Từ vụ tai nạn giao thông giữa xe cứu hỏa với xe khách 45 chỗ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 18/3, làm 6 người bị thương và một chiến sỹ công an tử vong. Tôi cũng đang là người lính cứu hỏa khi nghe tin này đã không khỏi xót xa và trăn trở nhiều điều.
Tôi xót xa khi một đồng nghiệp tử nạn ngay đường đi làm nhiệm vụ mà đáng nhẽ có thể cứu được những người khác. Đó là nghịch cảnh, là xót xa chồng lên mất mát. Bởi để đào tạo được một người lính chữa cháy không hề dễ dàng. Nếu là chiến sỹ nghĩa vụ phải qua nhiều tháng huấn luyện đổ mồ hôi, thậm chí là máu nơi thao trường.
Khi vượt qua và hoàn thành được khóa huấn luyện, mới được phân bổ về các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Kỹ càng hơn, các đơn vị trực tiếp nhận tân binh tiếp tục huấn luyện bổ sung khoảng một tháng nữa, cho phù hợp với địa bàn quản lý và phương tiện sẵn có mới chính thức đưa vào thường trực sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Còn trăn trở ư? Thật nhiều điều muốn nói. Đó là ý thức tham gia giao thông của người Việt đa số còn chưa cao và nắm rõ luật. Chẳng thế mà khi tai nạn xảy ra, vẫn nhiều luồng tranh cãi trên mạng xã hội, thậm chí có người còn đặt câu hỏi: Trường hợp này xe chữa cháy đúng hay sai?
Trong khi Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã quy định rõ ở điều 22: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ được quyền ưu tiên. Trong đó, không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ. Đối với các phương tiện đang lưu thông khác khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên,…
Bản thân là người ngồi trực tiếp trên xe chữa cháy, cứu nạn-cứu hộ gần như hàng ngày, tôi đã thấy người dân chen lấn xe cứu hỏa cả khi hụ còi. Ngồi trên xe, tôi phát đi thông báo yêu cầu các phương tiện nhường đường cho xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ và được đáp lại bằng sự di chuyển hết sức chậm chạp. Chỉ bấy nhiêu thôi mới thấy khổ tâm và buồn đến mức nào.
Với những người lính cứu hỏa trong ca trực khi nghe kẻng, chuông báo cháy chỉ có 60 giây để xuất xe khỏi đơn vị. Đó là điều lệnh chiến đấu, là mệnh lệnh cấp trên mà chúng tôi buộc phải tuân thủ, thi hành.
Công việc của chúng tôi là vậy, nhưng mấy khi được nhiều người hiểu. Ở hiện trường đám cháy, họ la ó, mắng chửi chúng tôi sao không nhanh hơn nữa. Chúng tôi lúc nào mà chẳng trong tư thế sẵn sàng, nhận được lệnh là lên xe đi ngay, cố gắng hết sức có mặt ở hiện trường đám cháy càng nhanh càng tốt, sao dám chậm trễ.
Tôi nói ra để trải lòng, để hiểu nhau hơn, chứ tuyệt không có ý đổ lỗi. Vì vẫn còn nhiều người dân rất ý thức, hiểu biết sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vất vả, hiểm nguy với những người lính cứu hỏa. Đó là nguồn động viên to lớn để chúng tôi sẵn sàng xông vào khói lửa, hiểm nguy nhằm cố gắng cứu lại cái còn trong cái mất.
Qua vụ tai nạn đáng tiếc trên, đúng sai như thế nào? Ai đúng tới đâu? Ai sai những gì? Còn cần chờ kết quả điều tra làm rõ, nên chúng ta không bàn tới. Ở đây, đơn giản tôi chỉ xin được “thay lời muốn nói” của hàng nghìn người lính cứu hỏa vẫn đang ngày đêm không chỉ phải đối mặt với nguy hiểm nơi hiện trường đang chờ đợi, mà còn phải đối diện với chính thách thức giao thông ngay mỗi mét vuông đường khi đang đi thi hành nhiệm vụ.
Ngoài tính mạng của chính người không nhường đường và những cán bộ chiến sỹ trên xe chữa cháy ra, chúng ta hãy nên nhớ còn rất nhiều tính mạng nơi xảy ra sự cố có thể bị đe dọa, có thể bị tước đoạt nếu chúng tôi đến muộn.
Cho dù Luật đã quy định rõ và người tham gia giao thông buộc phải chấp hành, nhưng tôi vẫn tha thiết kêu gọi mọi người khi tham gia giao thông hãy nhường đường lập tức cho chúng tôi nếu có thể. Các bạn chậm lại vài giây, cùng lắm là một phút thôi, không nhiều đâu. Từng ấy thời gian không thể giúp bạn kiếm ra nhiều tiền và nó cũng không làm bạn nghèo đi, nhưng nó có ý nghĩa vô cùng với những người đang gặp nạn và cần được cứu.
Không phải ngẫu nhiên Pháp luật quy định xe chữa cháy là một trong những xe ưu tiên hàng đầu trong các xe được ưu tiên. Vì chúng tôi có thể cứu được rất nhiều người đang khắc khoải chờ đợi. Chúng tôi và những người đang cần cứu giúp phía trước biết ơn các bạn nhiều lắm.
(Đội trưởng thuộc Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh)
Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.