Trận bán kết giữa U19 Hoàng Anh Gia Lai và U21 Việt Nam là một trận đấu được rất nhiều người hâm mộ mong đợi, kể từ khi có sự xuất hiện của U19 Việt Nam nói chung và U19 Hoàng Anh Gia Lai nói riêng. Sự háo hức đón chào trận đấu này nâng lên khi có nhiều tranh luận về việc cử U19 đi đá Seagame trong năm tới. Và kết quả trận đấu đã làm thỏa mãn niềm mong đợi của nhiều người hâm mộ đội U19, đội bóng có lối đá đẹp và quyến rũ.
Là một người được U19 khơi lại tình yêu bóng đá nước nhà, tất nhiên tôi cũng rất vui và thỏa mãn khi đội U19 Hoàng Anh Gia Lai giành chiến thắng. Tuy nhiên, nhìn diễn biến trận đấu, xem bình luận trên các bài báo, tôi cảm thấy chạnh lòng trước những lời chỉ trích, có phần khá nặng nề về năng lực và lối chơi của đội U21. Đặt mình vào vị trí của các em cầu thủ U21 tôi thấy thật buồn, và tôi nghĩ rằng họ rất cần sự cảm thông từ người hâm mộ.
Về năng lực cá nhân, đa số người hâm mộ nhận thấy rằng các cầu thủ U21 nhìn chung còn kém kỹ thuật hơn các em U19. Điều này cũng dễ hiểu và cũng đáng được cảm thông vì các em đội U21 đâu có được đầu tư bài bản như các em U19. Mỗi cầu thủ U19 được đầu tư nhiều tỷ đồng để có được ngày hôm nay, trong khi các cầu thủ U21 chưa được đầu tư như thế.
Mặt khác, các cầu thủ U19 là những người đã ăn, ngủ và chơi bóng cùng nhau nhiều năm nên việc hiểu nhau qua từng pha bóng để thể hiện năng lực cá nhân là điều tất yếu. Trong khi đó, các cầu thủ U21 là một tập hợp của các cá nhân từ nhiều câu lạc bộ khác nhau nên không có được lợi thế này.
Về lối chơi, cả huấn luyện viên và các cầu thủ U21 bị chỉ trích rất nhiều sau trận đấu, bởi lẽ họ không chơi quyến rũ như các em U19. Ở khía cạnh này, họ cũng đáng được thông cảm, bởi lẽ ai cũng hiểu rằng khi thực lực yếu thì phải thủ, phải đá rắn để hy vọng một kết quả chấp nhận được. Các đội tuyển quốc gia đá cup thế giới hay các đội bóng đá ở La Liga, Ngoại hạng Anh…cũng thế. Riêng đối với U21, điều này rất quan trọng vì họ nhận thức được rằng họ sẽ bị “ném đá tơi bời” nếu như lỡ thua nhiều do chọn lối đá đôi công.
Có những người cho rằng họ không chỉ trích việc đá kém mà lên án về lối chơi có phần hơi thô bạo của các cầu thủ U21. Tôi không bênh vực và ủng hộ cho lối chơi này, tuy vậy tôi vẫn thấy có lý do để cho chính tôi có cái nhìn thông cảm.
Đó là sự khác biệt về giáo dục nhân cách của 2 nhóm cầu thủ. Rất tiếc các cầu thủ U21 không được may mắn như những đàn em U19. Tôi đã từng đá bóng và có nhiều bạn bè chơi bóng phong trào, tôi biết có những huấn luyện viên dạy tiểu xảo đá bóng nhiều hơn dạy kỹ thuật bóng đá. Tôi tin nhiều cầu thủ U21 cũng từng là nạn nhân của kiểu đào tạo ấy.
Vài dòng chia sẻ cùng người hâm mộ với hy vọng các em U21 tự tin và trưởng thành hơn, bởi các em cũng mới là những thanh niên chập chững bước vào đời.
>> Xem thêm: Bốn điểm hạn chế U19 Việt Nam cần cải thiện
Bài học giáo dục sau trận cầu U19 ViệtNam với Australia |
Chia sẻ bài viết của bạn về bóng đá Việt Nam tại đây.