"Chi 1000 tỷ đi nước ngoài là điều bình thường, cái quan trọng là sau khi chi 1.000 tỷ để đi học hỏi ấy ta làm lợi cho nước nhà được mấy ngàn tỷ?" là câu hỏi của độc giả Huỳnh Anh Nam sau bài viết "Bốn bộ ngành chi hơn 1.000 tỷ đi nước ngoài một nhiệm kỳ". Đồng thời VnExpress cũng nhận được nhiều bình luận của các độc giả khác xoay quanh vấn đề chi tiền để cán bộ đi công tác nước ngoài.
"Nếu đi nước ngoài mà học hỏi và đem lợi ích về cho đất nước thì nên đi, còn gây tốn kém, hoang phí thì phải xử lý kỷ luật ngay"- Độc giả Thông bình luận.
Ngay lập tức, độc giả Thien Truong hỏi lại rằng: "Làm sao xác định được lãng phí hay hiệu quả?"
Độc giả có nick thitnmtphucyen cho rằng: "Tôi nghĩ trong giai đoạn hội nhập thì việc đi nước ngoài cũng hết sức bình thường nếu việc đó là cần thiết, phục vụ công việc. Nên nhớ đi nước ngoài tức là họ cũng đang làm việc, đi 163/365 ngày thì cũng là bình thường vì đặc thù của ngành, họ phải làm việc đối tác nước ngoài chả nhẽ làm việc qua điện thoại? Tôi hiểu lý do vì sao các bạn phản ứng, bởi hầu hết đều nghĩ rằng đi nước ngoài là đi du lịch chứ không phải làm việc... Tôi có quen anh bạn làm việc cho doanh nghiệp đa quốc gia, tháng nào cũng phải đi nước ngoài 2-3 lần và thực ra nhiều khi anh cảm thấy rất mệt mỏi vì công việc trong khi hàng xóm ai cũng bảo sướng".
Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng nếu thật cần thiết trải nghiệm hãy cử đoàn sang nước ngoài:
"Thời buổi này làm online, giao tiếp online, hội họp online, mua sắm online... bạn tôi ở Việt Nam mà vẫn có thể làm tốt một công việc tận Mỹ, mà chưa hề đặt chân qua đó. Thời đại 4.0 rồi, đâu phải cái gì cũng phải gặp nhau trừ khi qua tận nơi để trải nghiệm thực tế một sự việc, một hệ thống gì đó thì hãy qua. Đó là ý kiến của tôi cho việc tiết kiệm chi phí" độc giả David Nguyen.
Độc giả Thanh Binh Nguyen thì cho rằng: "Vấn đề đáng tìm hiểu và chê trách là người ta có lạm dụng đi nước ngoài không? Nếu là làm việc thì đi nước ngoài khác gì đi công tác: cũng mất thời gian, công sức, việc gia đình bị gián đoạn chứ sung sướng gì! Chỉ người ít đi nước ngoài mới khao khát thôi. Thử một năm lang bạt trên máy bay, ngủ khách sạn ăn cơm hàng suốt sẽ thấy khổ thế nào?".
"163 ngày ở nước ngoài cũng là 163 ngày làm việc. Quan trọng là có ai chứng minh được trong 163 ngày đó thì thực tế xử lý công việc sẽ mất bao nhiêu ngày, số ngày còn lại là như thế nào? độc giả có nick chauphuong bình luận.
Cần đánh giá đúng đắn hiệu quả của những chuyến đi nước ngoài là ý kiến của nhiều độc giả:
"Đừng đếm số lượng đi bao nhiêu lượt. Hãy rà lại xem mục đích của từng chuyến đi và kết quả đạt được để đánh giá mới đảm bảo tính chính xác, công bằng"- độc giả Nguyễn Thanh Nhã.
Đồng quan điểm trên, độc giả Quang Huy: "Tôi không ủng hộ việc lãng phí, nhưng đi công tác nước ngoài cũng là nhiệm vụ, chứ không đơn thuần chỉ là đi chơi. Nên việc lấy số lần đi công tác nước ngoài trong năm để so sánh, đánh giá đôi lúc phiến diện".
"Quy định cố định số lần đi nước ngoài trong năm là không phù hợp với xu thế hợp tác đa phương trong thời điểm hiện nay. Vấn đề chính là kiểm tra nguồn kinh phí chi trả cho các chuyến đi, mục đích chuyến đi phù hợp với công việc, chương trình công tác năm đã đặt ra, thành phần tham dự không, thời đại công nghệ kiểm tra những việc này này không khó"- độc giả Hoài Dung.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.