngành du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, tuy nhiên để cơ hội mang lại những thành quả thực sự còn là một chặng đường dài. Bài học mới nhất là Flappy Bird đã leo lên đầu bảng xếp hạng App Store rồi lại biến mất, lẽ ra nó có thể mang lại những nguồn lợi lớn hơn
Mặc dù không làm việc trong ngành du lịch nhưng tôi có những sở thích cá nhân về du lịch, văn hóa, đời sống đô thị. Tôi thường đi trên các con phố trung tâm đông khách du lịch và xem các blog du lịch của du khách nước ngoài về Hà Nội, tôi có một số nhận xét như thế này:
Bảng xếp hạng nói trên có lẽ là bất ngờ đối với chúng ta vì không ai dám nghĩ một thành phố còn ở mức phát triển thấp như Hà Nội mà lại có thể đạt được vị trí tốt như vậy, nhưng cuộc sống lại có những lý lẽ riêng của nó.
Thế giới ngày nay đã trở thành ngôi làng toàn cầu và mỗi thành phố như một quán ăn trong ngôi làng đó. Các quán ăn tên tuổi lớn có thể đã quá đông khách và quá quen thuộc đối với một số du khách thì họ sẽ muốn tìm đến các quán ăn mới lạ.
Đối với cộng đồng du khách quốc tế, Hà Nội như một quán ăn hấp dẫn mới mở cửa trở lại sau thời gian dài bị bao phủ bởi màn sương truyền thông quốc tế về chiến tranh. Qua các blog về du lịch có thể thấy rõ những điểm mạnh điểm yếu nổi bật của Hà Nội.
Điểm yếu
Thứ nhất là giao thông: Hầu hết các du khách từ khi bước chân ra khỏi sân bay đều thốt lên: “Ôi giao thông Việt Nam thật kinh khủng” (nguyên văn là “crazy traffic”).
Thứ hai là nạn lừa đảo của taxi, hàng rong và một số dịch vụ khác
Thứ ba, môi trường ô nhiễm (rác thải, nước thải, không khí …)
Trong những vấn đề nổi cộm nêu trên thì điểm yếu thứ hai và ba là những điều du khách cũng đã ít nhiều phải lường trước khi đến các nước đang phát triển hoặc những thành phố đông khách du lịch. Tuy nhiên, vấn đề giao thông của Hà Nội thì ngoài sức tưởng tượng và đe dọa trực tiếp đến tính mạng nên điều này trở ngại lớn nhất đối với chuyến du lịch của họ.
Điểm mạnh
Thường là sau một hai ngày làm quen với việc đi lại ở Hà Nội, du khách sẽ bắt đầu thấy thích:
Đầu tiên đó là nét duyên dáng của Hà Nội (the charm): Dù là thành phố lớn, đang chịu nhiều áp lực phát triển nhưng Hà Nội vẫn ẩn hiện đâu đó nét duyên của thủ đô ngàn năm tuổi, cái nôi quan trọng của văn hóa Việt.
Hà Nội vẫn còn những di sản phố cổ, phố Pháp (French quarter), những hàng cây cổ thụ, hồ nước thơ mộng…
Thứ hai, Hà Nội là xuất phát điểm thuận tiện để khám phá những thắng cảnh nổi tiếng ở các vùng lân cận như Hạ Long, Sa Pa, Tam Cốc…
Thứ ba, nơi đây sở hữu những món ẩm thực ngon như phở, nem, bia hơi đã trở thành những từ thường được dùng nguyên văn trong các ngôn ngữ khác, cho thấy mức hấp dẫn của ẩm thực Việt với du khách.
Thứ tư là giá cả phải chăng, thậm chí là rẻ. Do mức sống còn thấp nên giá cả ở Hà Nội khá mềm so với các thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt giá khách sạn, đồ ăn… từ bình dân đến cao cấp
Người dân trên thế giới ngày càng chi tiêu nhiều cho việc “đi chơi” nên không cần nói nhiều chắc ai cũng hiểu tầm quan trọng của ngành kinh tế du lịch trong nền kinh tế vĩ mô và tác động của nó lên hình ảnh quốc gia.
Những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của ngành du lịch Hà Nội rất rõ, vấn đề là làm thế nào để khắc phục được những thách thức, nắm bắt cơ hội. Trong phạm vi bài viết này tôi không đề cập đến các vấn đề vĩ mô mà chỉ xin nêu ra vài giải pháp nho nhỏ (qua những quan sát cá nhân) để khắc phục vấn đề lớn nhất đối du khách khi đến Hà Nội hiện nay là giao thông.
Làm thế nào để tạo ra một không gian đi lại an toàn, thoải mái ở các khu vực đông khách du lịch?
Trước tiên, chúng ta cần cấm triệt để việc dựng xe máy và bán hàng quán trên vỉa hè, các tuyến phố đông khách du lịch như khu vực trong vành đai Mã Mây, Hàng Buồm, Tạ Hiện, Lương Văn Can…
Hiện nay chiều dài xe máy là vừa hết chiều rộng vỉa hè, du khách phải chen chân dưới lòng đường với đủ các loại xe cộ. Các trục từ Hàng Bông/ Tràng Thi qua Điện Biên Phủ ra quảng trường Ba Đình có không gian đi bộ khá hơn nhưng nhiều đoạn vẫn bị chướng ngại vật phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm
Thứ hai, chúng ta nên làm cầu vượt hoặc hầm bộ hành (tùy từng vị trí phù hợp) ở những đoạn đường xe cộ đông đúc mà nhiều du khách qua đường như từ tòa nhà “Hàm Cá Mập”, Công viên tượng đài Lý Thái Tổ sang bờ hồ, đoạn đầu đường Tràng Tiền, Lý Thái Tổ phía trước Nhà Hát Lớn, đoạn đầu đường Thanh Niên đi từ quảng trường Ba Đình sang…
Thứ ba, cần tạo sự thoải mái, dễ chịu cho du khách tại các không gian dạo chơi quan trọng.
Hồ Gươm là trái tim của Hà Nội nhưng hiện nay khu vực bờ hồ, nhất là hai đầu phía Hàng Khay, Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục rất lộn xộn và sập xệ, một số chỗ trang trí cả bằng hoa giả nhìn rất phản cảm.
Khu vực bờ hồ cần phải được quản lý trật tự, sạch sẽ, đẹp đẽ như một resort (có lẽ nên đấu thầu thuê một công ty quản lý chuyên nghiệp, đổi lấy quyền khai thác một số kiosbán đồ lưu niệm quán cà phê…).
Bên cạnh đó, Quảng Trường Ba Đình nên có hàng rào phân cách rõ ràng (có thể bằng những chậu hoa) ở những vị trí cấm đi và. Hiện nay chỉ có vạch sơn vàng và biển báo nhỏ, nhiều người không để ý bước vào và bị tuýt còi giật mình.
Ngoài ra, tuyến đường Thanh Niên cần chấm dứt tình trạng đi xe máy trên vỉa hè và những người câu cá bằng lưỡi chùm rất nguy hiểm cho người đi bộ…
Những vấn đề trên chỉ cần ra phố và đi dạo như một du khách, chúng ta sẽ thấy rất rõ và nếu các nhà chức trách quyết tâm khắc phục thì không phải là quá khó.
Còn về phần người dân, mỗi chúng ta hãy coi những du khách đang đi trên đường phố kia (có thể một vị khách ba lô không tên tuổi nào đó, cũng có thể là tỷ phú George Soros hay Mark Zuckerberg đó) họ đều là những vị khách đến ăn ở “quán” của chúng ta.
Họ là những người trực tiếp hoặc gián tiếp tạo công ăn việc làm và thu nhập cho chúng ta. Hãy đối xử tốt với họ, đơn giản nhất là nhường đường cho họ, đừng bóp còi ầm ĩ, phóng xe như bay trước mặt khi họ sang đường.
>> Xem thêm: Những hồ nước thơ mộng, quyến rũ của Hà Nội
Chia sẻ bài viết của bạn về du lịch tại đây.