Đó là một loạt câu hỏi mà độc giả Mỹ Lệ đặt ra sau khi đọc xong bài báo “Khoan trúng dây điện, công nhân cháy như đuốc” trên VnExpress. 10h sáng 29/7, một nhóm công nhân điện lực đang đào vỉa hè đường Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội), khi đến trước ngõ 296, hai công nhân vô tình để máy khoan trúng dây điện ngầm, gây ra tiếng nổ lớn, cả hai người văng xa hơn 1m, rồi ngã vật dưới lòng đường.
“Dây điện ngầm sao đặt nông thế? Xem hình thì tôi đoán dây được chôn sâu chưa tới 40cm. Mà sao dây cáp lại không có cái gì bảo vệ, lỡ gặp hôm trời mưa ngập nước, rò điện thì cả khu phố bị điện giật hết à?” - độc giả Minh Dang nêu ý kiến.
Cùng chung thắc mắc với bạn đọc Minh Dang, nickname Giáng Long thắc mắc: “Đúng đấy, dây điện chôn nông, không có biện pháp bảo vệ, không người này thì người khác cũng lãnh hậu quả thôi. Khi đi dây ngầm phải có hành lang bảo vệ hoặc đi vào ống ruột gà, phía trên có mốc chỉ dẫn chứ, sao ở đây lại không có?”
“Đây là bất cập thường xuyên ở Hà Nội, đơn vị này vừa lát hè xong, đơn vị kia lại đến đào, hè phố lúc nào cũng bị đào bới, lãng phí bao nhiêu tiền bạc. Tại sao không có sự thiết kế đồng bộ, nơi cấp phép đào đường sao không yêu cầu các đơn vị phối hợp?” - độc giả Suhsi bức xúc.
Lý giải cho những thắc mắc của ba độc giả phía trên, nickname MT giải thích: “Đó là sự quản lý thiếu thống nhất giữa các ngành bên điện, nước, viễn thông. Thông thường điện 3 pha chôn ngầm được đặt trong một ống nhựa dẻo có độ bền cao để bảo vệ lớp vỏ của cáp điện, đồng thời tránh trường hợp đào sửa đường hoặc nước. Trường hợp này không có ống bảo vệ là do đơn vị thi công làm sai quy định về an toàn ngành điện".
Còn độc giả có nickname Lotte băn khoăn: “Tôi không hiểu tại sao trong các đô thị lớn, được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho nâng câp đường xá, vỉa hè, nhưng vừa làm xong là có đơn vị khác đến đào lên rồi lấp xuống không nguyên vẹn như trước, thế là hư hỏng nặng, người dân thì đi lại dễ bị tai nạn".
“Tôi cũng không hiểu việc quy hoạch trồng cây xanh để làm bóng mát hay để làm bonsai. Khi cây xanh vừa lớn lên đụng hàng dây điện thì lại đem chặt bỏ, thế có phải quá lãng phí tiền không? Tại sao việc quy hoạch không hợp lý này vẫn tồn tại mấy chục năm nay?" - bạn đọc này đặt câu hỏi.
>> Xem thêm: Ai chịu trách nhiệm sự cố mất điện toàn miền Nam?
Điệp Lê
Chia sẻ bài viết của bạn về vấn đề xã hội tại đây.