Ngày 12/12, clip do PV báo Tuổi Trẻ ghi lại những hình ảnh tại trường mầm non tư thục Hải Âu (Dĩ An, Bình Dương) khiến người xem phải rùng mình vì giáo cụ dạy trẻ ở đây dùng bằng dép, thìa inox... Hễ trẻ khóc, thậm chí chỉ ngọ nguậy trước giờ đi ngủ hoặc chưa kịp dọn gối sau khi ngủ dậy cũng bị cô giáo dùng tay tát, vả vào mặt, hay dùng bất cứ vật gì có trong tay đập vào đầu đứa trẻ.
Clip tiếp theo tại Trường mầm non Tư thục Phương Anh (quận Thủ Đức, TP HCM) sáng nay 17/12, khiến người xem phải rợn tóc gáy với những cảnh bóp cổ, gí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát bôm bốp vào mặt trẻ của cô giáo. Chỉ trong vòng một phút, cô giáo đã tát liên tiếp 28 cái vào mặt một bé trai.
Bảo mẫu là người được phụ huynh các bé tin tưởng, gửi gắm để trông coi, chăm sóc trẻ nhỏ. Lẽ ra họ phải dành hết tình thương của người mẹ, người chị cho các cháu. Thế nhưng, thời gian qua liên tục xuất hiện những bảo mẫu mất nhân tính, đánh đập dã man, đi ngược lại đạo lý, thậm chí, có trường hợp, bảo mẫu đã giết chết những đứa trẻ vô tội.
Trước đó dư luận đã phải nhiều phen phẫn nộ trước các vụ bạo hành trẻ em tàn độc của những cô bảo mẫu đội lốt quỷ dữ.
Năm 2008, một vụ bạo hành trẻ em làm dấy lên sự căm phẫn tột độ trong lòng người dân, đặc biệt là những phụ huynh có con nhỏ. Bà Quảng Thị Kim Hoa (ngụ khu phố 3, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị phát hiện khi clip ngược đãi trẻ em được đăng tải.
Những đứa bé được bà Hoa cho ăn bằng cách túm tóc giật ngược mặt lên trời để đút cơm. Bé nào không ăn, bà Hoa đánh vào mặt để cho các bé sợ hãi mà ngoan ngoãn nuốt từng thìa cơm. Kết thúc vụ việc Quảng Thị Kim Hoa bị tuyên án 1 năm 6 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích đồng thời phải bồi thường cho gia đình cháu Duyên 6,8 triệu đồng.
Vào cuối tháng 11/2010, một đoạn video ghi lại cảnh người phụ nữ to béo tên Trần Thị Phụng (52 tuổi, ngụ ấp Bình Thuận 1 - Thuận Giao - Bình Dương) đánh đập một em bé khoảng 2 tuổi. Trong clip là hình ảnh em bé khóc ngất và cố gắng thoát khỏi bàn tay của mụ phù thủy trước những ca nước xối liên tục vào mặt. Tắm xong cho bé bà bảo mẫu kia cũng không thèm mặc quần áo, để mặc bé khóc và lạnh. Sau cùng Trần Thị Phụng bị tuyên án 24 tháng tù giam và bồi thường thiệt hại tinh thần cho bé Hồ Thị Thúy Ngân 5 triệu đồng.
Các trường hợp thương tâm này chủ yếu xảy ra tại các vùng có các khu công nghiệp, nơi người dân chủ yếu là những người lao động chân tay, thu nhập thấp. Đời sống công nhân xa xứ thiếu thốn, những đứa trẻ thiếu nơi được chăm nom. Nhà trẻ là nơi duy nhất họ có thể nhờ cậy để gửi con để có thời gian đi làm. Là những ông bố bà mẹ, ai mà không mong muốn con mình có được một nhà trẻ tốt để họ an tâm. Thế nhưng những nơi đầy đủ điều kiện thì quá xa xỉ đối với đồng lương phải chạy ăn từng bữa của họ.
Những tưởng chỉ bấy nhiêu vụ việc tày đình đã đủ làm dư luận phẫn nộ, xã hội càng phải quan tâm hơn, các cơ quan chức năng phải ráo riết vào cuộc để chấn chỉnh tình hình và quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các trường mẫu giáo tra tấn, hành hạ trẻ.
Thế nhưng những Hải Âu, Phương Anh vẫn không biết sợ hãi, vẫn ra đời, và vẫn không bị ai quản lý, giám sát.
Những nhà trẻ đọa đày này chỉ bị lôi ra ánh sáng khi các cơ quan truyền thông vào cuộc, khi các clip được ghi lại làm bằng chứng xác thực. Sau mỗi vụ việc, những bảo mẫu được ghi lại trong clip tất nhiên sẽ bị lĩnh án phạt. Và dường như án phạt đối với những “ bảo mẫu” dã man vô nhân tính kia cũng chẳng thấm thía vào đâu khi những vụ việc kinh hoàng khác vẫn liên tiếp xảy ra.
Vậy một năm đang có bao nhiêu nhà trẻ, cơ sở mầm non được thành lập và hoạt động không phép, không ai thanh kiểm tra?
Người lớn chúng ta lại phải chứng kiến bao nhiêu trường hợp trẻ em bị chết oan tại các nhà trẻ nữa? Hay để đến khi sự việc xảy ra bố mẹ lại khóc ròng vì đau xót, vì mất con, người ngoài cuộc lại phẫn nộ và thương cảm. Các “bảo mẫu” kia lại là những người “cố ý gây thương tích” hay “vô tình gây ra cái chết”. Các cơ quan chức năng lại một lần nữa “rút kinh nghiệm, khẳng định sẽ tiếp tục chấn chỉnh” nhưng rồi lại đâu vào đó.
Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý, mà trước hết ở đây là chính quyền, công an địa phương.
Trên đất nước này còn bao nhiêu nhà trẻ ngục tù như Hải Âu, Phương Anh chưa bị phát giác? Bao nhiêu bé thơ đang đau đớn tủi nhục mà không ai biết vì các em chưa thể cất tiếng nói?
Phải làm sao đây để chấm dứt tình trạng này, để các em thơ được sống trong một môi trường yêu thương thực sự và những phụ huynh không còn phải thấp thỏm lo âu hay nửa đêm giật nảy mình vì sợ chuyện “ chẳng may” đó lại rơi vào con mình khi gửi con tại nhà trẻ?
>> Xem thêm: Phẫn nộ: video cô giáo dạy trẻ bằng dép, thìa inox / Video cô bảo mẫu trẻ tuổi đày đọa các bé mầm non
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.