Sau khi đọc bài viết “Chuyên gia nghi ngờ chất lượng ốc neo cầu Chu Va”, tôi hoàn toàn đồng ý với kỹ sư Tuấn Anh. Đúng là do thi công không tốt, nhập nguyên liệu không đảm bảo chất lượng mới nên mới xảy ra trường hợp đáng tiếc làm nhiều người tử vong như vậy.
Trong lịch sử thế giới cũng đã từng xảy ra hai vụ sập cầu treo. Câu chuyện đầu tiên xảy ra khi Napoleon lãnh đạo quân Pháp đánh chiếm Tây Ban Nha. Đoàn quân của Napoleon phải đi qua một chiếc cầu sắt bắc ngang qua một bờ sông. Như thường lệ viên sĩ quan chỉ huy hô vang khẩu lệnh: Một… hai … một … hai … Các binh sĩ bước đều và giậm chân mạnh theo khẩu lệnh.
Khi họ đi đến gần bờ sông bên kia, bỗng nhiên có một tiếng động rất to. Ngay tức khắc, chiếc cầu bị gãy. Tất cả các binh sĩ và sĩ quan đều rơi xuống nước, rất nhiều người bị chết đuối.
Câu chuyện thứ hai xảy ra ở St Peterburg (Nga), khi một đoàn quân đi qua cây cầu lớn trên sông Neva, họ cũng đi đều bước và hiện tượng tương tự đã xảy ra.
Cả hai đoàn quân trên đều không ngờ rằng mình đã mắc một sai lầm rất đơn giản. Đó chính là đã tạo nên sự cộng hưởng. Mỗi cây cầu đều có một tần suất xác định. Khi một đoàn người bước đều bước qua cầu, lực tác dụng có tính chu kỳ do bước chân tạo ra cũng có tần suất dao động nhất định.
Nếu tần suất lực tác dụng này gần bằng (hoặc ngang bằng) với tần suất chấn động của cầu thì sẽ tạo ra hiện tượng cộng hưởng. Kết quả cộng hưởng chính là chấn động của cầu ngày càng mạnh, khi vượt quá khả năng chịu đựng của cầu thì cầu sẽ sập xuống.
Trong đời sống hàng ngày, trên các cây cầu thường xuyên có người và xe đi lại, xe cộ tạo ta một lực tác động lên cây cầu lớn hơn rất nhiều so với lực mà bước chân con người tạo ra.
Nhưng lực tác dụng của các loại xe cộ sinh ra không có tính chu kỳ nhất định. Bởi vậy, hai đầu cầu có khả năng trung hoà một bộ phận chấn động khiến cho cây cầu không xảy ra hiện tượng cộng hưởng và không gặp nguy hiểm gì. Do đó, các nước trên thế giới đều có quy định: Khi quân đội đi qua cầu không được đi đều bước.
Ốc neo kém chất lượng được cho là nguyên nhân đứt cáp cầu. Ảnh: Sơn Thủy.
Còn trường hợp sập cầu treo Chu Va (Lai Châu), tôi nghi ngờ là do chất lượng cây cầu không tốt chứ không phải là do hiện tượng cộng hưởng và quá tải.
Khi thiết kế một cây cầu, các kỹ sư bao giờ cũng nhân hệ số vượt tải rất lớn như: tải trọng tiêu chuẩn, tải trọng hoạt tải đều được nhân với hệ số vượt tải hay tải trọng đọng, hệ số vượt tải… Tức là trong nguyên tắc thiết kế, để đảm bảo an toàn bao giờ cầu cũng đều được tính khả năng chịu tải gấp 3 lần.
Vì thế, tôi không đồng ý cây cầu treo sập là do tải trọng vượt quá khả năng, giả thích thế là không chính xác.
Ai cũng hiểu, những vật liệu đó đều phải được làm bằng thép cường độ cao, thép dự ứng lực. Vì thế, cây cầu không dễ dàng gì mà bị đứt được khi đoàn người bước đi qua cầu.
Nếu mọi người xem video sẽ thấy rõ, cây cầu bị đứt và lật về một phía. Tai nạn xảy ra là do đứt ốc neo – vị trí chịu tải yếu nhất. Vì vậy, tôi nghĩ nguyên nhân ở đây là do chất lượng cầu không tốt, chỉ tiêu cơ lý kém.
Để làm rõ điều này, tôi mong những người điều tra cần phải xem lại toàn bộ vật liệu níu giữ từ tăng đơ đến bu lông và kiểm tra các văn bản lấy mẫu thí nghiệm, chứng chỉ xuất xưởng vât liệu khi thi công.
* Video toàn cảnh vụ sập cầu treo ở Lai Châu
Bên cạnh đó cần phải điều tra xem trách nhiệm của công ty thiết kế, công ty giám sát, công ty thẩm tra hồ sơ thiết kế, đơn vị thẩm định dự toán và hồ sơ thiết kế. Nếu như công ty thi công làm sai thiết kế hay kém chất lượng thì tại sao chủ đầu tư, công ty tư vấn thiết kế, đợn vị giám sát lại ký biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Tất nhiên công trình nào chẳng có hồ sơ chất lượng. Quan trọng hồ sơ dự toán công trình có được chi tiền đủ để mua linh kiện và nguyên vật liệu chất lượng tốt hay không.
>> Xem thêm: Ảnh hiện trường vụ sập cầu treo khiến hơn 40 người thương vong ở Lai Châu
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.