Sự việc một cảnh sát giao thông (CSGT) phải “đánh đu” ở đầu xe khách tại Hà Nội vừa qua nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc VnExpress.
Phần đông bạn đọc cho rằng đây là một hành động không những nguy hiểm đến tính mạng của CSGT mà còn thể hiện nghiệp vụ kém. Chưa kể điều này còn có thể gây ra những hậu quả khác như khiến tài xế hoảng loạn, không kịp xử lý, ảnh hưởng đến những người đi đường xung quanh.
Hầu hết bạn đọc cũng đồng tình với ý kiến của một vị lãnh đạo ngành công an khi ông nói “không khuyến khích cảnh sát nhảy lên capô”. Bạn đọc cũng cho rằng có nhiều cách thức khác để xử lý những trường hợp vi phạm giao thông và không chấp hành hiệu lệnh như trên.
Bạn đọc Trinhgiap cho biết qua những phim ảnh đã xem về lực lượng CSGT ở Mỹ thì anh đều thấy họ đứng sát vỉa hè khi muốn dừng xe vi phạm. “Cảnh sát không nên ra giữa đường chặn xe. Nếu xe vi phạm vẫn không chịu dừng, họ sẽ dùng xe công vụ đuổi theo đằng sau ra hiệu lệnh”, anh nói thêm.
Thực tế cho thấy luật giao thông ở Mỹ rất nghiêm khắc. Tất cả những lỗi vi phạm nếu đã bị CSGT thổi phạt mà vẫn cố tình không chấp hành sẽ nhận những bản án nặng.
CSGT ở Mỹ chỉ cần chạy theo xe vi phạm và hụ còi, người vi phạm phải lập tức tấp vào lề, tắt máy xe và để hai tay lên vô lăng để kiểm tra. CSGT sẽ viết giấy phạt và người vi phạm được phép đi. Giấy phạt được nộp lên tòa án và tòa sẽ thông báo cho người vi phạm biết phải nộp phạt bao nhiêu.
Trong những trường hợp anh CSGT "đánh đu" ở cần gạt nước đã xảy ra, một bạn đọc gợi ý: “Chỉ cần chụp ảnh, lập biên bản có 2 CSGT làm chứng và mang về trụ sở phạt nguội cũng được”.
Đây cũng là cách làm được nhiều bạn đọc chia sẻ và mong CSGT ở Việt Nam cũng sẽ có cách xử lý phù hợp hơn.
Tuy nhiên, để làm được như trên cần có sự chấp hành của người vi phạm, cụ thể là ý thức tham gia giao thông phải rất tốt.
>> Xem thêm: Nhiều người dân thích đút lót cảnh sát giao thông |
Bạn đọc Nguyen dẫn chứng về một cảnh tượng thường thấy trong văn hóa giao thông ở Việt Nam: “Chiều nào tôi cũng đi qua đoạn ngã ba Trường Chinh - Âu Cơ ở quận Tân Bình (TP HCM), đoạn đó hôm nào cũng tắc. Không có mấy anh CSGT đứng đó chắc đêm mới về tới nhà nổi. Trời thì nắng nôi mà các anh phải đứng điều tiết xe, trong khi dân thì ý thức kém. Rõ ràng bên đường Trường Chinh đang tắc xe không nhúc nhích nổi, đường bên Âu Cơ đã cấm đi mà vẫn có nhiều người cứ nhao nhao ra giữa đường. Rồi cũng có đi được đâu mà còn làm tắc luôn đường Trường Chinh phía từ ngoại ô vào.”
Đó cũng lý do khiến bạn đọc này cho rằng “CSGT thiếu kiềm chế cũng là dễ hiểu”, vì văn hóa giao thông quá lộn xộn.
Một điều nữa được khá đông bạn đọc khẳng định tình trạng không chấp hành hiệu lệnh của các tài xế là do mức phạt hiện tại còn quá nhẹ. Như trường hợp lái xe khách khiến CSGT phải “đánh đu” trên xe mà chỉ bị phạt 2 triệu cho cả tội lấn làn và chở quá số khách.
“Những trường hợp này cần phải phạt nặng hơn nữa, thêm tội không chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ”, bạn đọc Chuchilinh bổ sung thêm.
Và theo bạn đọc Nguyên Hồng, phải “tước bằng lái xe vĩnh viễn”, không để những tài xế vô ý thức điều khiển các loại xe công cộng mới là biện pháp triệt để.
Như vậy, đạo đức lái xe phải được kiểm tra chặt chẽ, quy trình đào tạo về nghiệp vụ xử lý trong từng trường hợp của CSGT cũng phải được rà soát lại để hạn chế những hình ảnh không hay như vừa qua.
>> Xem thêm: Đi bộ sai bị đụng chết phải bồi thường cho ôtô
Diễm Phương (tổng hợp)
Chia sẻ bài viết về ý thức/văn hóa giao thông tại đây.