Sau khi VnExpress.net đăng bài “ Người Việt gánh nặng thuế phí”, đã có rất nhiều ý kiến của độc giả phản hồi về vấn đề này. Phần lớn độc giả cho rằng mức thuế, phí gấp 3 lần các nước trong khu vực là quá cao và cần thiết phải có những phương án để giảm thu, trong khi đó vẫn đảm bảo cân bằng ngân sách.
Độc giả Minh Anh cho rằng: “Đây là lần đầu tiên Ủy ban Kinh tế Quốc hội có một báo cáo nhìn thẳng vào sự thật, thể hiện đúng vai trò giám sát và cảnh báo. Phản ánh đầy đủ về sức khỏe nền kinh tế hiện nay đồng thời thể hiện được tính hệ thống, khoa học trong số liệu”.
“Các Ủy ban khác trong Quốc hội nên có báo cáo hàng năm dạng này và công bố trước Quốc dân đồng bào để Chính phủ nhìn vào đó mà điều chỉnh mình theo từng năm để đất nước, nhân dân giàu mạnh”.
Đồng quan điểm này, độc giả Nguyễn Văn Bảy phát biểu: “Tôi rất tâm đắc với báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Dân ta còn nghèo, thu nhập thấp nhưng giá cả những mặt hàng thiết yếu của cho cuộc sống (điện, nước, xăng dầu,...) và các loại thuế phí thì quá cao so với khu vực. Cái cốt lõi cần giải quyết là bao giờ đến đoạn kết của "điệp khúc tăng giá". Người dân đang trông mong vào tiếng nói của từng đại biểu quốc hội.”
Khi đọc bài viết này, độc giả Duy Anh nhận xét: “Từ hồi tôi có một công ty nhỏ, tôi mới hiểu thuế và lãi suất ngân hàng của Việt Nam cao đến mức nào. Chính vì vậy mà người ta tìm cách để lách, để trốn thuế, doanh nghiệp nước ngoài họ chuyển lợi nhuận ra nước ngoài còn doanh nghiệp tư nhân thì tìm cách trốn thuế. Kết quả là tạo ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh và một môi trường tốt cho tham nhũng và nhũng nhiễu.”
“Gần đây các cơ quan thuế đã cải tiến nhiều thủ tục hành chính, doanh nghiệp đã đỡ vất vả hơn trước nhiều. Mong rằng trong thời gian tới, Chính phủ có những quyết định đột phá tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội cạnh tranh và hội nhập với bạn bè các nước - độc giả này kiến nghị.”
Mức thu thuế, phí của Việt Nam cao hơn nhiều lần các nước trong khu vực. Ảnh: Internet |
Lo lắng về thực trạng thuế, phí quá cao sẽ dẫn tới những bất ổn kinh tế, nhiều độc giả hiến kế để giảm gánh nặng chi tiêu ngân sách, góp phần giảm các loại thuế, phí.
Độc giả tên Hùng phân tích: “Muốn giảm thuế thì trước hết chúng ta phải biết rõ nguyên nhân phí, thuế cao vì đâu. Thực ra Chính phủ phải thu phí thuế cao để đảm bảo cân bằng thu chi. Muốn giảm thuế và phí chỉ có cách duy nhất là tăng hiệu quả bộ máy, giảm thất thoát lãng phí tham nhũng, để giảm chi tiêu ngân sách. Trước tiên bộ máy thừa quá nhiều người và có quá nhiều đoàn thể tổ chức chính trị xã hội từ cấp xã đến cấp trung ương chồng chéo hưởng lương ngân sách.”
“ Phải giảm 30% biên chế đi. Tiếp theo là kêu gọi toàn dân cùng chung tay chống lại tham nhũng lãng phí. Sau khi giảm biên chế thì tăng lương cho những người còn lại để các cán bộ, công nhân viên chức nhà nước có động lực để làm việc.”
Độc giả Bình Minh thẳng thắn nhìn nhận: “Việc giảm thuế, phí phải qua một quá trình điều chỉnh lâu dài để cân bằng ngân sách, để làm được điều này cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là những cán bộ đứng đầu từng ban, ngành cần đề cao chữ Tâm trong công việc”.
Độc giả Thành Nhân cho rằng việc giảm thuế, phí là vấn đề cực kỳ khó khăn, phức tạp nhưng không phải không làm được. Nếu chỉ nhìn vào bảng thống kê thì có lẽ tất cả chúng ta đều phải thốt lên, “sao mà dân Việt Nam khổ quá!”, tuy nhiên nhìn vào bức tranh tổng thể, công bằng mà nói, thuế, phí cũng là để phục vụ lợi ích của nhân dân.
Tuy nhiên điều gây thắc mắc trong dân chúng là mức chi ngân sách và các danh mục chi tiêu phải hợp lý, công khai minh bạch. Có như vậy mới thuyết phục được người dân.
Chúng ta cần có một kế hoạch dài hơi và đội ngũ chuyên gia giỏi để khắc phục tình trạng này càng sớm càng tốt. Chuyên gia giỏi không thiếu, nếu tập hợp đủ và có đầu tư đúng đắn, Nhà nước hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng này tiến tới hợp lý hóa thu - chi ngân sách trong vòng 7-10 năm tới.
Thạch Lam
Chia sẻ ý kiến, quan điểm của bạn về đời sống xã hội tại đây.