Ngày 18/9, cộng đồng nghệ thuật nổi tiếng Fur Affinity thông báo người tham gia không được đăng tác phẩm do AI vẽ vì "thiếu giá trị nghệ thuật". "Nội dung trí tuệ nhân tạo không được phép xuất hiện trên Fur Affinity. Nhiều ứng dụng AI lấy mẫu tác phẩm của các nghệ sĩ khác để tạo nội dung. Chúng có thể tham khảo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tác phẩm của những nghệ sĩ khác, do đó không thể coi chúng có giá trị nghệ thuật", website của Fur Affinity đăng thông báo.
Từ năm ngoái, Newgrounds - cổng thông tin nghệ thuật và hoạt họa với hơn 27 năm hoạt động - cũng cấm các nội dung từ Artbreeder. Đây là công cụ AI dùng để "nhân giống" các tác phẩm nghệ thuật do mạng đối nghịch (GAN), một khái niệm của công nghệ học máy (machine learning), tạo ra.
Cuối tháng trước, Newgrounds tiếp tục điều chỉnh quy tắc của mình, trong đó yêu cầu các tác giả không tạo tác phẩm bằng công cụ AI như Midjourney, Dall-E 2 và Craiyon, cũng như các trình dựa trên máy học như Fractal, ArtBreeder.
Newgrounds cho biết nền tảng có thể chấp nhận một phần nội dung được chỉnh sửa bằng AI, nhưng cần nêu rõ trong tác phẩm đăng tải. Ngoài ra, việc tô màu cho tác phẩm bằng AI cũng được chấp nhận.
"Điểm mấu chốt ở đây là, chúng tôi muốn tập trung vào phần nghệ thuật do con người sáng tác và không để Newgrounds tràn ngập tác phẩm từ máy tính", đại diện cổng thông tin cho biết.
Không chỉ các nền tảng nghệ thuật lâu đời, những công ty mới ở lĩnh vực này cũng tuyên bố không khoan nhượng với tác phẩm AI. InkBot, website ra đời năm 2021 và chuyên trưng bày các tác phẩm của họa sĩ trên toàn cầu, cũng đưa việc cấm nội dung AI vào điều khoản dịch vụ.
Thực tế, nhiều cộng đồng nghệ thuật trực tuyến đang đau đầu với các nội dung AI. DeviantArt, một trong những website nghệ thuật có nhiều người xem nhất, cho biết đang yêu cầu nhân viên kiểm duyệt "chống lại AI" bằng cách hạn chế tải các bức ảnh "có dấu hiệu do máy tạo ra", cũng như cân nhắc tách thành mục riêng biệt hoặc cấm hoàn toàn.
Theo các chuyên gia, cộng đồng nghệ thuật đang phải đối mặt với một thực tế đáng lo ngại: AI có thể vẽ các tác phẩm nhanh gấp hàng nghìn lần con người, một GPU đủ mạnh có thể cho ra hàng nghìn ảnh mỗi giờ, ngay cả khi bạn ngủ.
Mới đây, Stable Diffusion thử nghiệm công cụ tìm kiếm ảnh mang tên Lexica. Công cụ này có thể tìm và tập hơn hơn 10 triệu bức ảnh do AI tạo ra trong một tuần - con số mà một người có thể mất cả đời để nghiên cứu.
Đầu tháng 9, cộng đồng nghệ thuật cũng phản ứng sau khi một bức tranh của AI Midjourney đoạt giải nhất trong một triển lãm tranh. Tác phẩm Théâtre D'opéra Spatial được người dùng Jason Allen mang đến triển lãm ở bang Colorado (Mỹ) và được trao giải nhất ở hạng mục nghệ thuật số khiến giới họa sĩ bất bình, thậm chí lo "cái chết của nghệ thuật đang diễn ra ngay trước mắt".
Trước đó một tháng, tạp chí Atlantic từng hứng chỉ trích vì một biên tập viên đã sử dụng Midjourney để vẽ minh họa nhân vật cho bài viết, thay vì mua ảnh hay thuê người vẽ. Giới họa sĩ cho rằng quyết định đó có thể dẫn đến một tương lai là các nhà xuất bản không cần người vẽ minh họa, hoặc có thể giảm ngân sách cho vấn đề nghệ thuật.
Công cụ như Midjourney chỉ là một trong nhiều phần mềm AI có khả năng tạo tác phẩm hội họa theo yêu cầu bằng văn bản, sử dụng thuật toán học máy và hàng triệu bức ảnh được dán nhãn. Sau quá trình huấn luyện, chúng có thể vẽ dựa theo phong cách riêng của từng họa sĩ với độ chính xác rất cao.
Bảo Lâm (theo Waxy)