Thực trạng hàng rong tại Việt Nam
Hàng rong đã có từ rất lâu, là một phần không thể thiếu của cuộc sống của người Việt Nam ta từ thời xa xưa.
Về nguồn gốc, gánh hàng rong xuất phát từ những buổi họp chợ, nơi người ta thường mang vác, gánh thồ hàng hoá của mình để mua bán, trao đổi với khách hàng. Dần dần, nhằm tăng doanh thu, người ta đem gánh hàng của mình đến từng làng, con hẻm, khu dân cư, những nơi tập trung đông người để buôn bán.
Hàng rong đáp ứng nhu cầu rẻ, tiện lợi bởi chủ nhân của những gánh hàng rong đa số là người dân nghèo, vất vả lao động để kiếm sống. Họ gánh gồng những món hàng khắp các nẻo đường trên đôi vai chai hằn nhỏ bé để chào mời khách vãng lai. Ngày nắng thì cực nhọc, ngày mưa trong lòng họ tràn ngập nỗi lo ế hàng.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhu cầu con người chúng ta ngày càng tăng cao. Hàng rong vẫn duy trì cách bán buôn theo kiểu cũ, gây ra những bức xúc nhất định như chế biến thực phẩm sơ sài, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Cao điểm nhất gần đây là những vụ lấn chiếm lòng lề đường, người bán hàng rong bị nhân viên trật tự đô thị đánh ngất xỉu gây phản cảm, bức xúc cho dư luận.
Về pháp luật, lòng lề đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích giao thông, không một cá nhân, tổ chức nào được tự ý lấn chiếm để sử dụng cho mục đích cá nhân. Hàng rong cũng không ngoại lệ, việc này đã được ghi rõ trong Điều 35, khoản 2, điểm a Luật giao thông đường bộ năm 2008.
"Không được thực hiện các hành vi sau đây: Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ". Phương tiện, tang vật của người bán hàng rong là chiếc xe đẩy tay, từ cái xô, cái nồi, bàn, ghế cho đến những thứ nhỏ nhất có thể là gói bánh, trái cây... đều có thể bị tạm giữ hoặc tịch thu (Điều 26, Luật xử lý vi phạm hành chính đã ghi rõ).
Về thẩm quyền xử lý, lực lượng trật tự đô thị được UBND thành phố, quận thành lập dưới sự chỉ đạo của họ để kiểm tra, xử lý vấn đề buôn bán, lấn chiếm lòng, lề đường và các nhiệm vụ khác. Chính vì vậy, công việc của họ là hoàn toàn hợp pháp và được pháp luật bảo hộ.
Tuy nhiên, một số người do thiếu hiểu biết pháp luật thường chỉ lên án bằng suy nghĩ, cảm giác cá nhân và hoàn toàn không có căn cứ pháp luật về quyền hạn cũng như nghĩa vụ của lực lượng trật tự đô thị.
Ngoài công việc chính phải làm, lực lượng trật tự đô thị còn thực hiện nhiều việc không tên khác mà những lực lượng khác không đủ người nên họ phải lấp vào vị trí đó. Nguy hiểm luôn rập rình, thế nhưng họ vẫn phải làm vì đó là công việc phục vụ xã hội chứ không phải phục vụ riêng cho bất kỳ cá nhân nào.
Cuộc sống cũng có mảng tối, mảng sáng, con người luôn hướng tới cái thiện, cái đẹp, thậm chí phớt lờ mảng tối để nhìn nơi có ánh sáng. Thế nhưng, mảng tối vẫn tồn tại khách quan và không bao giờ biến mất theo lối tư duy “không biết không có tội”. Chính những gánh hàng rong là nhân tố tạo điều kiện cho việc cạnh tranh không công bằng về giá cả thực phẩm, chế biến đối với các quán ăn, nhà hàng.
Nguyên nhân là các quán ăn, nhà hàng đều phải đóng thuế kinh doanh, chi phí mặt bằng, đào tạo an toàn vệ sinh thực phẩm, dụng cụ chế biến phải được rửa sạch sẽ, khô ráo và được kiểm tra thường xuyên.
Trong khi đó, những gánh hàng rong thì không phải chịu những chi phí trên. Tô chén, đũa, muỗng sau khi khách dùng xong chỉ được tráng qua bằng một xô nước nhỏ rồi lau khô bằng chiếc giẻ cáu bẩn. Bán nơi này xong, họ lại di chuyển tới nơi khác và cái vòng quay ấy lại tiếp diễn.
Khi khách hàng bị ngộ độc thực phẩm như tiêu chảy, ói mửa thì câu trả lời mà các bạn thường gặp phải nếu như tình cờ gặp lại người bán rong trên là: “Người ta ăn có bị gì đâu? Chắc tại anh (chị) bụng yếu nên mới vậy”. Cuối cùng trách nhiệm thuộc về ai? Tất cả đều được đổ thừa do chính quyền quản lý yếu kém.
Thế nhưng, người bán hàng rong đa phần là người nghèo, chỉ có một số ít là người bản xứ, còn lại phần lớn là dân nhập cư. Vì miếng cơm manh áo, họ phải mang vác, nặng gánh, thậm chí phải vay nóng để lấy vốn buôn bán. Họ sẵn sàng đánh nhau để tranh giành chỗ bán, nơi có đông người qua lại.
Một số ít người không đủ sức tranh giành thì phải đi thuê hoặc mua lại phần lề đường mà người bán trước để lại với giá không tưởng hoặc phải gánh, đẩy hàng rong trên khắp các nẻo đường. Chính vì cuộc sống mưu sinh quá vất vả nên họ bị xếp vào tầng lớp bần cùng, nghèo khổ của xã hội.
Ai cũng biết TP. HCM là nơi tập trung kinh tế, văn hóa, dịch vụ hàng hóa thuộc bậc nhất của cả nước. Người nghèo cũng nghĩ vậy, họ di dân vào thành phố, thuê nhà trong những phòng trọ rẻ tiền, chật chội, nóng nực để buôn bán.
Họ phải nấu nướng trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, thậm chí có thể gây hỏa hoạn giữa khu ổ chuột. Họ thà sống trong cực khổ, kiếm cái ăn hàng ngày với mong ước đổi đời còn hơn quay lại quê hương để mãi sống trong kiếp nghèo.
Họ bị xua đuổi bởi những người bán hàng khác, bị đô thị tạm giữ hàng hoá để phạt hay tịch thu tang vật là chiếc xe đẩy, đôi quang gánh hay cái nồi, lò nướng... khi lấn chiếm lòng, lề đường và xả rác, đổ nước thải gây mất vệ sinh. Cuộc sống của họ đã nghèo lại càng khổ hơn trong sự khó khăn chung của nền kinh tế.