Ngày trước tôi thường nghe nói mối quan hệ giữa cán bộ với dân gần gũi như cá với nước. Điều này không phải là cách nói ví von cho vui mà có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Ngoài việc thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn giữa người cán bộ cách mạng với nhân dân, nó còn thể hiện rõ tính biện chứng về mối quan hệ không thể tách rời như một lẽ tự nhiên.
Hồi nhỏ tôi từng chứng kiến gia đình tôi cũng như những gia đình khác đón cán bộ ở nhiều lĩnh vực khác nhau về ở cùng trong những chuyến họ đi công tác. Đó là những cán bộ được phân công “ba cùng” với dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Hình ảnh những cán bộ đó đọng lại trong ký ức của tôi là những người rất giản dị và hòa đồng…
Bây giờ, nhìn khắp nơi tôi có cảm giác hình như cán bộ và nhân dân đang có một khoảng cách, mà khoảng cách đó đang dần được nới rộng. Các cơ quan nhà nước bây giờ đều có trụ sở to, đầy đủ tiện nghi lại có cổng và tường rào kiên cố nên cán bộ hầu như chỉ “quây quần” trong văn phòng.
Nếu có việc phải đi ra ngoài ai cũng một bước lên xe, cán bộ nhỏ thì xe máy đẹp, cán bộ to thì xế hộp. Cán bộ cấp trên có việc đi công tác dưới tỉnh thì cũng theo một mô - típ chung: Đi thăm một số điển hình nào đó (có kịch bản) rồi thì họp với lãnh đạo địa phương, ban ngành cấp, dưới nghe báo cáo và có một số chỉ đạo chung chung. Thế là xong, mà báo cáo ở ta thì ai cũng biết là tính trung thực, xác thực thường không được cao lắm.
Không phải chỉ cán bộ nói chung, kể cả những người dân cử, là đại biểu của nhân dân… khi tiếp xúc với người dân vẫn tồn tại khoảng cách rõ rệt. Từ cách bố trí không gian tiếp xúc, cho đến cung cách ứng xử của nhiều vị để lại trong lòng dân cảm giác của sự gượng gạo. Sự kẻ cả, trịch thượng thường hiện hữu ở không ít cán bộ.
Nhân đây tôi kể một câu chuyện có thật. Nơi tôi ở là một xã vùng ven thành phố tỉnh lỵ, nói chung điều kiện đường sá, thông tin liên lạc cũng tương đối. Tôi chưa có dịp khảo sát các vùng khác trong xã, nhưng với tổ dân phố của tôi, khi tôi hỏi chủ tịch xã hiện giờ là ai thì cứ 10 người có đến 7, 8 người không biết, có người trả lời thành tên của ông chủ tịch nhiệm kỳ trước, mặc dù tổ chúng tôi chỉ cách trụ sở khu hành chính của xã chỉ khoảng 3 cây số và có đường nhựa hẳn hoi. Đơn giản chỉ vì kể từ khi nhậm chức đến nay (khoảng 3 năm), ông chủ tịch xã chưa một lần về tiếp xúc với dân tổ (và có lẽ cả ấp nữa).
Không chỉ trong công việc mà trong cuộc sống sinh hoạt khoảng cách giữa cán bộ và nhân dân cũng khá rõ rệt. Cán bộ bây giờ nhiều người có thu nhập cao (cả chính thức lẫn không chính thức) nên nhà cửa, dinh cơ của họ cũng thường kín cổng cao tường, mỗi khi về đến nhà là họ bước vào thế giới riêng của mình.
Bên cạnh đó, ngoài giờ làm việc nếu không về với thế giới riêng thì đa phần họ cũng tụ tập (chỉ riêng cán bộ với nhau) để ăn nhậu và giải trí, mà ở đó khó lòng tiếp xúc được với dân thường. Không ít địa phương đã hình thành nên những khu phố mà người ta gán cho nó cái tên “Trần Dư” (trừ dân), nghĩa là những khu phố đó chỉ toàn gia đình cán bộ.
Sinh thời Bác Hồ luôn đề cao sự gắn bó giữa cán bộ với nhân dân. Nhiều câu nói của Người đã trở thành kinh điển, kim chỉ nam cho mỗi cán bộ cánh mạng. Người chính là tấm gương sáng ngời cho sự gắn bó, phụng sự nhân dân.
Chuyện kể những ngày đầu Cách mạng tháng 8 thắng lợi, đất nước còn nhiều khó khăn, thù trong giặc ngoài nhan nhản. Nguy hiểm luôn rình rập những nhà lãnh đạo như Bác nhưng Người vẫn bí mật “vi hành” tới từng gia đình, góc phố để tận mắt chứng kiến đời sống của dân và lắng nghe những tâm sự rất thật của họ. Mỗi câu chuyện, mỗi hình ảnh, mỗi lời nói của Người còn lưu lại trong trí nhớ của dân.
Những tình cảm chân tình, ấm cúng một cách tự nhiên tạo cảm giác giữa lãnh tụ và người dân dường như không có một khoảng cách nào, thật khó bắt gặp được trong thời buổi hiện nay mặc cho trên các phương tiện truyền thông luôn tràn ngập hoạt động của các cấp lãnh đạo.
Ngoài Bác Hồ là biểu tượng cho sự gắn bó và phụng sự nhân dân, chúng ta cũng không thiếu những bài học thành công nổi tiếng bắt nguồn từ việc gần dân.
Những năm 60 của thế trước nếu không lăn lộn với bà con nông dân, với ruộng đồng và thấu hiểu những điều bó buộc do mô hình kinh tế nông nghiệp lúc bấy giờ đối với người nông dân liệu ông Kim Ngọc (nguyên bí thư tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ) có trở thành cha đẻ của khoán hộ?
Hay vào những năm thập niên 80 (cũng thế kỷ trước), nhờ có sự gần gũi, sâu sát, lắng nghe và đồng cảm với nỗi bức xúc của các doanh nghiệp, của người công nhân hay tầng lớp tiểu thương mà những nhà lãnh đạo của TP HCM lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… đã có những quyết sách táo bạo “cởi trói” cho kinh tế thành phố, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới toàn diện trên các nước…
Quả thật những bài học về sự gắn bó giữa cán bộ với dân không bao giờ kể hết được. Ngày nay cán bộ các cấp có không ít kênh thông tin để nắm tình hình người dân như thông qua báo cáo của cấp dưới, của các phương tiện thông tin đại chúng… Thế nhưng không phải bao giờ các kênh thông tin chính thống cũng phản ánh dầy đủ và trung thực mọi mặt của cuộc sống.
Có những nỗi niềm, những lời ca thán, hay những điều bức xúc và có cả những điều tâm huyết với đất nước, với thời cuộc mà không có bản báo cáo hay các phương tiện truyền thông nào có thể truyền tải được. Những điều đó chỉ có thể nghe được ở những quán cá phê, nơi “trà dư tửu hậu”… mà chỉ có những cán bộ chịu khó lăn lộn, sâu sát với dân mới có thể nắm bắt được.
Thật ra ngày nay không phải tất cả cán bộ, đảng viên của chúng ta đều có biểu hiện xa rời quần chúng nhân dân. Chúng ta có thể bắt gặp những người cán bộ vẫn ngày đêm tận tụy với công việc, gắn bó với nhân dân mọi nơi, mọi lúc. Thế nhưng thật đáng buồn là những người như thế chưa thật sự nhiều và thậm chí có nơi những người cán bộ như thế lại trở nên lạc lõng.
Chúng ta nói nhiều đến cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi nếu cán bộ của chúng ta không bước ra khỏi văn phòng và những nghi thức rườm rà để đến với dân một cách chân thành nhất.
Tôi tin chắc rằng nếu thường xuyên gần gũi dân, thấu hiểu mọi mặt đời sống của người dân thì hẳn mỗi người cán bộ sẽ sống và làm việc có trách nhiệm hơn. Đứng trước mỗi cám dỗ họ sẽ đắn đo hơn, đồng nghĩa với việc sa ngã của cán bộ đảng viên cũng sẽ ít đi, lòng dân cũng được bình an hơn.