Người gửi: Kiet
Điểm số chẳng phải là vấn đề quan trọng. Việc quan trọng nhất là nhận thức của học sinh về việc học Văn và thái độ của Bộ GD&ĐT. Cháu cũng là học sinh vừa tham dự kì thi tốt nghiệp vừa qua. Quả thật, điểm Văn khiến cháu đau đầu lắm nhưng cháu nghĩ là lỗi chẳng phải chỉ ở chúng cháu.
Chúng cháu học Văn để có những hiểu biết về cuộc sống, về cách đối nhân xử thế cũng như cách ứng xử khi sắp bước vào cuộc đời. Qua một số trang báo, cháu đọc được thì quan điểm của Bộ quá ư là khắt khe về thang điểm.
Đồng ý là cho điểm đến từng chi tiết để giáo viên tỉnh này không thể "thẳng tay" với học sinh tỉnh khác nhưng cũng chính vì thế mà đôi khi những suy nghĩ còn chút con nít của chúng cháu bị đè lên bởi bàn tay của những người lớn. Làm sao để có thể hiểu rõ tường tận một con người, cũng như là hiểu được tòan bộ tâm tư mà tác giả gửi vào tác phẩm?
Các cô, các chú làm công trình nghiên cứu Văn học thì cũng đi xuyên về một khía cạnh nào đó thôi chớ chẳng thể xuyên thấu vào oàn bộ ý tứ của tác giả. Ngày nay, ta học lại những tác phầm hay của các vị "cao nhân" ngày trước là để khơi dậy cho thế hệ trẻ những suy nghĩ tích cực về ngày mai.
Thế hệ trẻ hôm nay có những suy nghĩ và sáng tạo nhưng tại sao những sáng tạo ấy lại bị đè nát bởi thang điểm quá chi tiết? Các cô, các chú có những suy nghĩ của người lớn, có những khoảng thời gian từng trải để thấu rõ về cuộc đời này. Còn chúng cháu thì chỉ mới 18 tuổi, mặt khác, chúng cháu còn phải chịu sự quản thúc của ba mẹ thì làm sao có những trải nghiệm để thấu hiểu về cuộc đời?
Suy nghĩ của mỗi con người là khác nhau nên phần nào ta cũng nên tôn trọng chúng, miễn là chúng đừng quá đáng. Những gì cháu viết để đây là suy nghĩ của một đứa nhóc 18 tuổi với những suy nghĩ đôi khi còn thơ ngây và bất chợt.
Cháu chỉ viết với tâm tư và hy vọng rằng đàn em phía sau sẽ chẳng phải chịu những ép buộc mà cháu gọi nôm na là "Án Văn cuộc đời".