Đầu tháng 8, website sinhvienIT.net tuyên bố dừng hoạt động sau hơn 10 năm. Đây từng là một trong những diễn đàn nổi tiếng trong giới công nghệ thông tin tại Việt Nam, được thành lập từ năm 2008 với mục tiêu trở thành nơi giao lưu cho sinh viên ngành công nghệ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, website này lại được biết đến nhiều hơn với vai trò chia sẻ các nội dung lậu và cách bẻ khoá phần mềm, game bản quyền.
Trước thời điểm ngừng hoạt động, website sinhvienIT.net đang ghi nhận lưu lượng truy cập 700.000 lượt/tháng, xếp thứ hạng hơn 700 trong số những cộng đồng trên Internet. Fanpage của đơn vị này có gần 500.000 lượt thích, tuy nhiên bài đăng gần nhất là từ một năm trước. Thời kỳ "đỉnh cao" đầu năm 2010, diễn đàn này đứng top 3 forum IT nổi tiếng ở Việt Nam.
Việc biến mất của sinhvienIT là khá đột ngột, nhưng đây là cái kết được dự báo trước cho các website chia sẻ phần mềm và nội dung số "lậu" tại Việt Nam.
Theo Trần Tuyên, một kỹ sư CNTT đang làm việc tại Hà Nội, các diễn đàn chia sẻ phần mềm này từng giúp ích cho nhiều thế hệ sinh viên công nghệ thông tin, nhưng đến nay nó lại vô tình trở thành rào cản cho sự phát triển của ngành. "Rào cản" ở đây là tạo cho người dùng tâm lý ỷ lại vào các công cụ bẻ khoá thay vì tìm cách mua phần mềm để sử dụng một cách văn minh. Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, người kỹ sư cũng khó có thể làm việc với các đối tác nước ngoài nếu bị phát hiện dùng phần mềm lậu.
"Rất may, người dùng hiện nay cũng đã dần ý thức được về việc tôn trọng bản quyền, đồng thời hiểu được những nguy cơ khi sử dụng phần mềm bẻ khóa nên các cộng đồng chia sẻ này dần hết đất sống" Tuyên nhận định.
Việc tải các phần mềm không rõ nguồn gốc từ các diễn đàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thông tin. Các ứng dụng "bẻ khóa" phần mềm thường yêu cầu người dùng phải tắt tường lửa hoặc cho phép chạy dưới quyền admin của máy tính. Nắm bắt được tâm lý chủ quan của người dùng, không ít kẻ xấu trục lợi bằng cách gắn thêm mã độc hoặc phần mềm hiển thị quảng cáo. Dần dần, người dùng cũng cảnh giác hơn với các website chia sẻ phần mềm lậu.
Trong khi đó, phần mềm bản quyền lại ngày càng dễ mua tại Việt Nam. Bên cạnh các đại lý chuyên phân phối, người dùng giờ đây còn có thể lên các nền tảng toàn cầu như Steam để tải game, Microsoft Store, Apple Store hoặc website của hãng để tải phần mềm rồi thanh toán qua thẻ. "Phần mềm bản quyền giá vài trăm nghìn đồng, mua vào đợt khuyến mãi còn rẻ hơn, nhưng dùng yên tâm và có thể cập nhật thoải mái", thành viên trên một hội nhóm về công nghệ chia sẻ.
Ngoài sự quay lưng của thành viên, các diễn đàn chia sẻ phần mềm giờ đây còn phải đối phó với cả Facebook và Google. Người dùng có xu hướng trao đổi trên các hội nhóm Facebook để có câu trả lời nhanh nhất, thay vì tạo một tài khoản trên diễn đàn. Trong khi đó, cỗ máy tìm kiếm Google cũng bắt đầu thắt chặt với các website chia sẻ nội dung số.
Năm 2012, Google cập nhật thêm bộ lọc nhằm phát hiện các website vi phạm luật Bản quyền Kỹ thuật số Thiên niên kỷ (DMCA). Việc chia sẻ các nội dung như phim ảnh, phần mềm có thể khiến các website này bị giảm thứ hạng trên trang tìm kiếm, mất khả năng kiếm tiền qua Google Adsense. Điều này khiến nhiều diễn đàn mất dần người dùng và không đủ doanh thu để nuôi bộ máy.
Cuối năm ngoái, một diễn đàn 12 năm tuổi về máy tính là Vn-Zoom.com tuyên bố đóng cửa do đơn vị chủ quản không còn nhân lực để duy trì. Một số thành viên cũ đã phải tách ra lập một diễn đàn mới với kỳ vọng xây dựng lại cộng đồng.
Trước SinhvienIT hay Vn-Zoom, cộng đồng mạng tại Việt Nam cũng từng chứng kiến sự đi xuống của nhiều diễn đàn chia sẻ nội dung lậu nổi tiếng một thời, như Chiplove, VnSharing, DiendanBaclieu...
Lưu Quý