Để giải quyết nạn kẹt đường giao thông đô thị tại hai Thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh đã có nhiều ý kiến đề xuất nhưng không khả thi và khó thực hiện, nạn kẹt xe vẫn sẽ tiếp tục một khi còn cho phép xe gắn máy chạy lưu thông trên các đường nội thị của hai Thành phố này.
Tôi đồng ý với những ý kiến cấm xe gắn máy trong đô thị tại hai Thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đó là giải pháp duy nhất hiện nay để chấm dứt tình trạng hỗn loạn giao thông, nạn lấn chiếm lề đường, giảm tai nạn giao thông và nhờ vậy Thành phố mới nhanh chóng đi lên văn minh hiện đại theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là liệu pháp sốc ảnh hưởng hầu hết tới mọi người, nhưng cần phải như vậy mới nhanh chóng giải quyết được nạn kẹt đường giao thông mà chủ yếu do xe gắn máy gây nên.
Với biện pháp cấm xe gắn máy lưu thông trong đô thị tại hai Thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, tôi có một vài ý kiến như sau:
1. Việc cấm xe gắn máy này sẽ có lợi nhiều hơn cho chính quyền của hai Thành phố lớn, và bản thân người dân như:
- Đường phố sẽ thông thoáng ngay (sau khi có lệnh cấm xe gắn máy được thực thi), tạo điều kiện cho các loại xe buýt lưu thông phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại của người dân.
- Chính quyền Thành phố có điều kiện mở rộng, nâng cấp được nội thị mà lâu nay đã làm nhưng rất chậm trong việc phát triển mạng lưới giao thông của Thành phố.
- Giảm thiểu khá lớn ô nhiễm môi trường do khói xăng dầu gây ra từ chủ yếu các loại xe gắn máy.
- Giảm một lượng lớn xăng dầu mà từ các loại xe gắn máy của người dân chạy trong Thành phố. Lượng lớn xăng dầu này chuyển qua cho xe buýt sử dụng.
- Giảm chi phí đáng kể cho người dân khi phải mua xăng dầu, gởi xe hàng tháng, bảo trì xe và đầu tư mua xe gắ n máy (mỗi gia đình thường phải có từ 2-3 xe). Chi phí đi xe buýt sẽ ít hơn rất nhiều so với chi phí kể trên.
- Giảm đáng kể các tai nạn giao thông đối với xe gắn máy, đồng nghĩa giảm gánh nặng về xã hội đối với gia đình và Chính quyền Thành phố.
- Giảm các bãi giữ xe gắn máy trong Thành phố.
- Trả lại vỉa hè đường phố dành cho người đi bộ.
2. Biện pháp thực hiện:
- Việc cấm xe gắn máy cần có thời gian đủ dài (khoảng 6 tháng) để người dân chuẩn bị có hiệu quả, và thời gian để Chính quyền Thành phố chuẩn bị tăng lượng xe buýt (lớn, nhỏ), tăng tuyến, bến đậu đủ khả năng phục vụ người dân đi lại trong Thành phố tiện lợi và nhanh chóng.
- Trước mắt không thể cấm xe đạp (hoặc xe đạp điện) được. Nên cấm xe đạp đi trên các lộ đường chính, riêng những đường lớn, rộng cần phân tuyến riêng cho xe đạp (nếu lấn qua tuyến đường dành cho xe ô tô thì phạt nặng).
- Tăng lương cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe buýt để họ yên tâm và có thái độ phục vụ tốt.
- Tiếp tục khẩn trương thực hiện các dự án phát triển mạng lưới giao thông nội thị, tàu điện cao tốc (trên cao, hoặc ngầm).
- Tiếp tục tăng thuế, phí trước bạ đối với các loại xe hơi nhỏ (4-7 chỗ) nhằm hạn chế lượng xe lưu thông trong Thành phố, sử dụng một phần tiền này cho tu bổ giao thông nội thị.
Đây là những ý kiến chân thành của tôi. Rất mong bạn đọc và Chính quyền ở hai Thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh ủng hộ nhằm tháo gỡ nhanh nạn kẹt xe trong thành phố.
Người gửi: Vũ Thắng
Trước mắt có thể thu phí lưu hành xe, phí môi trường với mức thấp, điều chỉnh thuế trước bạ và lệ phí đăng ký sao cho đúng đối tượng cần hạn chế (xe quá to – hao nhiên liệu – giá trị lớn, xe kinh doanh), thải loại tất cả xe quá cũ...
Hiện nay TP HCM đang quá tải, ô nhiễm, nhất là khu trung tâm. Hạn chế xe cá nhân là cần thiết nhưng phải có lộ trình song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Đến khi hai yếu tố này cân bằng nhau thì lúc đó tự ắt sẽ phát triển theo quy luật tự nhiên của xã hội.
Chắc còn lâu mới có chuyện hạ tầng luôn đi trước sự gia tăng của phương tiện nếu không có sự chung vai gánh sức chia sẻ của nhân dân, trách nhiệm và “tầm nhìn” của người lãnh đạo và quản lý. Tôi xin có vài ý kiến nhỏ sau:
Trước mắt:
- Có thể thu phí lưu hành xe, phí môi trường với mức thấp (200 – 500 đ/lít xăng) để người dân có thể chia sẻ và rất đồng tình với cách thu vào giá xăng vì rất công bằng và bớt được chi phí quản lý... Cần đánh mạnh phí môi trường vào xe có dung tích lớn: mô tô trên 125cc, ôtô du lịch trên 2.0 (có thể thu thêm với đối tượng này bằng phí đăng ký xe, phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT).
- Điều chỉnh thuế trước bạ và lệ phí đăng ký sao cho đúng đối tượng cần hạn chế (xe quá to – hao nhiên liệu – giá trị lớn, xe kinh doanh), giảm áp lực đối với người có nhu cầu thật sự (xe nhỏ, giá trị thấp – đa dụng nhưng tiết kiệm). Giảm mức thuế (xuống 1–5% tùy loại) cho xe cũ sang tên để hạn chế xe mới. Muốn có nguồn thu ngân sách thì phải phát triển thị trường, khuyến khích tiêu dùng.
- Thải loại tất cả xe quá cũ; 25 – 30 tuổi (kể cả xe máy), xe tự cải tạo không an toàn, xe gây ô nhiễm nặng. Cấp lưu hành có thời hạn tùy theo chất lượng xe, qui định tuổi thọ các loại xe. Đăng kiểm với tất cả các loại xe có động cơ. Khuyến khích đầu tư vào xe công nghệ mới, tiết kiệm, giảm tiếng ồn. Thay thế dần xe buýt bằng loại nhỏ hơn và chạy điện. Nâng cao chuẩn chất lượng nhiên liệu.
- Điều chỉnh phân luồng, phân tuyến hợp lý, khoa học, hạn chế hoặc phân loại xe vào thành phố theo giờ, theo tuyến đường. Một chiều hóa các con đường hẹp và các tuyến song song, hạn chế xe rẽ trái gây xung đột hoặc có lượt đèn xanh và mở làn cho xe rẽ trái & quay đầu, rẽ phải. Nên dùng dải phân cách mềm để cơ động hơn và giảm độ nguy hiểm.
- Tăng cường lực lượng kiểm tra, xử phạt nghiêm các lỗi dễ gây ùn tắc. Tổ chức chặt chẽ hơn khâu dạy đạo đức, văn hóa ứng xử của lái xe và yêu cầu cao hơn về trình độ văn hóa, ý thức khi họ ;c lái xe, tăng giờ thực hành và bổ túc kinh nghiệm xử lý tình huống cho lái xe.
Về lâu dài:
- Mở rộng đường sá, cầu cống, các nút cổ chai, hạn chế điểm giao cắt, điểm tụ tập, lấn chiếm cản trở an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Phát triển mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp, đa dạng nhiều lớp và tiện lợi 24/24 giờ với mức giả rẻ. Tính toán trước mức độ phát triển của đô thị.
- Hạn chế phát triển vào khu trung tâm và nên xây nhiều bãi đậu xe nhiều tầng. kêu gọi đầu tư mở rộng các vùng ven trước thành đô thị vệ tinh để giãn dân, giảm mật độ giao thông, đầu tư xây dựng cuốn chiếu, làm đâu chắc đó chứ không dàn trải bừa bộn mà chẳng ra đâu như hiện nay.
Người gửi: Trần Quý Anh,
Theo quan điểm cá nhân tôi, có một cách có thể giảm đáng kể (không nói đến chấm dứt hẳn) là các cơ quan (đặc biệt là các cơ quan nhà nước) thắt chặt nội quy lao động, yêu cầu nhân viên có mặt ở cơ quan đúng giờ làm việc. Lý do chính của biện pháp trên là:
+ Theo kinh nghiệm tham gia giao thông của tôi thì ùn tắc giao thông thường vào những giờ nhất định. Nếu người lao động đi làm sớm hơn một chút (chỉ cần 5-10 phút) thì gần như hoàn toàn tránh được việc tắc đường. Tuy nhiên, hầu hết mọi người có thể không để ý việc này, tham gia giao thông vào đúng giờ ùn tắc thì hậu quả tất yếu thì đã muộn lại càng muộn hơn. Vì vậy biện pháp trên gián tiếp làm tăng ý thức của người lao động, muốn không đi làm muộn giờ (vi phạm kỷ luật lao động) thì phải tự bố trí công việc, đi làm vào giờ phù hợp hơn để tránh ùn tắc.
+ Biện pháp này có ưu điểm là không tốn chi phí vì đi làm đúng giờ là một việc đương nhiên, không ai có thể thắc mắc. Đã đến lúc người tham gia giao thông cũng phải nâng cao ý thức, chung sức cùng nhà nước góp phần giảm bớt nạn ùn tắc giao thông chứ không thể lúc nào cũng kêu ca phàn nàn mà tự mình không tự tìm giảp pháp như hiện nay được.
"Tắc đường" bây giờ là một lý do rất phổ biến khi người lao động đi làm muộn và được mọi người chấp nhận như "một phần tất yếu của cuộc sống"
Người gửi: Nguyễn thành Đức,
Nên buộc xe buýt trên 15 chỗ không được vô nội thành, chỉ ở bến xe miền Đông, miền Tây. Chỉ cho phép xe đã thay thế xe lam như xe suzuki có 2 hàng ghế dọc phía sau ngồi được 10 người, lúc đó sẽ giảm phần diện tích chiếm mặt đường đáng kể. Đồng thời cấm xe rác lớn lưu thông trong giờ cao điểm.
Hiện nay tại Thái Lan vẫn còn sử dụng tuktuk để khỏi kẹt xe.
Người gửi: Võ Thị Liên,
Chúng ta cần nhìn nhận lại chính chúng ta. Nếu chúng ta tuân thủ đúng luật giao thông thì tình trạng kẹt xe sẽ giảm bớt và không nặng nề như hiện nay!
- Do ý thức chấp hành luật của người dân tham gia giao thông còn kém, thường xuyên lấn tràn qua chiều ngược lại tạo thành nút chai khiến cho tình trạng kẹt xe nặng hơn! Nếu người dân chịu khó vào giờ cao điểm đi chậm một chút, theo đúng chiều giao thông của mình thì sẽ giảm bớt tình trạng kẹt xe! Cần tuyên truyền ý thức tuân thủ luật giao thông trên các báo đài thậm chí ban hành các hình phạt thật nặng nếu ai đi vào ngược chiều, lấn tuyến lại!
- Tình trạng băng ngang, quẹo trái, quẹo phải tùm lum hết trong giờ cao điểm dễ gây nạn kẹt xe! Chính phủ cần có quy định cấm quẹo ngang, quẹo dọc trong giờ cao điểm! Những con hẻm, đường nhỏ cắt ngang những trục đường chính, lớn dễ gây tình trạng kẹt xe trong giờ cao điểm! VD: từ 7h30-8h30 và 17h00 - 18h00 cấm quẹo ..., hoặc cấm ôtô lưu thông..... Hạn chế việc băng qua, băng lại trong giờ cao điểm!
Người gửi: Nguyễn Bá Minh,
Hãy khoan bàn đến những biện pháp phải động tay, động chân hay động não nhiều như mở đường, thu phí.... Tôi nhìn thấy một biện pháp có thể thực hiện ngay đó là:
1. Cần phải có đèn rẽ trái tại các ngã tư
2. Đèn đỏ: đương nhiên xe máy được rẽ phải
3. Độ dài đèn xanh phải phù hợp: buổi sáng đèn xanh chiều vào thành phố phải dài hơn chiều đường đi ra. Đến buổi chiều thì ngược lại.
Tôi thấy các ông Cảnh sát giao thông không chịu quan sát và sáng tạo gì cả. Mấy cái ý kiến đơn giản trên ai mà chẳng nhận ra.
Người gửi: Thanh Liêm,
Chống ùn tắc giao thông: Nên bắt đầu từ việc nhỏ. Khoan hãy bàn đến việc thực hiện các đề án cao siêu để làm giảm ùn tắc giao thông. Hãy thực hiện ngay những biện pháp thiết thực là giải quyết các hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trong các thành phố. Giải quyết tốt vấn đề này cũng cải thiện đáng kể nạn ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, các bạn thấy đấy, vấn đề này được hô hào rất nhiều mà kết quả thực hiện có đáng là bao? Hãy quan sát ở HN vẫn còn nhiều con đường, vỉa hè bị lấn chiếm. Trách nhiệm thuộc về ai? Khi những vấn đề "nhỏ như con thỏ" có thể giải quyết được ngay mà không làm được thì hãy khoan đề cập đến những vấn đề lớn hơn!